“Đúng 6 giờ 15 phút mang đến nhà cho em, chỉ rảnh có mười phút thôi, nên nhớ viết hoá đơn sẵn, đến trễ thì khỏi bán nhé”, cô gái mặc váy xanh, chừng 25 tuổi nói xong quay lưng đi ngay. Bà chủ tiệm mỹ phẩm và spa trên đường Trần Hưng Đạo quận 1 nhanh chân bước ra, đẩy cửa tiễn khách sộp lên xe hơi. Nhìn vào hoá đơn sẽ giao gồm các bộ mỹ phẩm Obagi, bộ Dr Secret, mặt nạ vàng, tổng cộng gần 26 triệu đồng, bà chủ shop nói, “Vị khách này chỉ trong nửa năm thôi đã mua gần 80 triệu đồng”.
TIN BÀI KHÁC:


Chọn hàng... độc

Anh Lang, con trai chủ tiệm bán rượu, bia, thực phẩm khu vực Nguyễn Tri Phương đến nhà người mua trong hẻm cụt đường Lê Văn Sỹ, quận 3 để giao chai rượu trị giá gần 70 triệu đồng. Anh Lang hỏi: “Ông có phải là Nguyễn TH, chủ nhà”. Ông này trả lời rành rọt: “Tôi đúng là Nguyễn TH, nhưng không phải chủ nhà” rồi ông vừa cười vừa nói với bạn bè đang ngồi ăn uống trong sân nhà: “Tôi đặt mua rượu, đúng tên người đặt, nhưng chủ nhà thì vợ tôi đứng tên trên giấy tờ, tôi đâu phải là chủ...”. Đến lúc này, anh Lang nhẹ nhàng xin lỗi và để khách nhận chai rượu.

Hàng thời trang nhập khẩu cao cấp được nhiều khách VIP mua.

Mỗi lần đến tiệm trang sức trên đường Nguyễn Trung Trực quận 1, bà Quyên luôn được các nhân viên tiếp đón ân cần, mang tất cả những mẫu mới nhất ra cho xem. Bởi bà là khách mua hàng “dễ tính”. Cứ thấy đẹp, ưng ý, hoặc nghe chủ tiệm bảo là hàng hiếm, mẫu lạ là bà mua mà không quan tâm đến giá. Chủ tiệm cho biết: “Cô Quyên mua trang sức ở đây mỗi năm cả tỉ đồng mà chẳng bao giờ lấy hoá đơn. Chưa có món nào cô mua rồi đem ra đây bán lại như các khách mua trang sức khác thường làm”.

Đeo trên tay chiếc đồng hồ Longin giá 40.000 đôla Mỹ, mắt kính Armani mẫu mới nhất, dây chuyền Gucci chính hãng, ông Quốc lại thích đi rảo ở các shop bán hàng xuất khẩu tồn kho để mua quần, áo giá rẻ. Sắm được chiếc áo thun gắn hiệu N, A hoặc L với giá 120.000 đồng, ông Quốc kể với người quen rằng, đi săn hàng xuất khẩu tồn kho là thú vui mua sắm chỉ có ở Sài Gòn.

Tiệm chủ yếu nhắm đến khách VIP

Cơn bão giá và lạm phát dường như không làm ảnh hưởng đến các nhà kinh doanh hàng hiệu. Tuy có các tiêu chí xếp loại khác nhau, nhìn chung các nhà kinh doanh đều coi khách VIP là người đã chi nhiều tiền mua hàng, hoặc mua nhiều lần trong năm. Mỗi công ty phân phối mỹ phẩm, nước hoa, thời trang, trang sức, hàng gia dụng cao cấp… đều có từ vài chục đến cả trăm khách VIP, doanh số mua hàng thường từ trên 100 triệu đến vài tỉ đồng/năm.

Theo bà Nguyễn Phương Thảo, nhà phân phối hàng gia dụng Q Home, danh sách khách VIP ngày càng nhiều. Họ là chủ tiệm may, chủ doanh nghiệp, người nhà của đại gia… và đa số có gu thẩm mỹ riêng, am hiểu thời trang, khá tinh tế trong trang trí nội thất, sử dụng màu sắc, biết kết hợp giữa món ăn, thức uống với các vật dụng trên bàn ăn. Những vị khách này thường có hàng chục bộ chén dĩa khác nhau, trị giá mỗi bộ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng trong nhà.

Tính đến thời điểm này, khách mua bộ trang sức có mức giá cao nhất của nhãn hiệu Cao Jewery là 11 tỉ đồng. Bà Mỹ Hạnh, Giám đốc thương hiệu trên cho biết, đa phần khách VIP thường đặt mua những bộ trang sức được thiết kế riêng, có giá vài tỉ đồng. Còn lượng khách mua trang sức vài trăm triệu đồng khá nhiều. Họ mua cho mình hoặc làm quà tặng.

Theo một chủ tiệm thời trang nam trên đường Lý Tự Trọng, quận 1: “Mỗi tuần chỉ cần ba khách VIP mua hàng là đủ, vì một lần mua của họ bằng cả chục khách thường.” Theo chủ tiệm này, các khách hàng VIP của ông thích chọn hàng trong sự yên tĩnh, nhân viên phục vụ lễ phép, đến một nơi mua được nhiều thứ… Vậy nên từ chỗ chỉ bán quần tây áo sơmi, ông đã nhập thêm giày, túi xách, thắt lưng, nước hoa, sữa tắm, trang phục lót…Trong cửa hàng của ông còn luôn có máy tính nối mạng cho khách tham khảo các mẫu mới nhất để đặt hàng kịp thời.

Một chủ tiệm trang sức khu vực Lê Thánh Tôn tiết lộ, nhiều vị khách VIP mua phiếu quà tặng hoặc trang sức kim cương trên 100 triệu đồng. Người nhận quà tặng có khi mang đổi ngay thành tiền mặt, chấp nhận lỗ 20 – 30% theo cách tính giá thu đổi nữ trang.

(Theo SGTT