- Cuộc công kích nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS là nước cờ cao tay của Putin. Tuy nhiên nó vẫn chưa thể giải thoát Nga thoát khỏi điều đáng sợ nhất: Giá dầu giảm.

Kinh tế u ám

Bộ Phát triển Kinh tế Nga vừa công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong quý III/2015 sụt giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 9 tháng, kinh tế Nga suy giảm 3,8%.

Nguyên nhân kinh tế tăng trưởng âm nặng nề được Kremlin thừa nhận là do giá dầu thô giảm sâu kéo dài và ảnh hưởng của các lệnh cấm vận phương Tây, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo dự báo, trong năm 2015, kinh tế Nga sẽ giảm 3,9% trước khi phục hồi và tăng trưởng 0,7% trở lại trong năm 2016 nếu Chính phủ cắt giảm chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên, đó là các tính toán dựa trên dự báo giá dầu không xuống quá xa so với mức 50 USD/thùng. Nếu giá dầu xuống 40 USD/thùng và kéo dài, Nga cũng đã tính tới kịch bản GDP suy giảm âm 1% trong năm 2016. Còn Ngân hàng Trung ương Nga, thậm chí đã từng có những kịch bản xấu với GDP giảm tới 5%.

Ngân hàng Thế giới (WB) trong khi đó cũng dự báo kinh tế Nga sẽ sụt 3,8% trong năm 2015 và có thể âm tới 4,3% nếu phần giá dầu rời xa ngưỡng 50 USD/thùng trong khoảng thời gian còn lại của năm. Trong 2016, WB dự báo GDP Nga tiếp tục giảm 0,6%.

{keywords}

Cuộc chiến của Nga tại Syria đối phó với IS được đánh giá là một nước cờ táo bạo, thay đổi cục diện và vị thế chính trị của Nga trong khu vực.

Hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế Nga sẽ chỉ ở mức 0,4% trong giai đoạn 2015-2018, so với mức trung bình 2,4% trong bốn năm qua.

Hồi đầu năm, S&P thậm chí còn hạ xếp hạng phát hành nợ bằng ngoại tệ của Nga lần đầu tiên trong thập kỷ qua xuống mức rác trong bối cảnh đồng rúp rớt mạnh tới 46% trong năm 2014 xuống 68 rúp đổi 1 USD và hiện vẫn đang ở mức 61-62 rúp đổi 1 USD.

Cuộc chiến của Nga tại Syria đối phó với IS được đánh giá là một nước cờ táo bạo, thay đổi cục diện và vị thế chính trị của Nga trong khu vực. Uy tín của ông Putin phục hồi nhanh chóng, mũi dùi chỉ trích về vấn đề Ukraine lệch đi, vị thế của Nga được cải thiện. Và điều quan trọng là giá dầu thế giới đã tăng 12% trong tháng 10 - khoảng thời gian Nga triển khai không kích các mục tiêu IS tại Syria.

Giá dầu WTI nhiều thời điểm vượt 50 USD/thùng, sau khi lao dốc xuống mức thấp nhất 6 năm, còn 38 USD/thùng trong tuần cuối cùng của tháng 8/2015. Với một nền kinh tế với ngân sách phụ thuộc tới 40-50% vào dầu khí, giá dầu tăng là tiền đề quan trọng cho một sự phục hồi. Tuy nhiên, canh bạc tại Syria và nỗ lực vực dậy nền kinh tế bằng cách đẩy giá dầu khí không dễ dàng cho ông Putin dễ dàng giành chiến thắng.

Nước cờ Syria, thế trận khó kinh tế Nga

Ngày 19/10, giá dầu thế giới bất ngờ quay đầu giảm gần 4% do đồng USD mạnh lên, giới đầu tư dự đoán dự trữ dầu của Mỹ tăng và lo ngại sức khỏe kinh tế Trung Quốc sau khi nước này công bố GDP lần đầu tiên trong 6 năm qua xuống dưới ngưỡng tăng 7%. Bên cạnh đó, nguồn cung được dự báo sẽ còn tăng sau khi Iran trở lại xuất khẩu dầu thô sau trừng phạt và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có thể khó đồng thuận giảm sản lượng.

{keywords}

Nước cờ cao tay của Putin vẫn chưa thể giải thoát Nga thoát khỏi điều đáng sợ nhất: Giá dầu giảm.

Giá dầu WTI giao tháng 11/2015 giảm 1,37 USD, tương đương 2,9%, xuống 45,89 USD/thùng. Trong khi dầu dầu Brent giao tháng 12/2015 giảm 1,85 USD, tương ứng 3,7%, xuống 48,61 USD/thùng.

Cuộc chiến tại Syria đã có những tác động tích cực tới giá dầu thế giới. Trên thực tế, Syria không có trữ lượng dầu đáng kể, song những lo ngại về cuộc xung đột có thể lan ra các nước khác trong khu vực Trung Đông đã khiến dầu hồi phục trong tháng 10.

Xung đột càng lan rộng, ông Putin càng có cơ hội kiểm soát thị trường năng lượng trong khu vực. Sự đồng thuận của Iran và Iraq với Nga và sự khó khăn về kinh tế của Venezuela khi dầu giảm giá khiến nhiều người đã nghĩ tới khả năng OPEC sẽ bắt tay với Nga để ổn định giá dầu.

Tuy nhiên, cuộc chiến dầu khí có lẽ không đơn giản như vậy. Saudi Arabia dù gặp khó khăn do thậm hụt ngân sách lên tới 20% cũng không muốn giảm nguồn cung dầu nhằm bảo vệ thị phần trước một nước Mỹ đang phất lên nhờ công nghệ đột phá khai thác dầu khí đá phiến ở mức giá khá thấp.

Cuộc chiến tại Syria cùng với sự ủng hộ đối với Iran, Iraq là cách mà Nga muốn chia OPEC thành 2 khối với nhóm thân cận gồm Iran, Iraq, Venezuela, Angola, Nigeria, Libya, Algeria, Ecuador để phản đối nỗ lực “bơm dầu ngập thế giới” của Saudi Arabia, Kuwait, các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Qatar.

Nga đã có những thỏa thuận với Venezuela về những biện pháp “bình ổn thị trường” và đã tấn công dữ dội lực lượng IS tại Syria. Mặc dù vậy, giá dầu trồi sụt ở mức thấp là một kết quả đầy thất vọng.

Nước cờ tại Syria phần nào đã kéo giá dầu lên. Tuy nhiên, hàng loạt các tác động đa chiều khiến giá dầu vẫn chưa thể thoát lên trên 50 USD. Trong khi đó, cuộc chiến tại Syria đang đốt không ít túi tiền vốn đang eo hẹp của Nga.

Cuộc chiến tại Syria cho thấy một sức mạnh quân sự đáng ngạc nhiên của Nga. Nước cờ bất ngờ và mạnh mẽ của Tổng thống Putin được xem là một thắng lợi giòn giã trên chiến và chính trường. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến kéo dài và không thể kéo giá dầu lên nhanh chóng, Nga sẽ gặp rất nhiều bất lợi. Chi tiêu quân sự của Nga vẫn liên tục gia tăng, lên gần 5% GDP. Trong năm 2014, chi tiêu quốc phòng của nước này đã tăng 8,1% lên 84 tỷ USD. Trong năm nay, một số dự báo cho thấy, chi tiêu cho lĩnh vực này sẽ tăng thêm 15%.

V. Minh