- Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa thông báo hạ lãi suất lần thứ 5 kể từ tháng 11 năm ngoái và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kích thích nền kinh tế và nỗ lực cứu vãn đà giảm giá của cổ phiếu.

Động thái này diễn ra ngay sau khi, chỉ số chứng khoán lớn nhất Trung Quốc là Shanghai Composite tiếp tục lao dốc 7,63% trong ngày 25/7. Đây là mức giảm tồi tệ nhất trong gần 20 năm qua.

Thông tin trên Bloomberg cho hay, với việc giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã quay trở lại với biện pháp truyền thống để ngăn đà giảm mạnh nhất kể từ năm 1996 của TTCK cũng như của nền kinh tế.

Theo thông báo tối 25/8 trên trang web của PBOC, kể từ hôm nay (26/8), lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm sẽ giảm 25 điểm phần trăm, xuống còn 4,6%. Lãi suất tiền gửi 1 năm cũng giảm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 1,75%. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 50 điểm cơ bản, giúp các ngân hàng bù đắp những lỗ hổng thanh khoản.

Một trong những biện pháp nữa là PBOC đã bơm 150 tỷ nhân dân tệ (khoảng 23,4 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ nhằm giảm căng thẳng tính thanh khoản trên thị trường. Đây là gói hỗ trợ lớn nhất kể từ tháng 1/2014 đến nay của cơ quan này.

{keywords}
Nhà đầu tư Trung Quốc vỡ mộng vì chứng khoán (ảnh cba.ca)

Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Huatai, nói trên Bloomberg rằng, các biện pháp quen thuộc đã được Chính phủ Trung Quốc sử dụng trở lại, thay vì các biện pháp can thiệp phi truyền thống như vừa qua.

"Bắc Kinh đã phát đi những tín hiệu tích cực và điều này sẽ giúp ích cho chứng khoán toàn cầu. Sử dụng nới lỏng tiền tệ để điều khiển chứng khoán và nền kinh tế là một phương pháp dễ chấp nhận hơn cả", ông nói.

Động thái mới của Trung Quốc giúp chứng khoán châu Âu và Mỹ phục hồi khá mạnh. Thời điểm hiện tại, S&P 500 đã tăng 2,2%, lên 1.934,38 điểm. Đồng ruble của Nga dẫn đầu xu hướng phục hồi của các đồng tiền mới nổi, trong khi giá hàng hóa cũng hồi phục khỏi mốc thấp nhất kể từ năm 1999.

Trước đó, hãng tin này cũng trích dẫn nguồn tin thân cận cho biết hai ngày vừa qua Trung Quốc đã tạm thời ngừng can thiệp vào TTCK để các nhà hoạch định chính sách tranh luận về hiệu quả của chiến dịch hỗ trợ thị trường lớn chưa từng có trong lịch sử đã được thực hiện kể từ đầu tháng 8 đến nay.

Trong phiên giao dịch ngày 25/8, chỉ số chứng khoán lớn nhất Trung Quốc là Shanghai Composite tiếp tục lao dốc 7,63%. Chỉ số này mất thêm 244,94 điểm, đứng ở mức 2.964,97 điểm. Shanghai Composite đã giảm tổng cộng 8,16% chỉ trong hôm qua và 42% tính từ ngày 12-6 đến nay. Đây là mức giảm tồi tệ nhất trong gần 20 năm qua

Cùng ngày, chỉ số chứng khoán quan trọng thứ hai của Trung Quốc là Shenzhen Composite cũng mất đến 133,39 điểm, giảm 7,09%.

Có 3 yếu tố được cho là nguyên nhân khiến chứng khoán Trung Quốc “vỡ trận”, đó là mối quan ngại về sự tăng trưởng chậm hơn dự đoán của kinh tế Trung Quốc, việc không chắc chắn khi nào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và do giá dầu quá rẻ, dưới 40 USD/thùng - mức thấp nhất 6 năm qua.

Ngoài ra, tỷ giá đồng nhân dân tệ (CNY) không ổn định cũng là lý do khiến nhà đầu tư lo ngại và bán tống cổ phiếu. Tỷ giá CNY trong ngày 25/8 vẫn giảm so với USD, đứng ở mức 6,3987 CNY/USD.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích chứng khoán đều nhận định, vấn đề của TTCK Trung Quốc hiện nay là lòng tin của nhà đầu tư. Chính do mất lòng tin nên mới dẫn tới sự bán đổ bán tháo cổ phiếu như vừa qua.

Ng. Hà