- Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai khẳng định, thông tin nợ công lên tới 66,4% GDP do Học viện chính sách và phát triển của Bộ KH-ĐT công bố là tính không đúng theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Lời khẳng định này được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính diễn ra chiều qua, 2/10.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói: "Nợ công cả nước lên tới 66,4% GDP do Học viện Chính sách và phát triển, Bộ KH-ĐT cung cấp là bởi họ đã tính thêm chi phí dự phòng bất khả khác 5%. Cách tính như vậy không đúng quy định tính toán nợ công trong Luật Quản lý nợ công".

"Bộ Tài chính đã dựa theo cách tính quy định ở Luật để tính nợ công. Theo đó, nợ công quốc gia bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Tháng 5, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nợ công năm 2014 chỉ là 59,6% GDP. Trong tổng nợ này, nợ Chính phủ là hơn 47,4%, nợ có bảo lãnh của Chính phủ là 11,3% và nợ của chính quyền địa phương là 0,8%", bà Mai cho hay.

Bà Mai cho biết thêm, các con số nợ công vẫn đang tiếp tục được Bộ Tài chính đối chiếu với số liệu của các nhà tài trợ. Qua quyết toán của các đơn vị thì có thể, số liệu nợ công còn giảm chút ít so với số đã công bố, vì số lượng rút vốn các khoản nợ bão lãnh của Chính phủ ít hơn so với ước tính.

Theo bà Mai, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện thẩm quyền công bố nợ công tới Quốc hội, Thủ tướng, công khai đến các cấp ngành và người dân.

Tuy nhiên, vấn đề cách tính nợ công hiện nay của Việt Nam vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi giữa các nhà khoa học và cơ quan quản lý.

Mới đây, tại hội thảo về cải cách thể chế do Bộ KH-ĐT tổ chức, Học viện Chính sách và phát triển thuộc Bộ này cho biết, so với cánh tính của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới thì nợ công Việt Nam, ngoài 3 khoản trên theo Luật, còn phải tính cả số nợ của Ngân hàng Nhà nước, nợ của doanh nghiệp Nhà nước và nợ của các tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội.

Báo cáo của Học viện Chính sách và phát triển, Bộ KH-ĐT đánh giá cách tính nợ công hiện nay theo Luật là chưa phản ánh đúng bản chất nợ nên số nợ thực chất là cao hơn con số công bố chính thức trên. Học viện đã đề xuất một ngưỡng an toàn nợ công mới cho giai đoạn 5 năm tới 2016-2020 là 68% GDP, thay vì mức 65% GDP như hiện nay.

Cũng với một cách tính khác với nội hàm rộng hơn, TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, từng nghiên cứu còn cho thấy, nợ công đúng bản chất còn có thể lên tới 99% GDP.

Phạm Huyền