Mời các chính trị gia hay các doanh nhân hàng đầu thế giới đến Việt Nam, hóa ra cũng không khác biệt nhiều so với việc mời một người mẫu hay diễn viên nổi tiếng.
Cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton từ sau khi về hưu vẫn luôn nổi tiếng nhờ tài “hái ra tiền” của mình: Đi khắp nơi trên thế giới trong vai trò diễn giả chuyên nghiệp. Một thống kê nhỏ cho thấy, chỉ trong vòng 5 tháng từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2014, vợ chồng nhà Clinton đã bỏ túi 25 triệu USD thông qua 104 bài diễn thuyết. Trong khi vợ ông, Hillary Clinton đang bận bịu tại Nhà Trắng, Bill Clinton vẫn đang miệt mài kiếm tiền nhờ tài lẻ của mình.
Để bỏ túi hàng trăm nghìn USD tiền công như vậy, Bill Clinton phải nằm trong nhóm A Class – nhóm diễn giả hạng A với thành phần là những tỉ phú hàng đầu thế giới, hay những chính trị gia (như cựu Tổng thống Mỹ) có tầm ảnh hưởng và triết lý được đông đảo mọi người biết tới.
Để mời được những người này, các đơn vị không thể mời trực tiếp mà nhất thiết phải qua một người hay công ty đại diện cho họ.
“Về cơ bản, nó cũng giống như ca sĩ và bầu sô”, ông Nguyễn Quốc Trung, CEO của M.O.V.E, đơn vị mời Richard Branson về Việt Nam cho biết. “Một chương trình giải trí hay hội thảo về bản chất giống nhau trong cách tổ chức”.
Giả sử, các công ty ở Việt Nam cần tổ chức hội thảo và tìm diễn giả, họ sẽ tìm một đơn vị trung gian tại Việt Nam. Công ty này có nhiệm vụ liên kết với công ty đại diện của diễn giả đó, thỏa thuận hợp đồng sau đó báo lại giá với các công ty Việt Nam.
Thậm chí, một số diễn giả nổi tiếng và nghệ sĩ có cùng một công ty đại diện. Như “nữ hoàng truyền thông” Oprah Winfrey và Donald Trump có cùng một công ty đại diện cho mình. Công ty này đồng thời cũng là người đại diện cho rất nhiều các diễn giả khác. Hiện nay có hàng nghìn công ty như vậy trên khắp thế giới. Họ không tham gia tổ chức sự kiện mà chỉ là người kết nối với các diễn giả nói trên.
Danh sách những diễn giả này rất lớn, từ chính trị gia như Bill Clinton, Tony Blair cho tới tỉ phú ngành công nghệ như Elon Musk, Steve Wozinak hay Eric Schmidt,... Miễn họ có tham gia làm diễn giả, sẽ có cách để các công ty giới thiệu đưa họ về.
Mức giá cho những diễn giả này chắc chắn không hề khiêm tốn. Như Bill Clinton, người ta ước tính trung bình mỗi bài diễn thuyết của ông trị giá 250.000 USD. Con số này về tới Việt Nam sẽ đội lên nhiều. Đằng sau những diễn giả này là hệ thống công ty đại diện hoạt động chuyên nghiệp nên khách hàng sẽ có mức báo giá và bảng xếp hạng rất chi tiết và đầy đủ.
“Chẳng hạn để mời Tony Blair về Việt Nam sẽ có giá 500.000 USD, Elon Musk sẽ có giá 600.000 USD, mời Donald Trump sẽ có giá khoảng 1,2 triệu USD”, ông Trung cho biết.
Ophra Winfrey lại có cùng người đại diện với Donald Trump |
Tất nhiên, những người không phải là diễn giả như Mark Zuckerberg, hay người không có hứng thú như Bill Gates, thì doanh nghiệp có đổ bao nhiêu tiền cũng không thể mời về.
Đó là những diễn giả hạng A. Với những diễn giả hạng B (chủ yếu truyền cảm hứng là chính chứ không nổi tiếng trong giới kinh doanh), mức phí sẽ thấp hơn, trong khoảng từ 50.000 – 100.000 USD. Nick Vujicic là diễn giả trong nhóm này.
Nên nhớ, mức phí kể trên chỉ là mức phí diễn thuyết, chưa bao gồm phí đi lại hay ăn ở. Nếu diễn giả chọn đi lại bằng phi cơ riêng thì hẳn nhiên sẽ có thêm một khoản phí đáng kể nữa.
Đó là chuyện tiền bạc. Là một diễn giả hàng đầu thế giới, còn có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới sự thành công của thương vụ như: Diễn giả có hứng thú với địa điểm đến hay không, đơn vị tài trợ cho chương trình là ai, hay đơn giản là lịch làm việc của họ có phù hợp với chuyến đi,… Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp bỏ hàng triệu USD để mời các diễn giả cũng từ chối. Nguyên nhân đơn giản bởi công việc của doanh nghiệp đó không liên quan gì tới diễn giả.
Để giảm bớt gánh nặng chi phí, các công ty tại Đông Nam Á cũng biết cách tận dụng tối đa ưu điểm của mình. Chẳng hạn trong trường hợp của Richard Branson, khoản phí mời tỉ phú này sẽ được giảm xuống đôi chút nhờ yếu tố “giảm giá cho các quốc gia đang phát triển”. Ngoài ra, nếu việc mời diễn giả để phục vụ cho lợi ích xã hội thay vì bán vé thương mại, chi phí cũng sẽ giảm một chút.
Đó cũng là lý do khiến các agency (công ty quảng cáo) nếu có nhu cầu mời một diễn giả tới Việt Nam cũng thông qua những công ty trung gian, bởi nếu agency trực tiếp mời, họ sẽ không nhận được những ưu đãi này
Những yếu tố như vậy có thể khiến quá trình thỏa thuận kéo dài từ 2 – 3 năm là bình thường. Đơn vị liên hệ trong quá trình đó phải chứng minh năng lực thực thi cũng như có hồ sơ tương đối ổn. Dần dần, các đơn vị đều có mối quen và được đưa vào ‘danh sách’ của các công ty đại diện.
“Mời được càng nhiều người nổi tiếng, việc mời những người tiếp theo càng trở nên dễ dàng hơn. Khi uy tín của công ty được nâng lên, điều tồn tại duy nhất chỉ còn là khả năng tài chính mà thôi”, ông Trung chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ