- Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết, những doanh nghiệp vận tải đã tăng giá cước đầu năm thì giờ cần phải giảm ngay khi giá xăng dầu giảm. Nếu tiếp tục chây ì, những doanh nghiệp này sẽ bị xử lý theo quy định.

Chia sẻ với báo chí hôm 9/9, ông Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận, thị trường vận tải hiện nay là thị trường có sự cạnh tranh cao, các đơn vị kinh doanh vận tải không chỉ cạnh tranh bằng giá cước vận tải mà còn trên nhiều tiêu chí khác như chất lượng dịch vụ, an toàn....

Theo quy định của pháp luât vềLuật giá, một trong những nguyên tắc quản lý giá là Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá doanh nghiệp. Giá cước vận tải bằng xe ô tô do doanh nghiệp tự quy định và niêm yết giá, kê khai giá cước.

"Do đó, trong bối cảnh nhiên liệu là một yếu tố cấu thành chính của giá thành vận tải có xu hướng giảm, các đơn vị kinh doanh vận tải phải điều chỉnh giảm giá cước vận tải theo quy luật của thị trường", ông Tuấn phân tích.

{keywords}

Những doanh nghiệp vận tải đã tăng giá cước đầu năm thì giờ cần phải giảm ngay khi giá xăng dầu giảm.

Ông Tuấn cho rằng, trong trường hợp một số doanh nghiệp chưa giảm giá cước, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần rà soát các đơn vị này, căn cứ chênh lệch giá nhiên liệu thực tế và phương án giá các đơn vị đã kê khai trước đó để yêu cầu các đơn vị kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu từ đầu năm 2015 đến nay.

"Đặc biệt, những đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô đã kê khai tăng giá tại thời điểm giá xăng, dầu tăng trong những tháng đầu năm 2015 phải xem xét giảm ngay", ông nói.

Trường hợp những đơn vị này cố tình chây ì không giảm giá cước, để đảm bảo minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra ngay, xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.

Trước nhiều thắc mắc của doanh nghiệp khi Liên Bộ Tài chính- GTVT không quy định cụ thể tỷ lệ nhiên liệu trong giá thành vận tải, ông Tuấn cho rằng, ngoài yếu tố chi phí nhiên liệu, một giá thành vận tải còn có các chi phí khác như khấu hao, nhân công, bến bãi... Tỷ lệ cơ cấu các khoản chi phí trong giá thành phụ thuộc vào quy mô của từng đơn vị, loại hình vận tải, loại xe... nên liên Bộ không quy định cụ thể tỷ trọng chi phí nhiên liệu. Các doanh nghiệp vận tải vẫn phải tự quy định và kê khai giá cước, niêm yết giá.

Trường hợp tăng, giảm giá so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó trong phạm vi 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, đơn vị không phải thực hiện kê khai lại mà chỉ phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá mới.

Từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng dầu được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường, qua theo dõi cho thấy xu hướng giảm rõ rệt và sẽ tác động tích cực đến thị trường. Cụ thể: Từ đầu năm 2015 đến nay giá xăng Ron 92 được điều chỉnh tăng 4 lần với tổng mức tăng là 5.040 đồng/lít và điều chỉnh giảm 7 lần với tổng mức giảm 5.590 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức tăng 1.210 đồng/lít và điều chỉnh giảm 9 lần với tổng mức giảm 4.890 đồng/lít.

Trong đó, kể từ tháng 7/2015 đến nay, giá xăng, dầu có xu hướng giảm khá rõ rệt (từ 04/7 đến nay, giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm 5 đợt, xăng giảm 3.380 đ/lít, dầu điêzen 0,05S giảm 2.760 đ/lít). Như vậy, so với thời điểm đầu năm 2015 thì giá xăng Ron 92 giảm 550 đ/lít, điêzen 0,05S giảm 3.680 đ/lít.

Phạm Huyền