- Tại Việt Nam, dù là thị trường xe máy lớn hàng đầu thế giới, song đến nay, nói tới phanh ABS, vẫn còn khá mới lạ. Nhiều lo ngại cho thấy việc trang bị ABS có thể làm tăng giá xe máy tới cả chục triệu đồng.
ABS sẽ hỗ trợ bằng cách bóp nhả liên tục, hạn chế lực tác động mạnh má phanh vào đĩa phanh, khi người lái bóp hoặc đạp phanh quá nhanh, với lực lớn và giữ bánh xe vẫn quay không bị khóa cứng. Sau tình huống nguy hiểm tránh được, hệ thống sẽ tái áp dụng lực phanh lớn nhất, để xe dừng lại nhanh, hoặc cho tới khi phát hiện mối nguy khóa bánh mới.
Theo một nghiên cứu năm 2010 của Uỷ ban an toàn Giao thông quốc gia Mỹ, có gần 37% tai nạn trên xe môtô, liên quan tới việc không được trang bị phanh ABS khiến xe bị trơn trượt.
Hiện nhiều nước đã quy định, môtô, xe máy sản xuất và bán ra có dung tích xi-lanh từ 125cc trở lên bắt buộc phải trang bị hệ thống phanh ABS. Từ đầu năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành quy định bắt buộc tất cả xe máy trên 125cc phải gắn hệ thống chống bó cứng phanh ABS, áp dụng từ năm 2017.
Hệ thống ABS được lắp đặt trên phanh trước xe máy |
Sẽ là không quá ngạc nhiên khi tỷ lệ tai nạn do xe máy gây ra tại thị trường xe máy Ấn Độ lớn thứ 2 thế giới. Xe máy gắn phanh ABS sẽ giúp tăng mức độ an toàn giao thông và giảm thiểu thương vong.
Trên thực tế, chống bó cứng phanh ABS không phải là trang bị mới mẻ. Hầu hết các mẫu xe môtô phân khối lớn hiện đại, đều có hỗ trợ tính năng này. Ngoài ra, thị trường châu Âu là nơi ABS được tích hợp trên nhiều xe tay ga, từ phân khối nhỏ cho tới phân khối lớn.
Tại Việt Nam, dù là thị trường xe máy lớn hàng đầu thế giới, song đến nay, nói tới phanh ABS, vẫn còn khá mới lạ. Các công nghệ được phát triển trên xe máy, trong 5 năm trở lại đây, vẫn xoay quanh yếu tố tiết kiệm nhiên liệu, chủ yếu dành cho động cơ, dường như quên mất tính an toàn của dòng xe hai bánh.
Mới đây nhất, Piaggio Việt Nam đã tiến hành trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS tiêu chuẩn trên mẫu xe tay ga Liberty 125cc. Đây cũng là mẫu xe đầu tiên, sản xuất trong nước được trang bị công nghệ này.
Các mẫu xe máy sử dụng phanh ABS |
Giới chuyên gia cho rằng, việc trang bị ABS có thể làm tăng giá xe máy tới cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, Piaggio Việt Nam lại chứng minh ngược lại, khi 2 mẫu Liberty mới ra đời, trang bị phanh ABS, lại có giá rẻ hơn so với phiên bản cũ, không có phanh ABS tới 2 triệu đồng.
Đại diện của Piaggio Việt Nam cho biết, trước đây phanh ABS chỉ được trang bị trên mẫu xe đắt tiền là Vespa 946. Tuy nhiên, nhờ sản xuất với quy mô lớn, Liberty đã được trang bị thêm phanh ABS mà không làm tăng thêm chi phí. Đây là khởi đầu, để tiến tới sẽ trang bị phanh ABS trên nhiều mẫu xe mới do Piaggio Việt Nam sản xuất.
Hiệu quả của ABS không có gì phải bàn cãi. Thử nghiệm thực tế trên xe Liberty với đường trơn và đường ướt, cho thấy ABS giúp xe không bị bó cứng phanh, loại bỏ nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông bất cứ lúc nào, ông Costantino Sambuy, Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam, nói.
Ngoài Piaggio Việt Nam, Yamaha Việt Nam cũng vừa nhập khẩu dòng xe tay ga NM-X 150cc có trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS từ Indonesia về phân phối, với giá bán 80 triệu đồng. Thời gian tới một số mẫu xe tay ga của các nhà sản xuất khác cũng sẽ được tích hợp phanh ABS, để tăng độ an toàn và khả năng cạnh tranh với các đối thủ.
Ở Việt Nam, chúng ta chưa thống kê, có bao nhiêu vụ tai nạn liên quan tới việc, bó cứng bánh xe máy các loại, làm người lái mất kiểm soát, nhưng chắc chắn đây là một con số không hề nhỏ. Đã đến lúc xe máy Việt Nam cần có phanh ABS, giúp giảm số lượng các vụ tai nạn, hạn chế thương vong và thiệt hại tài sản.
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti - Lock Braking System) được phát minh từ năm 1920, ban đầu chỉ áp dụng vào phanh của máy bay, sau đó được sử dụng trong ngành công nghiệp ôtô và xe máy. Năm 1988, tập đoàn BMW bắt đầu trang bị hệ thống phanh ABS trên xe môtô. Từ đó đến nay, ABS đã trải qua nhiều lần nâng cấp và trở thành trang bị an toàn hàng đầu trên xe máy. Với cơ chế bám nhả liên tục, hệ thống chống bó cứng phanh ABS sẽ giúp xe không bị mất lực bám ngang, gây hiện tượng lắc đuôi xe (trượt bánh). Gặp tình huống phải phanh bất ngờ, khi qua đoạn đường trơn ướt, hay thấy các chướng ngại vật, với xe không có phanh ABS, má phanh sẽ ép chặt vào đĩa phanh, làm bánh xe cứng đờ, không xoay được, gây hiện tượng khóa bánh, làm mất độ bám của lốp khiến xe trượt đi và gây tai nạn. |
Trần Thủy