- TS. Alan Phan, doanh nhân và nhà bình luận kinh tế người Mỹ gốc Việt nổi tiếng, đã mất tại Mỹ.

Gia đình TS. Alan Phan vừa thông báo về cái chết của ông: "Chúng tôi rất đau đớn loan báo để quý vị cùng biết là chồng và trưởng nam của gia đình chúng tôi, Ái, Alan Phan đã được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Fountain Valley tối thứ Ba ngày 14 tháng 10 trong tình trạng hôn mê. Dù đã được cứu chữa, Ái vẫn không tỉnh lại và bác sĩ cho biết không có hy vọng hồi sinh nên gia đình Ái (vợ Ái (Melissa) và hai con của Ái) đã chấp nhận rút ống dưỡng khí vào ngày thứ hai 19 tháng 10. Theo quy định của nhà thương, ICU chỉ cho vợ con được vào.

Vì vậy, sau đó, khi Ái (Alan) được đưa về nhà quàn, gia đình chúng tôi sẽ xin thông báo sau để quý vị đến viếng lần cuối".

{keywords}

TS Alan Phan đã mất tại Mỹ

TS Alan Phan, năm nay 70 tuổi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải.  Ông là một sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA), có trụ sở tại California và Hongkong. TS Alan Phan được giới thiệu là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ năm 1987.

Ông du học Mỹ từ năm 1963, từng làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển Công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu đôla, TS Alan Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ) và DBA tại Southern Cross (Úc). Là tác giả của 11 cuốn sách Anh và Việt ngữ về thị trường mới nổi - bình luận gia chính cho các tạp chí. Cuốn sách mới đây nhất ông viết bằng tiếng Việt là Quê hương những đêm chờ sáng.

Tuy vậy, ông được công chúng biết đến nhiều hơn qua trang blog Góc nhìn Alan với các bài bình luận, phân tích về kinh tế, xã hội Việt Nam. Ông được đánh giá là một chuyên gia với những góc nhìn thẳng thắn, sắc sảo về thực tế và dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam.

Trong một cuốn sách năm 2011, ông cho biết “thường xuyên về Việt Nam” từ 2007 sau 42 năm làm ăn ở Trung Quốc và Mỹ. “Tôi muốn tìm một điều gì đó khác hơn và hy vọng Việt Nam sẽ là một ‘quê hương thực sự’ cho phần đời còn lại của mình.”

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)