Ngay sau khi TPP hoàn tất, nhiều doanh nhân Việt chia sẻ sự phấn khích trên Facebook, với truyền thông nhưng không quên tự nhắc nhở việc cần tận dụng cơ hội thay vì chỉ vui mừng.

Ông chủ hệ thống Khải Silk chia sẻ trên Facebook cá nhân: "Thật là may mắn, TPP đã hoàn tất". Đi kèm với dòng chia sẻ trên là icon "Cảm thấy tuyệt vời".

Doanh nhân Đỗ Ngọc Minh, ông chủ hệ thống Luala cũng không giấu được niềm vui khi đăng trạng thái trên trang cá nhân: "Tin vui ngày đầu tuần! Hy vọng kinh tế Việt Nam khởi sắc".

{keywords}

Đỗ Ngọc Minh, ông chủ của hệ thống Luala.

Trong thông điệp gửi tới truyền thông ngay sau khi TPP hoàn tất, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ: "Ðây là một bước tiến mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới đang trở nên không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau".

Đại diện HSBC bổ sung, TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á – nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép.

Trong khi đó, ông Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội nhận xét: "Đối với nghề luật sư, sẽ là một thời kỳ để họ phát triển nghề nghiệp".

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Công ty truyền thông NBN chia sẻ: "TPP cũng cho thấy chúng ta cần đổi mới thật mạnh mẽ và triệt để thì mới hội nhập quốc tế và tận dụng được sức mạnh của hội nhập. Việt Nam gặt hái được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào năng lực nội tại và chính sách của Nhà nước.

Chúng ta còn nhiều dị biệt quá, điều này cản trở hội nhập và làm hội nhập kém hiệu quả. Bởi vậy đổi mới giờ không phải theo cái chúng ta nghĩ là cần thế này hay thế khác mà cần theo các chuẩn quốc tế và làm càng nhanh càng tốt phần. Tuy nhiên nếu mỗi người, mỗi công ty ngồi không chờ đợi thì cũng chả được gì. Số không nhân với bao nhiêu rồi vẫn bằng không thôi", ông Ngọc chia sẻ.

{keywords}

Với những điều khoản chi tiết tới từng lĩnh vực, TPP có thể ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, từ thị trường vốn, lao động đến những mặt cụ thể của các ngành sản xuất.

Riêng với các nhà đầu tư, những dự đoán về giá cổ phiếu, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán khá trái chiều. Một nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội cho rằng người Việt Nam sẽ hào hứng với TPP hơn cả bởi nhiều đánh giá của các chuyên gia đều đề cập việc nước ta sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Trước đó, một bộ phận nhà đầu tư chứng khoán đã gom nhiều mã cổ phiếu của các công ty xuất khẩu các mặt hàng chịu tác động mạnh của TPP như thủy sản, dệt may, thậm chí là cả ngân hàng với niềm tin "các doanh nghiệp sẽ khai thác triệt để lợi thế vốn có để hưởng lợi từ TPP". Tuy nhiên, số khác lại lên kế hoạch bán bởi theo họ, những cổ phiếu tăng trưởng dựa vào tin nóng sẽ dễ dàng tạo nên những con sóng ảo.

"Găm hàng trước khi có tin TPP và bán đi ngay sau khi chốt thông tin là cách chơi của những người biết sợ hãi khi thị trường đang tham lam. Nhà đầu tư vẫn nên gom tiền vào những cổ phiếu ổn định, tăng trưởng bền vững mà không nhờ những tin tức bất ngờ hoặc khó đoán điểm rơi của giá", anh Hoàng Minh, một nhà đầu tư chứng khoán trên sàn HSC cho biết.

Cơ hội nào, thách thức nào với TPP?

- TPP đã ký kết xong sau một chặng đường dài, chúng ta nên kỳ vọng gì vào hiệp định này?

- Đặc điểm của hiệp định TPP là tạo ra một mô thức thương mại đặc biệt với tính tự do cao, tập trung, liên quan đến nguồn gốc của quá trình sản xuất, sở hữu trí tuệ, bản quyền, tổ chức sản xuất chứ không đơn thuần là trao đổi hàng hóa được làm ra.

TPP vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn với Việt Nam. Chúng ta phải thay đổi mô hình tổ chức sản xuất, mô hình xã hội. Chất lượng sản xuất cũng cần được đưa lên tầm cao vì luật chơi nghiêm túc và các nước tham gia như Mỹ, Nhật Bản, Australia hay New Zealand đều có trình độ phát triển rất cao. Có tận dụng, bắt nhịp được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta.

Lợi thế lớn nhất từ TPP là Việt Nam đã tham gia vào thị trường rộng lớn, trong đó Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất. Nhật Bản, Canada hay Australia đều là những quốc gia có nhiều tiềm năng. Về ngắn hạn, chúng ta sẽ có thị trường. Về lâu dài, nếu theo được những đòi hỏi của TPP, chúng ta cũng tự nâng cao được tổ chức sản xuất, tổ chức xã hội.

Tuy nhiên, thách thức lớn là nếu như không làm được, hậu quả để lại có thể là sẽ không theo kịp hội nhập, rơi lại đằng sau, trở thành thị trường tiêu thụ cho các nước khác. Bên cạnh đó, chúng ta không cải thiện được quá trình sản xuất. Doanh nghiệp Việt khó mà theo kịp sự phát triển của các doanh nghiệp trong TPP.

- Có ý kiến cho rằng khi TPP được thông qua, cánh cửa cho ngành chăn nuôi nước nhà sẽ đóng lại. Quan điểm của ông như thế nào?

- Về vấn đề này, chúng tôi đã có nghiên cứu. Chăn nuôi chỉ là một ngành thôi. Khi Việt Nam gia nhập TPP, cấu trúc xã hội sẽ thay đổi nhanh, mạnh. Có ngành sẽ vì thế mà tăng trưởng nhanh, mạnh. Có ngành chịu ảnh hưởng rõ nét như ngành chăn nuôi.

Với Việt Nam, thức ăn gia súc hay sữa không phải lợi thế, xét cả về thổ nhưỡng, truyền thống sản xuất kinh doanh. Khi gia nhập TPP, các nước như Mỹ, Australia, Canada sẽ đưa sản phẩm giá trị tốt, giá cả phù hợp vào Việt Nam. Điều đó nhìn thấy rất rõ.

- Còn những cánh cửa mở ra sẽ là gì, thưa ông?

- Ngành được mở rộng nhất trong ngắn hạn như tính toán là những ngành vốn đang là lợi thế của Việt Nam, đang có kim ngạch xuất khẩu cao như dệt may, da giày, thủy sản. Chúng ta nhìn thấy rất rõ điều này.

Ngoài ra, TPP xuất hiện, chúng tôi kỳ vọng đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ tăng nhanh. Như vậy, ngành công nghiệp, xây dựng hoặc tư vấn cũng sẽ có sự tăng trưởng.

Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)


(Theo Zing)