- Giá xăng vừa giảm nhưng vấn đề người dân băn khoăn nhiều vẫn là câu chuyện "tăng nhiều, giảm ít". Góc nhìn thẳng đã mời ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) để cùng làm rõ vấn đề này.

Nhà báo Phạm Huyền: Hòa nhịp với sự giảm giá mạnh của giá thế giới, giá xăng dầu trong nước đã giảm nhưng vấn đề người dân băn khoăn nhất vẫn là chuyện "giảm nhẹ, tăng mạnh". Góc nhìn thẳng mời ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính để trao đổi về vấn đề này.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, với tình hình giá xăng dầu thế giới hiện nay và thực tiễn công tác điều hành trong nước, ông có dự báo như thế nào giá xăng dầu trong nước từ nay đến cuối năm?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Từ nay đến cuối năm, chúng ta có rất nhiều dự báo về giá xăng dầu nhưng đa số các dự báo đều cho rằng, giá dầu thô thế giới sẽ xoay quanh khoảng độ 60 USD/thùng. Với giá thế giới như vậy, chúng ta phải nhập khẩu 70% xăng dầu thế giới thì giá trong nước cũng sẽ phụ thuộc vào giá thế giới.

Đó là yếu tố đầu tiên, cộng với một số yếu tố khác trong nước nữa, tôi cho rằng, giá bán xăng dầu trong nước, mà trước hết là giá xăng A92 ở thị trường trong nước sẽ dao động độ khoảng 18.000-19.000 đồng/lít.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, giảm nhẹ tăng mạnh vẫn là vấn đề người dân bức xúc. Từ thực tiễn điều hành giá xăng dầu thời gian qua, ông có thể phân tích cụ thể hơn về sự bức xúc này?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Tôi xin chia sẻ ý kiến này với cả người tiêu dùng và cơ quan Nhà nước. Giá của chúng ta phụ thuộc vào giá thế giới, muốn tăng bao nhiêu, giảm bao nhiêu là phụ thuộc vào giá thế giới. Thị trường thế giới vừa qua, đúng là đã diễn ra và được phản ánh vào thị trường trong nước thì ta thấy, lúc tăng thì tăng rất cao nhưng khi giảm thì không giảm tương xứng với mức độ tăng. Điều này đã phản ảnh vào thị trường trong nước, tăng thì cao, giảm thì thấp.

Nếu chúng ta không sử dụng Quỹ bình ổn giá thì mức tăng còn cao nữa. Tôi ví dụ như đầu tháng 5, từ giá thế giới, chúng ta tính giá cơ sở so với giá hiện hành là tăng 3.370 đồng/lít. Tuy nhiên, chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn giá khoảng 1.437 đồng/lít cho nên, chúng ta chỉ tăng 1.900 đồng/lít (xăng) thôi. Nếu chúng ta để thị trường không có can thiệp vào thì mức tăng sẽ còn cao hơn nữa.

Còn về giảm giá, giá thế giới cũng giảm từ từ, rất thấp nên các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cố gắng, kể cả giảm 260 đồng/lít cũng yêu cầu giảm để tạo tác động tích cực đến sản xuất.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, mặt bằng giá dầu thô và giá thành phẩm trên thị trường Singapore hiện nay đang ngang bằng với mức giá giai đoạn cuối 2008-2010. Tuy nhiên, giá bán lẻ bình quân xăng dầu trong nước 8 tháng đầu năm lại cao hơn so giá bán lẻ bình quân giai đoạn 2008-2010 là 27-35% mà nguyên nhân là do thuế phí. Một lít xăng hiện cõng tới 43% thuế phí. Ông đánh nghĩ gì về điều này?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Ý kiến này thì tôi cũng đã được nghe phản ảnh rất nhiều, tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận khách quan hơn, toàn diện hơn.

Chúng ta biết, giá xăng dầu được hình thành bởi rất yếu tố. Các yếu tố cao hơn so với giá giai đoạn 2008-2010 không phải do thuế, phí, bởi vì thuế phí thời điểm hiện nay so với thuế phí thời điểm năm 2008-2010 là xấp xỉ nhau. Yếu tố rất cơ bản mà chúng ta không nhìn nhận đến là tỷ giá tính trên giá nhập khẩu để quy ra đồng Việt Nam để tính giá cơ sở.

Năm 2008-2010, tỷ giá dao động trong khoảng 16.000-19.000 đồng/USD. Nếu như ta so tỷ giá hiện nay khoảng hơn 22.000 đồng/USD so với tỷ giá năm 2008 đã tăng 37%, so với 2009 tăng 25% và so với 2010 đã tăng 18,5%. Đó là yếu tố thứ nhất kích giá xăng dầu cao hơn.

Thứ hai là chi phí kinh doanh, hiện Nhà nước ấn định là 1.050 đồng/lít đối với xăng. So với 2008-2010, nó đã tăng khoảng độ từ 50-70% tuỳ loại mặt hàng xăng dầu. Hai yếu tố này tổng hoà lại đã kích giá xăng dầu cao hơn giai đoạn 2008-2010.

Xin cảm ơn ông!

VietNamNet