Trong một thế giới “phẳng”, mỗi doanh nghiệp ngoài việc phải chọn cho mình một lối đi riêng, dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình, cũng cần phải hoàn thành tốt các trách nhiệm đối với xã hội, các nghĩa vụ đối với ngân sách, vừa thể hiện đạo đức kinh doanh.

Công khai và minh bạch trong thời kỳ hội nhập

Năm 2015 đánh dấu một mức độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu khi một loạt các hiệp định song phương được ký kết, trong đó quan trọng nhất là hiệp định TPP đã được thông qua mới đây. 

Bước chân vào sân chơi rộng rãi và đẳng cấp của thế giới, công khai và minh bạch thông tin phải là một trong những tiêu chí hàng đầu mà Việt Nam cần hướng tới. Để thúc đẩy công khai và minh bạch cũng cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân. 

Ở góc độ vĩ mô, chính phủ tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự minh bạch, còn ở góc độ vi mô, chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải minh bạch không chỉ báo cáo, giấy tờ, thủ tục mà phải minh bạch trên tất cả các hoạt động và luôn đi kèm với trách nhiệm giải trình.

Trên bình diện thương mại quốc tế, một tập đoàn lớn khi chọn đối tác vào chuỗi cung ứng của mình, nếu đối tác minh bạch chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế hơn. Cũng vậy, trên thị trường, người tiêu dùng cũng thường xem xét đến danh tiếng, hoạt động kinh doanh và những cam kết xã hội của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp thuế là cách thể hiện văn hóa doanh nghiệp, tạo uy tín đối với xã hội, trên thương trường và cơ hội hợp tác, kinh doanh sẽ ngày càng mở rộng.

Tuy nhiên có một thực tế ở Việt Nam trong nhiều năm qua đó là tình trạng chây ì nộp thuế, nợ đọng thuế. Rất nhiều lý do được doanh nghiệp viện dẫn. Trong một cuộc khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng V1000 – Top 1000 doanh nghiêp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam của Vietnam Report thực hiện tháng 9-10/2015 cho thấy, quy định chính sách thuế chưa rõ ràng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn, cũng như thủ tục hành chính thuế còn phức tạp là 3 nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý e ngại của các DN Việt Nam trong vấn đề nộp thuế với tỷ lệ phản hồi lần lượt là 28%, 24% và 17%. 

Bên cạnh đó, vấn đề chi tiêu công của Chính phủ cũng như sự công bằng về nộp thuế giữa các DN cũng gây ra nhiều băn khoăn cho DN khi thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của mình.

{keywords}

Hình: Những lý do chính khiến các DN Việt còn e ngại nộp thuế. Nguồn: Khảo sát các DN V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 9-10/2015

Tình trạng bùng nổ đến mức tháng 7 năm 2015 vừa qua, Bộ Tài chính phải chính thức “bêu” tên 600 doanh nghiệp nợ thuế quá hạn trên 121 ngày, tính đến ngày 21/7. Dù vì bất kỷ lý do gì đi chăng nữa, thì việc bị “bêu” tên trên phương tiện thông tin truyền thông ảnh hưởng rất đáng kể đến uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, trong con mắt bạn hàng và người tiêu dùng.

Tuy vậy, có thể nói việc Bộ Tài chính công bố danh sách các doanh nghiệp chây ì thuế này rõ ràng là một động thái tốt nhằm tăng cường tính minh bạch và thực thi nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp, giúp thanh lọc hệ thống vận hành của doanh nghiệp và theo như lời của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện QLKT TW (CIEM) thì . “Có thể điều này khiến một số doanh nghiệp phải phá sản, nhưng nó là động thái tích cực thực sự cần thiết cho tổng thể nền kinh tế”.

Cần thiết một bảng xếp hạng tôn vinh các doanh nghiệp nộp thuế tốt 

Từ thực tế này cũng cho thấy, việc công bố một bảng xếp hạng để tôn vinh những doanh nghiệp xuất sắc trong việc thực thi trách nhiệm về thuế là cần thiết để khích lệ, động viên các doanh nghiệp và từng bước tạo lập một môi trường minh bạch hơn về nghĩa vụ thực thi đối với ngân sách nhà nước của cộng đồng doanh nghiệp.

Và thực tiễn việc 6 năm liên tiếp công bố Bảng xếp hạng có thể nói là duy nhất ở Việt Nam về thuế TNDN cho đến thời điểm này (Bảng xếp hạng V1000 – Top 1000 doanh nghiệp nội thuế TNDN lớn nhất Việt Nam) đã minh chứng một thực tế rất rõ đó là những doanh nghiệp có tên trong Bảng xếp hạng V1000 luôn chứng minh là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi, nghiêm túc chấp hành chính sách thuế, đóng góp một cách nghiệm túc và có trách nhiệm vào ngân sách quốc gia.

Một bảng xếp hạng như vậy sẽ dành được thiện cảm của người dùng và đối tác khi họ biết được mỗi đồng tiền bỏ ra mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ đều rất hiệu quả, đều được trích phần đáng kể để đóng góp cho “nồi cơm chung” của toàn xã hội. Đóng thuế nghiêm túc, được đưa vào Bảng xếp hạng là một trong những yếu tố làm tăng uy tín, hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp đối với các đối tác trong nước cũng như với nước ngoài.

Rõ ràng rằng trong khi một số công ty vì lợi nhuận hay vì lý do nào khác mà tìm mọi cách để trốn thuế hay chây ì nộp thuế thì các doanh nghiệp trong một bảng xếp hạng được chọn lọc và minh bạch đã cho thấy sự thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Chấp hành nghiêm chỉnh luật thuế chính là nền tảng tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp trước pháp luật cũng như tạo nên một thương hiệu bền vững trên thương trường. Không những được hải quan, cơ quan thuế, chính quyền địa phương và đối tác tin tưởng, việc làm tốt đó của doanh nghiệp còn được cộng đồng và xã hội ghi nhận.

David Packard, Founder của Tập đoàn danh tiếng Hewlett – Packard từng nói: “Lợi nhuận là cơ sở cho những gì chúng tôi đang làm, nó là thước đo sự đóng góp của chúng tôi và là phương tiện cho sự tăng trưởng, nhưng bản thân nó chưa bao giờ là mục tiêu cuối cùng. Thực tế, mục tiêu ở đây là chiến thắng – sự chiến thắng trong cách nhìn của người tiêu dùng và làm được điều gì đó mà ta có thể hãnh diện”

Khi cơn suy thoái đã qua đi, những khó khăn của suy giảm kinh tế cũng đang lùi lại, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để nhìn lại mình trong suốt thời kỳ khó khăn đó, để định hình những gì là giá trị đích thực tạo nên thương hiệu và uy tín của mình trên thương trường. Trong một thế giới “phẳng”, mỗi doanh nghiệp ngoài việc phải chọn cho mình một lối đi riêng, dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình, cũng cần phải hoàn thành tốt các trách nhiệm đối với xã hội, các nghĩa vụ đối với ngân sách, vừa thể hiện đạo đức kinh doanh, vừa thể hiện sự đền đáp chân thành nhất khi nhà nước và chính phủ đã tạo điều kiện cho vay vốn không lãi, lãi suất thấp, miễn giảm thuế…

Ngày 14/10/2015 tới đây, Vietnam Report phối hợp với Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế và Báo VietnamNet – Bộ Thông tin Truyền thông sẽ chính thức công bố Bảng xếp hạng V1000-Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2015. Đây là năm thứ 6 liên tiếp BXH được nghiên cứu, xây dựng và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đã có đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước trong năm qua.


Trung Đức