Mùa nước nổi, bên cạnh các nghề ăn theo con nước như đặt trúm, đẩy côn, kéo lưới, cắm câu, đặt dớn… thì việc bắt ốc bươu vàng cũng trở thành nghề “làm chơi ăn thật”.

Đến hẹn lại lên, khi những cánh đồng săm sắp nước cũng là lúc báo hiệu một mùa mưu sinh mới của rất nhiều hộ dân.

Do thời tiết bất lợi dẫn đến năng suất lúa không cao nên hầu hết người dân ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) không gieo sạ lúa vụ 3, thay vào đó là làm nghề bắt ốc bươu vàng, rồi đem luộc, lấy thịt bán cho các chủ vựa thu mua.

Từng là thứ bỏ đi hoặc chỉ để cho vịt, cá ăn vì nó gây hại cho mùa màng, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, ốc bươu vàng đột nhiên trở thành một loại hàng hóa đem lại thu nhập cho nhiều gia đình miền sông nước.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, mỗi ngày vợ chồng ông Võ Văn Đúp ở địa phương trên giành thời gian khoảng 5 tiếng đồng hồ để ra ruộng bắt ốc về bán. Theo ông, lượng ốc năm nay nhiều hơn các năm trước, song đa phần là ốc nhỏ nên 5 kg ốc mới nhể ra được 1 kg ốc thịt. Năm nay thời gian thu mua ốc bươu vàng sớm hơn và hầu như ở xóm này nhà nào cũng đi bắt ốc bán kiếm thêm thu nhập.

Vào thời điểm này năm trước giá ốc được các chủ vựa thu mua rất cao, mỗi ngày gia đình ông cũng kiếm được 400.000-500.000 đồng, nhưng năm nay giá giảm chỉ còn 11.000-12.000 đồng/ký, loại ốc bán được giá cao nhất cũng chỉ 15.000 đồng/kg. "Thấy kiếm sống được thì tôi làm chứ mình cũng không hỏi họ thu mua ốc rồi đem bán đi đâu”, ông Đúp cho biết thêm.

{keywords}

Bắt ốc bươu vàng đem lại thu nhập khá cho người dân.

Do đang là mùa nước nổi nên môi trường thuận lợi để ốc bươu vàng phát triển, việc kiếm thêm thu nhập 150. 000 – 300.000 đồng/ngày với nông dân lúc này rất dễ dàng.

Tại các địa phương khác như Vị Thủy, Phụng Hiệp..., cũng có nhiều nông dân bắt ốc bươu vàng bán. Những địa phương không có điểm thu mua thì đều được các thương lái thu gom tận nhà, rồi chuyển đến các chủ vựa tiến hành sơ chế.

Ông Nguyễn Văn Út, thương lái thu mua ốc cho hay: “Cứ vào thời điểm tháng 7 là tôi bắt đầu đi thu gom ốc ở các địa phương về bán cho chủ vựa trên địa bàn thị xã Long Mỹ. Tôi thu mua của người dân với giá 7.000-9.000 đồng/kg, ra tới vựa bán lại với giá 11.000-14.000 đồng/kg, kiếm lời từ 3-5.000 đồng/kg. Dạo này ốc nhiều nên bình quân 1 ngày tôi đi được 2-3 chuyến hàng”.

Tại cơ sở thu mua và sơ chế ốc bươu vàng của ông Nguyễn Ngọc Ấm ở xã Long Phú và vựa cá Mỹ Châu Phương Thuận An, thị xã Long Mỹ cả tháng nay lúc nào cũng nhộn nhịp với hơn 50 lao động làm thuê, với các công việc như cân ốc, đóng thùng và chuyển ốc lên xe tải. Mỗi ngày bình quân 1 cơ sở xuất bán từ 8-10 tấn ốc bươu vàng.

Anh Nguyễn Văn Xái, tài xế vận chuyển ốc cho biết: “Khác với mọi năm thay vì ốc thu mua được giao cho các tài xế vận chuyển về Rạch Giá (Kiên Giang) bán cho thương lái vận chuyển theo xe đông lạnh đi các tỉnh phía Bắc thì hiện tại các tài xế chỉ cần vận chuyển lên điểm tập kết là Tiền Giang và TP HCM. Còn việc xuất đi đâu và để làm gì thì không ai rõ”.

Việc bắt ốc bươu vàng bán là biện pháp “nhất cử lưỡng tiện”, vừa tận diệt loài sinh vật hại mùa màng, vừa tạo việc làm kiếm thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng nông dân nuôi ốc bươu vàng, tương lai sẽ gây hậu quả nặng nề cho ngành nông nghiệp.

(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)