- Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã dùng từ ‘lì lượm’ để miêu tả điều gây ấn tượng nhất của quá trình tái cơ cấu NH chính là sự can đảm, tính kiên định và quyết liệt vượt qua rào cản để tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Tái cơ cấu đã duy trì ổn định, tăng cường sức mạnh và tạo được súc mạnh. |
Theo ông Thiên, trong mấy năm qua, tái cơ cấu hệ thống NH là một nhiệm vụ chiến lược lớn được triển khai quyết liệt trên thực tiễn. Cho đến nay, tuy được đánh giá đã làm được nhiều việc, đạt được những kết quả rõ rệt, song quá trình tái cơ cấu NH vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý. Đồng thời, trước mỗi cách làm, mỗi kết quả vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng về tổng thể, chúng ta đã thực hiện được hai nhiệm vụ quan trọng: Bảo đảm an toàn hệ thống và triển khai tái cơ cấu một cách bài bản, chắc chắn. Điều đó cũng có nghĩa, thành công lớn nhất của tái cơ cấu là lòng tin với hệ thống NH đã tăng lên một cách chắc chắn; đồng thời hệ thống NH được bảo đảm an toàn, ổn định để phát triển.
Theo ông, khó khăn lớn nhất của tái cơ cấu NH là gì ?
- Khó khăn lớn nhất là phải chứng minh cho dư luận hiểu sự lựa chọn hiện nay là cách tối ưu nhất trên nền tảng pháp lý rõ ràng và kết quả tích cực.
Vậy theo ông đâu là vấn đề cụ thể nảy sinh cần giải quyết?
- Thực tế, tái cơ cấu làm nẩy sinh ra hàng loạt câu hỏi như: Thực chất của bước tiến mà quá trình tái cơ cấu ngân NH đạt được là gì?, Sau hơn 3 năm thực thi, đâu là những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để đấy nhanh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu?, Tiếp tục quá trình đó, triển vọng của tái cơ cấu sẽ ra sao?...
Đó là những câu hỏi quan trọng cần phải trả lời. Quan trọng vì số phận tương lai của hệ thống NH phụ thuộc rất nhiều vào việc trả lời những câu hỏi đó.
Dưới góc độ của chuyên gia, ông lý giải những vấn đề đó thế nào?
- Với kinh nghiệm sau 3-4 năm vật lộn tái cơ cấu cho thấy, đây là một quá trình phức tạp, không thể tái cơ cấu theo kiểu “đánh cờ nước một”,“rối đâu gỡ đấy”.
Để Tái cơ cấu thành công, rõ ràng không thể chỉ “chăm chăm” vào các vấn đề cụ thể đang đối mặt mà phải có một tầm nhìn xa – cả về hai phía, phía đã qua và phía sắp tới.
Nhìn về quá khứ để hiểu tại sao phải tái cơ cấu, để nhận diện đúng mình trong hiện tại, với tất cả các điểm mạnh, điểm yếu và cả khuyết tật phải sửa. Còn nhìn về phía trước, để biết hệ thống NH cần phải trở thành cái gì để đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển. Bất kỳ sự ảo tưởng hay hạ thấp mục tiêu nào đều chứa đựng khả năng dẫn tới sự sai lầm trong chiến lược hành động.
Ông Trần Đình Thiên. |
Trong 5 năm vừa qua, toàn bộ hệ thống NH cùng với cả nền kinh tế đã phải vật lộn để giải quyết hậu quả giai đoạn phát triển trước để lại.Trước hết, đó là hậu quả của giai đoạn phát triển “nóng” của hệ thống NH, trong nhiều trường hợp có nguyên nhân từ việc đánh giá không đúng mức những rủi ro tiềm năng trong quá trình tạo lập và phát triển hệ thống.
Đó còn là hậu quả mà hệ thống NH phải gánh do cách tăng trưởng của nền kinh tế trong thời kỳ trước là tăng trưởng dựa nhiều vào “nguồn cung vốn dễ” và kinh doanh nặng tính đầu cơ, chộp giật của nhiều doanh nghiệp. Vay dễ, phục vụ “phong trào” đầu cơ bất động sản và chứng khoán, tạo nên các “bong bóng”.
Di sản trực tiếp để lại cho hệ thống NH là khối lượng nợ xấu lớn, “cục máu đông” rất khó tan của cơ thể kinh tế được cấu trúc chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rất non trẻ và yếu kém.
Nói như thế, tái cơ cấu không phải của riêng ngành ngân hàng?
- Có thể nói 5 năm qua là 5 năm mà nền kinh tế và hệ thống NH phải “trả giá” cho những sai lầm, những yếu kém, non nớt của giai đoạn trước để lại. Di sản để lại, như chúng ta biết, là rất nặng nề, trong từng đơn vị riêng lẻ mà còn nặng nề hơn là trong cơ chế, cách thức vận hành và phương thức tăng trưởng mà nền kinh tế.
NH không phải chỉ xử lý vấn đề của riêng từng ngân hàng, của hệ thống mà còn phải góp phần “tháo gỡ” các vấn đề chung trong bối cảnh nền kinh tế rất khó khăn, nhiều DN phá sản, ngân sách thiếu hụt, nhiều cân đối lớn bị chảo đảo.
Trong tương lai, cần dành những nỗ lực lớn hơn nữa cho tái cơ cấu để giúp hệ thống vượt qua di sản của chính nó. Quá trình đó vẫn còn nhiều điểm cần phải thay đổi mạnh mẽ, phải kiên trì hơn nữa mới mong xoay chuyển tình hình, hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu.
Những gì mà quá trình này chưa làm được, cần phải được giải thích bằng chính sự tồn đọng của cái “di sản” nặng nề đó. Thậm chí, phải coi đó là nguyên nhân chính cho những tồn tại, chứ không phải là chê trách hệ thống NH hiện tại, vốn đã có rất nhiều nỗ lực vực dậy, thử nghiệm nhiều giải pháp kể cả việc mua NH ‘không’ đồng để đạt được kết quả tái cơ cấu bước đầu.
Điều quan trọng nhất mà ngành ngân hàng phải làm bây giờ là gì thưa ông?
- Trước đổi mới, hệ thống NH Việt Nam là hệ thống ngân hàng một cấp, có chức năng phục vụ nhà nước và phục vụ doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình đổi mới, hệ thống đó chuyển sang đảm nhiệm chức năng “tự nhiên” của mình: phục vụ thị trường, với hai đối tượng mới: doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, hệ thống NH vẫn tiếp tục phục vụ nhà nước như: cung ứng vốn cho ngân sách, bảo đảm vốn vay cho các chương trình, dự án nhà nước theo các điều kiện mang tính phục vụ; hoặc giúp Nhà nước huy động vốn xã hội, theo đó, các NHTM trở thành người mua trái phiếu Chính phủ chủ yếu, trở lại vai trò huy động vốn xã hội để phục vụ nhà nước.
Thực tế đó gây ra những hệ lụy cho chính sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Điều đó là không thể tránh khỏi khi một bộ máy nào đó phải làm cả những việc không thuộc chức năng của mình. Những hậu quả nghiêm trọng cho chính hệ thống NH khi thực hiện chức năng chính của mình như DN kêu ca thiếu vốn kinh doanh, lãi suất cao khó hạ, nợ xấu dễ tăng… là khó tránh khỏi khi nguồn vốn trong xã hội là khan hiếm.
Tái cơ cấu ngân hàng có nhiệm vụ phải kéo hệ thống ngân hàng, trở lại quỹ đạo chức năng chính của mình. Đó thực sự là một nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là khi NSNN thường xuyên thiếu hụt. Đây cũng là một lý do quan trọng làm cho tiến trình tái cơ cấu khó nhanh, chưa đạt được kết quả như dự kiến.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, phải chữa cả những căn bệnh của nền kinh tế “dính” đến NH. Nếu hệ thống DN còn tiếp tục yếu kém như hiện nay thì làm sao có thể xử lý vấn đề nợ xấu? Nếu không mua các NH thua lỗ, đã phá sản trên thực tế, với năng lực trả nợ “âm” với mức giá “không” đồng thì giải pháp nào là thích hợp để “giữ” cho khâu yếu” không kéo cả hệ thống rơi vào dây chuyền sụp đổ?
Với tất cả thực trạng như vậy để thấy, nhiệm vụ tái cơ cấu NH hãy còn nhiều ngổn ngang. Tái cơ cấu ngân hàng, ngoài nhiệm vụ vượt thoát chính bản thân mình như vậy, còn có nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập, phải tạo ra được thế và lực đương đầu thành công với quá trình này.
Trân trọng cảm ơn ông
Mai Thúy