Dầm gỗ mục nát, mái ngói sụp đổ, tường nứt... khiến sự sống của người dân trong ngôi nhà 47 Hàng Bạc luôn ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.

“Phố cổ sống khổ”

Đi ngang qua con phố Hàng Bạc - nơi buôn bán sầm uất của dân cư nơi phố cổ không ai là không dừng lại đưa mắt chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ kính, nhuộm màu thời gian - 47 Hàng Bạc. Nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm bước chân vào tận bên trong, quan sát ngôi nhà được coi là “biểu tượng” của khu phố cổ Hà Nội này.

Lối đi dẫn vào các hộ dân vừa nhỏ, vừa hẹp lại thiếu sáng. Trải qua bao năm tháng, mưa gió, “ngôi nhà di sản” ngày nào giờ đã mục nát khiến những con người ngày ngày sinh sống ở nơi đây luôn thường trực một nỗi sợ: sợ sập nhà.

{keywords} 

Theo như lời kể của ông Đỗ Đình Khiêm, một cán bộ về hưu: “Cho đến nay gia đình đã có 4 thế hệ sống dưới căn nhà này nhưng thực sự là quá vất vả với ngôi nhà 47 Hàng Bạc. Từ xưa đây là ngôi nhà cổ có nhiều giá trị sau đó đã bao nhiêu lần sụp đổ từ trong ra ngoài. Từ những năm 60 của thế kỉ trước, các phần phụ trong khu bếp của số 47 Hàng Bạc với diện tích 205m2 đã sập rồi tiếp tục đổ sập đến phần diện tích phụ ở giữa nhà. Những năm gần đây sự việc lại tiếp diễn dẫn tới lối đi cũng không thoát khỏi tình trạng này”.

Trên thực tế, căn gác cổ cũng đã dầm, đã mọt và trong những năm 1994 trở về đây, từng mảng mái cũng đã sập đổ. Trước tình hình mỗi lần sập đổ như vậy,các hộ dân không còn cách nào khác là lại tiếp tục chắp vá bằng các nguyên liệu khác nhau, ông Khiêm cho biết thêm.

{keywords}

Được biết, ngôi nhà 47 Hàng Bạc được xây dựng từ năm 1880, nay đã tròn 135 năm tuổi, là một trong những ngôi nhà cổ nhất Hà Nội hiện còn sót lại. Nếu xét trên phương diện kiến trúc thuần Việt thì đây là ngôi nhà cổ nhất phố cổ. Hiện tại, tư liệu tin cậy của ngôi nhà là bức ảnh mà người Pháp đưa sang Hà Nội năm 2001, mặt sau đề chụp năm 1883. Đặc trưng ngôi nhà cổ này là có lối đi ở giữa, mặt tiền nhô cao và đặc biệt là không có vỉa hè.

Trước tình trạng nguy hiểm như hiện nay, không chỉ có những hộ dân sinh sống trực tiếp trong ngôi nhà cổ mà ngay cả những hộ dân sống sát mép cũng vô cùng lo sợ, hoang mang cho chính tính mạng của mình.

“Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ngôi nhà số 47 với hệ thống tường dựa dẫm vào nhau, nên dù nhà có hỏng hóc chỗ nào cũng rất khó sửa. Ở đây, mưa to là dột, nếu đục tường một nhà là xuyên sang tường nhà bên kia ngay”, bà Phan Thị Hồng Vân bức xúc.

Không những thế, ngày ngày, người dân trong “khu ổ chuột” này còn phải chung sống cùng với cây si mọc lâu năm, bám chặt vào tường nằm phía cuối căn nhà. Theo lời kể của bà Vân, cây si chính là một phần nguyên nhân khiến ngôi nhà “biến dạng” như thế này nhưng không ai dám chặt vì trước kia đấy là nơi thờ Thánh, nếu đụng chạm sẽ phạm vào những điều cấm trong tâm linh.

{keywords} 

Đi cũng không được, ở cũng không xong

Quen với cuộc sống, không khí nhộn nhịp, sầm uất nơi phố cổ, nhiều người dân dù rất muốn được di dời tới nơi khác nhưng trên thực tế điều kiện tài chính lại là một sức cản rất lớn.

Bà Phan Thị Hồng Vân chia sẻ: “Dù đi hay ở trong lúc này cũng đều rất bất cập. Ở đây, phố xá sầm uất, nhiều khách qua lại nên còn buôn bán được, có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Nhưng nếu không đi thì ở đây chật lắm, nhà cửa xuống cấp hết rồi, nguy hiểm lắm”.

Nhưng ở lại cũng không xong, những bậc cầu thang bằng gỗ đã mục, tường nứt, ngày mưa thì dột, những ngày nồm thì nơi đây không khác nào một “khu ổ chuột”.

“Để tự cứu lấy mình, các hộ dân đã đồng thuận viết đơn kêu cứu từ năm 1991 đến nay với những giai đoạn khác nhau. Đỉnh điểm là từ những năm 1994 trở lại đây, cứ mỗi lần xuống cấp, sập sệ, người dân lại trình đơn từ kêu cứu rất nhiều nhưng đáng buồn là đều rơi vào im lặng”, ông Đỗ Đình Khiêm cho hay. 

{keywords}

Trước tình trạng đáng báo động như hiện nay, ông Khiêm đề xuất: “Chúng tôi rất cần các cấp lãnh đạo có ý kiến cụ thể, chẳng hạn như phần gác gỗ là 19,3m2 cứ treo lơ lửng ở trên mà bỏ không suốt từ năm 1994 đến nay, chỉ có sập sệ và xuống cấp, tường nứt, dầm mọt, thỉnh thoảng đêm lại rầm một cái. Chúng tôi phải sống trong cảnh khắc khoải, lo sợ như vậy thì cũng mong các cấp chính quyền kiểm tra, thị sát trực tiếp rồi cho ý kiến giải quyết với ngôi nhà 47 Hàng Bạc”.

Hay như bà Nguyễn Thị Quế đau xót kể lại: “Từ lúc ở đến bây giờ thì mỗi năm, mỗi ngày, ngôi nhà lại xuống cấp, tường bung hết, đổ từng tảng rất nguy hiểm. Mỗi lần đổ thì người dân dều báo cáo với phường nhưng những gì nhận được cũng chỉ là sự chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi”.

“Đến bây giờ tình trạng xuống cấp của ngôi nhà này nghiêm trọng lắm rồi. Vì thế, rất mong các cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm giúp đỡ chúng tôi, để chúng tôi sớm được giải thoát khỏi ngôi nhà nguy hiểm này”, bà Quế mong mỏi.

Trước những lời kêu cứu của người dân tại 47 Hàng Bạc, ông Phạm Tuấn Long-đại diện Ban quản lý phố cổ cho biết: “Hiện nay, Ban quản lý phố cổ đã làm việc với phường và thường xuyên có những đợt kiểm tra, các khu vực nguy hiểm đã được gắn biển cảnh báo. Chúng tôi cũng đã đề xuất dự án bảo tồn ngôi nhà 47 này từ năm 2012 và được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt và luôn trong tâm thế sẵn sàng triển khai nếu hai bên có được sự thương thảo, thống nhất”.

Ngoài ra, ông Long nhấn mạnh: “Hướng giải quyết đã được trình lên thành phố trong đề án giãn dân phố cổ nhưng trên thực tế đây là vấn đề rất phức tạp giữa quyền lợi cá nhân với nhau, giữa người chủ sở hữu với người đi thuê nhà nên nếu xử lí không tỉnh táo thì sẽ rất dễ mắc sai phạm.

(Theo Motthegioi)