- Chiếc máy bay trong vụ tai nạn thảm khốc khiến hàng chục người thiệt mạng vừa xảy ra tại Nam Sudan là Antonov An-12 - máy bay vận tải được sản xuất từ thời Liên Xô cũ. Antonov từng được ví như một huyền thoại Liên Xô.

“Đồ cổ” gặp nạn

Máy bay của Nga gặp nạn khi đang trên hành trình tới Paloich, vùng Thượng sông Nile. Chiếc Antonov được đăng kí tại Tajikistan và thuộc quyền sở hữu của công ty TNHH dịch vụ Liên minh. Tổng cộng, 12 hành khách và 6 phi hành đoàn (gồm 5 người Armenia và 1 người Nga) có mặt trên chuyến bay số hiệu AN-12 bị rơi ở Nam Sudan.

Loại máy bay này liên tục gặp sự cố và gây thương vong cho nhiều người ở Nga và các quốc gia châu Phi thời gian qua. Mới năm ngoái, một chiếc máy bay tương tự của hãng Ukraine Air Alliance đã rơi chỉ ba phút sau khi cất cánh từ sân bay Tamanrasset. Nó đang chở thiết bị dầu khí từ Glasgow, Scotland đến Equatorial Guinea, Tamanrasset là một trong những trạm dừng chân của hành trình.

{keywords}
Vụ tai nạn máy bay

Tương tự, một chiếc máy bay vận tải An-12 của Nga đã bị rơi xuống một nhà kho quân sự tại Siberia làm toàn bộ 9 người trên máy bay thiệt mạng. Chiếc máy bay này đang di chuyển từ một nhà máy chế tạo máy bay ở Novosibirs tới một nhà máy khác tại Irkutsk thì gặp nạn. Do đây là chuyến bay thử nghiệm nên không chở theo hành khách và hàng hóa. 

Trong suốt một thập kỷ vừa qua, nhiều tai nạn chết người đã xảy ra với dòng máy bay này. Gần đây nhất, chiếc An-12 gặp nạn ở gần Irkutsk, Nga, khiến 9 người tử vong. Năm 2006, phiên bản sao chép của An-12 có tên Shaanxi Y-8 gặp tai nạn gây ra cái chết của 40 người.

Antonov An-12 là một loại máy bay vận tải sử dụng 4 động cơ phản lực cánh quạt. Nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo tại Irkutsk, cất cánh vào tháng 12/1957. Máy bay này dài 33,1 m, sải cánh 38 m, tốc độ tối đa 777 km/giờ, bay cao 10,2 km, tầm bay 3.600-5.700 km. Phi hành đoàn gồm 5 người.

Dòng máy bay này được sản xuất từ ba nhà máy là Irkutsk, Voronezh và Tashkent. Nó có thể chở tối đa 20 tấn hàng hóa và đủ chỗ cho 14 hành khách, được cho là có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết. Mặc dù có sức chứa 85 hành khách nếu được vận hành đúng cách, nhưng mục đích chính của An-12 là chuyên chở hàng hóa. 

Hơn nửa thế kỷ vẫn còn bay

Từ khi chính thức ra mắt năm 1959 tới khi kết thúc sản xuất năm 1973 tại Liên Xô, tổng cộng đã có 1.248 chiếc An-12 được xuất xưởng. Đến nay, vẫn còn hơn 100 chiếc An-12 được sử dụng trong lực lượng không quân của 9 quốc gia, gần 200 chiếc hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

{keywords}

Một máy bay chở hàng Antonov-12 do Nga chế tạo

Theo wikipedia, đến tháng 8/2006, tổng cộng có 179 chiếc Antonov An-12 đang được vận hành bởi các hãng Air Guinee, Alada, British Gulf International Airlines, Avial Aviation, Heli Air Service, Scorpion Air, Tiramavia, Aerovis Airlines, Veteran Airlines, KNAAPO, Vega Airlines, ATRAN Cargo Airlines và Volare Airlines,... 

Nhiều hãng hàng không khác của các nước như Trung Quốc, Ai Cập, Guinea, Serbia, Sri Lanka cũng sử dụng loại máy bay này nhưng chủ yếu chở hàng hóa.

Tại châu Phi, nhiều quốc gia đã sử dụng loại máy bay An-12 để đi lại do đường sá thiếu thốn để có thể di chuyển bằng phương tiện khác. Tuy nhiên, máy bay này hay bị rớt vì cũ và không được bảo trì. Năm 2007, chính quyền Congo cấm máy bay Antonov chở khách.

Cơ quan quản lý hàng không dân dụng The General Civil Aviation Authority (GCAA) của Các tiểu vương quốc Ả Rập cũng tuyên bố cấm tất cả các hãng hàng không quốc tế có khai thác chủng loại phi cơ Antonov-12 sau khi cơ quan này tiến hành kiểm định mức độ an toàn của loại máy bay vận tải chở khách được sản xuất từ những năm 1950 này.

Ngay cả Nga đã từng có lệnh tạm dừng hoạt động chở khách của An-12 sau vụ tai nạn máy bay làm 11 người thiệt mạng năm 2011.

Nền công nghiệp máy bay hùng mạnh từ thời kỳ Liên Xô đã co quắp lại từ sau khi liên bang tan rã năm 1991. Gần 20 năm qua, sau nhiều nỗ lực cứu trợ, ngành này của Nga vẫn không đạt nhiều thành công như mong đợi. 

Nam Hải