Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, hạn chế về tập quán, thói quen, khả năng quản lý tiêu dùng của cả bên cho vay lẫn người vay đã gây nên không ít trở ngại cho các bên tham gia và cần phải thay đổi ngay điều này.

Góp phần hạn chế ‘tín dụng đen’

- Sự xuất hiện của các công ty tài chính tiêu dùng thời gian gần đây đã giúp người dân phân khúc thu nhập trung bình tiếp cận được nguồn vốn vay tín chấp an toàn và đã góp phần vào hạn chế sự phát triển của “tín dụng đen”. Ý kiến của ông ra sao về vấn đề này?

Tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực hoạt động phổ biến trên thế giới, nhất là tại các quốc gia phát triển. Tín dụng tiêu dùng là một loại hình tín dụng được cung cấp từ các định chế tài chính song hành với tín dụng truyền thống cho sản xuất kinh doanh cũng đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và hộ gia đình, nhằm thỏa mãn nhu cầu cả về vật chất và tinh thần ngày càng cao của xã hội phát triển.

Ở Việt Nam, các công ty tài chính tiêu dùng độc lập hoặc do ngân hàng thương mại (NHTM) thành lập đóng vai trò quan trọng trong cung cấp tín dụng tiêu dùng. Thông qua đó, một phần đáng kể tín dụng tiêu dùng hay có tính chất tiêu dùng sẽ được đáp ứng qua kênh tín dụng chính thức.

{keywords}

Nhờ vậy, những hậu quả tiêu cực từ “tín dụng đen” sẽ được giảm bớt, đồng thời các tổ chức tín dụng (TCTD) có điều kiện đa dạng hóa và mở rộng hoạt động của mình. Có thể nói, các công ty tài chính ở Việt Nam hiện nay đang góp phần tích cực, đáp ứng nhu cầu tín dụng tiêu dùng đang ngày càng tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng của một bộ phận dân cư.

2 nhiệm vụ cấp bách xây thị trường lành mạnh

- Cùng với sự phát triển sôi động của thị trường tài chính tiêu dùng trong một số năm gần đây, thì không ít các vụ kiện tụng giữa người đi vay với bên cho vay đã xảy ra, chủ yếu xoay quanh vấn đề lãi suất. Ông có chia sẻ gì về điều này?

Tín dụng tiêu dùng chính thức đã phát triển ở nước ta hơn một thập kỷ qua, tuy nhiên vẫn ở trạng thái manh nha, có tính chất thử nghiệm trước khi được phổ biến rộng rãi.

Hơn nữa, do có sự thay đổi trong việc quy định các định chế tài chính được cấp phép cung cấp tín dụng tiêu dùng, nên hiện vẫn còn thiếu văn bản hướng dẫn cũng như quy định cụ thể để giúp cho tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ hơn; tuân thủ các quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tín dụng, đồng thời quản lý được các rủi ro từ tín dụng tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hạn chế về tập quán, thói quen và khả năng quản lý tài chính của người dân ở nước ta cũng đã gây ra không ít trở ngại cho những bên tham gia hoạt động này.

Điển hình là những tranh luận gần đây về mức lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng quá cao, nhất là khi so sánh với lãi suất cho vay thương mại dành cho sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa thật sự có được một thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển; trong khi, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này lại chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn thị trường.

Mặt khác, hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin để giúp xã hội hiểu rõ và hiểu đúng về bản chất, điều kiện tiếp cận và rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tín dụng tiêu dùng còn gặp không ít bất cập. Cần sớm khắc phục những hạn chế trên, có như vậy thị trường tín dụng tiêu dùng mới phát triển lành mạnh và tiệm cận với thông lệ chuẩn mực quốc tế.

- Theo ông, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển một cách bền vững, thì các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước cần thực thi những biện pháp gì trong thời gian tới?

Vẫn còn nhiều việc phải làm, song theo tôi có hai việc quan trọng và cấp bách nhất, đó là xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường tín dụng tiêu dùng và hỗ trợ các định chế tài chính trong phổ biến tuyên truyền kiến thức cho người dân để họ hiểu và quản lý hiệu quả các hoạt động tài chính nói chung và hoạt động tín dụng tiêu dùng nói riêng của bản thân.

Toàn xã hội cũng như các cơ quan quản lý cần thống nhất quan điểm rằng phát triển tín dụng tiêu dùng là công cụ hữu hiệu để hạn chế “tín dụng đen”, cũng là phương thức hữu hiệu đa dạng hóa hoạt động của các TCTD, do vậy cần có sự quản lý phù hợp để thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh và hiệu quả, từ đó sẽ góp phần phát triển bền vững thị trường tài chính.

- Xin cảm ơn ông!

Thúy Ngà