- Thế trận trong cuộc chiến dầu khí thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh hàng loạt các nước rơi vào tình cảnh khó khăn nhất trong hàng thập kỷ qua. Sự thay đổi này giải tỏa áp lực ngàn cân khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thoát được mối đe dọa thất thu vì dầu và cũng khiến nhiều nước thở phào nhẹ nhõm.

Tăng mạnh nhất 25 năm

Mở cửa phiên giao dịch đầu tháng 9, giá dầu thô trên thị trường châu Á có giảm nhẹ xuống 47,65 USD/thùng. Tuy nhiên, điều này dường như không gây ra nhiều lo lắng bởi trong 3 phiên trước đó giá dầu, theo Bloomberg, đã tăng ở mức mạnh nhất trong 25 năm qua.

Chỉ trong phiên ngày 31/8, dầu tăng 8,8%. Trong tuần trước, dầu WTI đã tăng gần 12% và lấy lại mốc 45 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent biển Bắc cũng tăng 10% trong tuần.

Như vậy, sau một tuần tụt giá rất sâu, có lúc xuống sát 38 USD/thùng, giảm hơn 30% so với đầu năm, giảm 64% trong vòng một năm và mất 70% so với đỉnh cao hồi giữa 2008, giá dầu đã quay đầu tăng mạnh.

Giá dầu tăng trong bối cảnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) ra tín hiệu có thể cắt giảm sản lượng và Mỹ đưa ra dự báo sản lượng khai thác dầu giảm. Các thông kinh tế Mỹ quý II tăng trưởng vượt dự báo, TTCK toàn cầu hồi phục… cũng góp phần vào cú hồi phục ngoạn mục sau khi xuống mức thấp nhất 6 năm trong tuần qua.

{keywords}

Thế trận trong cuộc chiến dầu khí thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh hàng loạt các nước rơi vào tình cảnh khó khăn nhất trong hàng thập kỷ qua.

Cú tăng lần này một lần nữa cho thấy, dầu khó lòng xuống quá sâu dưới ngưỡng 40 USD/thùng. Trước đó, hồi đầu năm 2015, giá dầu cũng đã một lần xuống gần 40 USD/thùng (giữa tháng 3) nhưng sau đó đã nhanh chóng bật lên gần 65 USD (đầu tháng 5) trước khi về sát 38 USD/thùng hôm 25/8 vừa qua.

Sự hồi phục của giá dầu lần này chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ý chí chủ quan của các bên tham gia cuộc chiến giá dầu. Lần đầu tiên trong hơn một năm qua, OPEC phát đi tín hiệu cân nhắc giảm sản lượng. Trong khi cùng lúc, Mỹ cũng công bố sản lượng sản xuất dầu đang thu hẹp.

Trước đó, hàng loạt các thành viên OPEC rơi vào khó khăn tột độ khi thế giới dìm nhau trong bể dầu 40 USD. Venezuela đã tính tới việc in tiền mới để chống lạm phát phi mã khi mà tiền của nước này được người dân dùng làm giấy ăn.

Ông hoàng Trung Đông cũng đã bắt đầu phải đi vay nợ. Trong vài ngày qua, Nigeria tuyên bố sẽ tạm ngưng xuất khẩu dầu, trong khi Venezuela kêu gọi OPEC nhóm họp để ứng phó với giá dầu giảm.

Tự thoái lui?

Không trực tiếp đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến giá dầu nhưng Nga lại được cho là nước chịu nhiều thiệt hại nhất khi giá dầu giảm. Một nền kinh tế có ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập từ dầu khí, không có gì bất ngờ khi kinh tế Nga đã giảm 4,6% trong quý II, nhất là trong bối cảnh nước này còn chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, trong đó có Mỹ và EU.

{keywords}

Sự thay đổi này giải tỏa áp lực ngàn cân khi Tổng thống Nga thoát được mối đe dọa thất thu vì dầu và cũng khiến nhiều nước thở phào nhẹ nhõm.

Giá dầu tăng mạnh trong vài ngày qua là một thông tin rất tốt đối với nền kinh tế đang chìm ngập trong khó khăn của Nga. Đây có lẽ cũng là một thông tin rất tích cực, giúp giảm áp lực lên ông Putin. Giá dầu giảm và nền kinh tế chính thức suy thoái đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Putin có chiều hướng suy giảm, từ mức 76% hồi tháng 5 xuống còn 72% trong tháng 8.

Trước đó, hàng loạt các tổ chức nổi tiếng đưa ra dự báo giá dầu có thể về 30 USD/thùng, thậm chí 15 USD/thùng do OPEC không chấp nhận giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục nhằm ngăn chặn Mỹ chiếm thị phần. Mỹ trong khi đó, nhờ công nghệ đá phiến, không ngừng nâng sản lượng khai thác. Thế giới có nguy cơ tràn ngập nguồn cung khi Iran sắp được mở cửa xuất khẩu dầu và nền kinh tế thế giới chậm lại từ Âu sang Á.

Tuy nhiên, đã có những tín hiệu cho thấy, 40 USD/thùng là một ngưỡng không hề dễ chịu đối với nhiều nước, trong đó có cả Mỹ, các thành viên OPEC và Nga. Trong khi Mỹ thao túng giá dầu nhờ vào năng lực sản xuất dầu khí đá phiến tăng vọt thì Nga cũng gây khó khăn không ít về khí đốt với đồng minh EU của Mỹ.

Chính Mỹ, các DN khai thác dầu đá phiến cũng gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2015, theo Reuters, Công ty WBH Energy đã trở thành DN thác dầu mỏ đá phiến và khí đốt đầu tiên phá sản mà kết quả là do giá dầu thô sụt giảm.

OPEC dù biết rằng việc chấp nhận giảm sản lượng chẳng khác nào tiếp thêm sức cho các đối thủ sản xuất dầu đá phiến Bắc Mỹ và nhường thị phần cho họ nhưng sự khó khăn tột độ của nhiều thành viên cũng khiến tổ chức này phải cân nhắc lại.

Có thể thấy, gần như đồng thời, cả Mỹ và OPEC đều đã phát đi tín hiệu giảm sản lượng khai thác, tạm thời hạ nhiệt cuộc chiến dầu khí. Mỹ lùi bước trước những diễn biến không có lợi đối với ngành dầu khí đá phiến trong nước và những diễn biến xấu trên thị trường tài chính thế giới. OPEC cũng nhanh chóng trấn an các nước thành viên. Còn Nga có lẽ thở phào nhẹ nhõm.

Cuộc chiến dầu khí tạm lắng. Cuộc chiến giành thị phần trên thị trường năng lượng kết hợp dìm nhau trong bể dầu thừa thãi đã qua cao trào 40 USD/thùng. Tuy nhiên, xung đột giữa Mỹ và OPEC, giữa Mỹ và đối thủ truyền kiếp Nga vẫn còn tồn tại. Sự lắng dịu có thể chỉ là tạm thời. Theo đó, giá dầu có thể sẽ sớm giảm giá trở lại. Nhiều chuyên gia cho rằng, cung dầu vẫn ở mức cao và xu hướng giảm giá còn kéo dài cho tới cuối 2015 và sang cả 2016.

V. Minh