Thị trường chứng khoán vừa phục hồi đã gặp cú sốc thông tin về lãi suất trong ngày 8/12. Thông điệp chính sách thiếu rõ ràng có lẽ sẽ là điểm nổi bật của thị trường năm nay, trong khi giới đầu tư cũng mệt mỏi vì dự đoán.


Techcombank là nhà băng lớn đầu tiên công khai mức lãi suất "khủng".
Thị trường luôn sợ các rủi ro không thể dự báo được - Ảnh: VnE

Sáng nay (9/12), Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có văn bản “chỉnh” Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương (Techcombank) về “vụ” tăng lãi suất huy động hôm qua. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Techcombank “phải kịp thời rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn VND”.

Các ngân hàng thương mại khác “đổ lỗi” cho nguyên nhân tình hình lãi suất huy động tăng đột biến là do Techcombank thực hiện lãi suất huy động vốn 17%/năm thông qua sản phẩm tiết kiệm “3 ngày vàng”. Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu ngân hàng này không tiếp tục sản phẩm trên và công bố thông tin công khai.

Đây có lẽ là lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi” công khai hoạt động của một ngân hàng thương mại, thậm chí còn yêu cầu xuất hiện trên phương tiện truyền thông để “phân trần” về nguyên nhân.

Phản ứng của thị trường chứng khoán thời gian gần đây tỏ ra cực kỳ nhạy đối với thông tin. Các số liệu vĩ mô, biến động trên thị trường tiền tệ, ngoại hối, vàng được quan sát rất sát sao. Đó là chuyển biến đáng mừng, bớt đi những dao động vô lý cũng như thể hiện chất lượng của nhà đầu tư đã được nâng cao.

Tuy nhiên, điều mà thị trường thất vọng là mặt bằng thông tin không đủ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Các thông điệp, thông tin chính sách thời gian qua không chỉ chậm mà còn thiếu thống nhất.

Những “vụ việc” mà giới đầu tư hẳn khó quên là các tuyên bố về lãi suất, tỷ giá hồi đầu năm. Điều hành chính sách một cách linh hoạt thì thị trường càng khó đoán. Thậm chí những sự kiện xâu chuỗi còn được nhà đầu tư lập thành kịch bản.

Chẳng hạn với tỉ giá, tín hiệu đầu tiên là tỉ giá tăng trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do. Kế đó xuất hiện tin đồn sẽ điều chỉnh tỷ giá. Tiếp đến là phát ngôn bác bỏ tin đồn. Các phương tiện truyền thông bắt đầu loan tin này rộng rãi và cuối cùng là Ngân hàng Nhà nước tuyên bố giảm giá tiền đồng!

Câu chuyện lãi suất cũng vậy. Một thời gian dài đầu năm các ngân hàng “vật lộn” để hạ lãi suất cho vay xuống theo chỉ đạo. “Đùng một cái” lãi suất lại được điều chỉnh tăng để nhằm các mục đích khác. Nguyên nhân đến từ các mục tiêu ngược nhau trong định hướng: vừa yêu cầu giảm lãi suất, vừa đặt vấn đề kiềm chế lạm phát.

Việc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đặt vấn đề đồng thuận lãi suất huy động không quá 12% từ đầu tháng 11 vừa qua cũng khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Không rõ tính ràng buộc của sự đồng thuận đến đâu nhưng sáng sáng nhà đầu tư vẫn liên tục đón nhận các thông tin phá đỉnh lãi suất huy động. Cả tháng trời “loạn” lãi suất nhưng không thấy cơ quan quản lý  ra tay. Chỉ đến khi một số ngân hàng tung ra sản phẩm gây sốc về lãi suất thì cuộc đua mới tạm hạ nhiệt.

Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, để giữ ổn định thì thông điệp chính sách phải rõ ràng chứ không thể lẫn lộn. Một số kinh tế gia ở các công ty chứng khoán cũng không khỏi than phiền về việc dự đoán động thái chính sách cũng khó như dự đoán tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa tổ chức mới đây, đại diện nhóm công tác thị trường vốn, ông Dominic Scriven đã đưa ra một đề xuất đáng lưu ý là cần tăng cường sự trao đổi giữa cơ quan Chính phủ và cộng đồng đầu tư về các chính sách tiền tệ và tài khóa quốc gia thông qua việc thiết lập một lịch sự kiện kinh tế (economic calendar) để công bố các chỉ số, thông tin kinh tế.

Chính phủ cần gia tăng số lượng các chỉ tiêu kinh tế được công bố như chỉ số thất nghiệp, hàng tồn kho sản xuất, dữ liệu thị trường nhà đất, số liệu vốn đầu tư gián tiếp (FII)… kể cả nghiên cứu công bố một cách định kỳ một số dữ liệu kinh tế nhạy cảm như dự trữ ngoại hối quốc gia, các thông tin về hệ thống ngân hàng…

Cũng theo ông Dominic Scriven, song song với việc tăng cường tính minh bạch về thông tin, các cơ quan Chính phủ cần xây dựng một chiến lược quảng bá cho Việt Nam, tăng cường tham gia, trình bày tại các hội thảo kinh tế quốc tế, các diễn đàn kinh doanh khu vực nhằm gửi đi một thông điệp tích cực về triển vọng của Việt Nam tới cộng đồng đầu tư quốc tế.

Đề xuất này cũng không phải có gì mới vì thông lệ quốc tế là như vậy. Tuy nhiên trước khi triển khai những kế hoạch lớn, có lẽ điều dễ làm nhất là thực hiện tốt hơn những gì đang có. Chẳng hạn nguồn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dữ liệu về biến động lãi suất, diễn biến thị trường ngân hàng được công bố hàng tuần, đến nay mới nhất vẫn chỉ đến ngày 26/11!
(Theo VnEconomy)