Nhờ giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) dẫn đến giảm cả thuế giá trị gia tăng (GTGT) và lệ phí trước bạ thì số tiền người mua phải trả cho dòng ô tô dưới 1.000 cm3 sẽ giảm khoảng 45% vào năm 2019.

Đây là nội dung được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế được Chính phủ trình lên Quốc hội sáng 27-10.

Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, nhờ giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế TTĐB, dẫn đến giảm cả thuế GTGT và lệ phí trước bạ thì số tiền người mua phải trả cho dòng ô tô dưới 1.000 cm3 sẽ giảm khoảng 45% vào năm 2019. Mức giảm sâu này sẽ giúp người có thu nhập khá và trung bình khá mua được dòng xe ô tô ưu tiên phát triển theo đúng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Từ đó, khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện môi trường, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân. Qua đó thúc đẩy tăng cao dung lượng thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường.

{keywords} 

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, so với chín nước trong khối ASEAN, mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô từ chín chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45%, cao hơn so với mức trung bình bốn nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Trong đó, Thái Lan và Indonesia là hai nước có nền công nghiệp ô tô tương đối phát triển và có xuất khẩu ô tô nhiều.

Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3. Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm thuế TTĐB 5% so với hiện hành kể từ 1-7-2016, sau đó sẽ giảm tiếp theo từng năm (chi tiết xem ở bảng dưới).

Dự thảo luật cũng đề xuất tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3. Chính phủ cho rằng do đây là những dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.

Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho biết hiện vẫn có ý kiến trong Ủy ban chưa nhất trí với phương án giảm thuế và phân loại quá chi tiết đối với các loại xe ô tô từ chín chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 như dự thảo luật.

Thuế suất TTĐB đối với ô tô chở người từ chín chỗ trở xuống theo dự thảo luật:

- Loại có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống: Từ ngày 01-7-2016 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành), từ ngày 1-1-2018 áp dụng thuế suất 30% (giảm 15% so với hiện hành), từ ngày 1-1-2019 áp dụng thuế suất 20% (giảm 25% so với hiện hành).

- Loại có dung tích xi lanh trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3: Từ ngày 01-7-2016 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành), từ ngày 01-01-2018 áp dụng thuế suất 35% (giảm 10% so với hiện hành), từ ngày 1-1-2019 áp dụng thuế suất 25% (giảm 20% so với hiện hành).

- Loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3: Từ ngày 1-1-2018 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành), từ ngày 1-1-2019 áp dụng thuế suất 30% (giảm 15% so với hiện hành).

- Loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3: Giữ thuế suất 50% như hiện hành.

- Loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3: Từ ngày 1-1-2018 áp dụng thuế suất 55% (tăng 5% so với hiện hành), từ ngày 1-1-2019 áp dụng thuế suất 60% (tăng 10% so với hiện hành).

- Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3: Từ ngày 1-7-2016 áp dụng thuế suất 90% (tăng 30% so với hiện hành).

- Loại có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3: Từ ngày 1-7-2016 áp dụng thuế suất 110% (tăng 50% so với hiện hành).

- Loại có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3: Từ ngày 1-7-2016 áp dụng thuế suất 130% (tăng 70% so với hiện hành).

- Loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3: Từ ngày 1-7-2016 áp dụng thuế suất 150% (tăng 90% so với hiện hành).


(Theo PL TP.HCM)