Ngồi xe biển xanh chỉ có lãnh đạo "mới oai, mới sướng" chứ người cầm lái thì chịu áp lực lớn hơn rất nhiều so với việc lái xe biển trắng.
Cân, đo, đong, đếm
Xe công vụ hàng năm chiếm gần 13.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước khiến dư luận bức xúc, lo lắng trong suốt thời gian qua. Trong số đó, có cả những người hiện đang ngồi trên chiếc xe biển xanh nhưng họ không cảm thấy "oai", đó là tài xế.
Anh N.S.T (26 tuổi, quê Ninh Bình) hiện đang lái xe cho cán bộ làm lãnh đạo một Tổng Cục có trụ sở ở TP. Hà Nội chia sẻ: "Mọi người thường nghĩ ngồi trên xe biển xanh là sướng, là oai nhưng thực chất không phải như thế, điều đó chỉ đúng với những người ngồi ghế hàng sau. Còn với dân lái xe mà nói, ngồi trên chiếc xe biển xanh lại càng thêm áp lực".
Theo lý giải của anh T., người dân thường có tâm lý trên xe biển xanh là những người có tri thức, hiểu biết cao mà không để ý rằng lái xe cũng được đào tạo phổ thông, đại trà như bao lái xe khác trên đất nước Việt Nam. "Chỉ cần sơ sẩy một chút như vượt đèn đỏ, đi lệch làn đường hay quá tốc độ một chút... cũng bị mọi người để ý, nhòm ngó" - anh T. nói.
Không những thế, theo anh T., lái xe cho lãnh đạo cũng không có nhiều sự thoải mái khi lúc nào cũng phải nghiêm trang, đi đến địa phận lạ cũng phải để ý trước sau kẻo đỗ trong khu vực "nhạy cảm" có nhiều tụ điểm ăn chơi là cũng bị sếp...nhắc, hay thậm chí là nặng lời mắng mỏ.
Nhiều tài xế xe công vụ khẳng định chẳng sung sướng gì khi lái xe Nhà nước. |
Trong khi đó, ông P.V.S (45 tuổi, quê Phú Thọ) cũng đã từng có nhiều năm kinh nghiệm lái xe biển 80Bxxxx cho một đơn vị sự nghiệp thuộc Chính phủ quản lý, cho biết, cơ quan ông được khoán xe công 1 tháng cho đi 60 lít dầu (chưa kể tiền bảo dưỡng, sửa chữa khi hỏng hóc).
"Mỗi tháng được ít nhiên liệu là thế nhưng công việc thường xuyên phải đi, không chỉ quanh TP. Hà Nội mà còn đi các tỉnh phụ cận nữa. Lúc đi thì cả đoàn 3 - 4 người cùng đi, là tài xế tôi phải cân, đo, đong, đếm sao cho phù hợp.
Nếu có sử dụng vượt mức khoán thì những người trong đoàn phân bổ đầu người, tự bỏ tiền ra để bù vào khoản vượt đó. Nhiều khi mọi người không dám đi xe của cơ quan mà chủ động lấy xe máy của mình đi cho đỡ phiền phức" - ông S. chia sẻ.
Ông S. còn tâm sự thêm: "Việc khoán xe công ở cơ quan ông có nhiều điểm chưa hợp lý bởi có tháng đi nhiều, có tháng đi ít trong khi việc khoán lại diễn ra cứng nhắc, áp dụng cho tất cả các tháng trong năm".
Không có "lương mềm"
Nói đến chuyện "bòn rút" khi chạy xe công vụ, cả anh T. và ông S. đều lắc đầu ngán ngẩm, cho rằng, nếu lái loại xe bình thường còn có thể tranh thủ kiếm ngoài được "đồng thuốc"; "đồng nước" còn lái xe công vụ thì bó buộc, không có cách nào để có thêm thu nhập.
Ông S. tâm sự: "Tôi công nhận lái xe cho lãnh đạo được cái không vất vả, lái xe bề ngoài lúc nào cũng phải chỉnh tề, đi đứng, thái độ cũng phải giữ chuẩn mực. Nhưng ngược lại, chỉ được cái vẻ bề ngoài chứ thu nhập chẳng đáng là bao. Như tôi làm lâu năm, hàng tháng cũng chỉ được hơn 5 triệu lương cứng.
Nếu như lái xe bình thường họ còn có nhiều khoản thu nhập như chạy tăng ca, tăng chuyến, chở thêm dọc đường... còn tôi muốn lấy xe ra thì phải báo cáo trước mấy hôm, xin giấy, phải có ý kiến lãnh đạo kỹ rồi đóng dấu mới được lấy xe ra, đúng giờ phải đưa xe về cơ quan nếu không sẽ bị phạt. Thử hỏi, như thế còn làm được gì khác?".
Còn anh T. cho biết, quy trình bảo dưỡng xe công vụ cũng diễn ra nghiêm ngặt. Nếu như anh T. phát hiện chiếc xe mình lái có hỏng hóc gì thì phải báo với cơ quan, được đồng ý mới đem ra ga-ra.
Không những thế, khi tới ga-ra rồi, anh T. còn phải lấy bảng báo giá về cho lãnh đạo ký, chuyển xuống phòng kế toán xuất tiền mới được sửa chữa.
"Lái xe công vụ chỉ được cái ổn định, nhàn nhã nhưng nếu nói về thu nhập thì tôi thấy không bằng lái các xe bình thường. Mọi người thường nói đi xe biển xanh là oai, là sướng nhưng tôi thấy, đó cũng chỉ là công việc phục vụ cuộc sống như bao nghề khác. Nhiều khi phải chờ lãnh đạo hội họp, tiếp khách cả ngày trời thì tôi lại thấy mình chẳng sướng như dư luận vẫn nói" - ông T. thẳng thắn bày tỏ.
Trao đổi vào chiều ngày 11/11, ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay: "Nhiều người vẫn kiên quyết đi xe công, xe biển xanh là để giải quyết "khâu oai" và phục vụ cho việc làm ăn cá nhân của họ. Đi xe biển xanh nếu gặp chướng ngại vật như bảo vệ ở các cơ quan thì ngồi chễm trệ trên xe đi vào mà không cần phải xuống, đi ăn bằng xe biển xanh thì có người trả tiền bữa ăn cho. Không tự nhiên trong xã hội ngày nay xuất hiện nhiều trường hợp ngồi trên xe biển xanh để đi lừa đảo người dân lương thiện, đó cũng chỉ bởi vì xe biển xanh giải quyết "khâu oai", khiến người khác có tâm lý sợ sệt. Có vị ngồi trên xe công nhằm tạo thế để vơ vét, tư lợi cá nhân thông qua các phi vụ làm ăn ngoài lề. Buông xe công đi xe dịch vụ cũng dễ thôi nhưng họ không muốn buông vì còn ảnh hưởng đến những vấn đề không đàng hoàng phía sau như chạy dự án, môi giới dự án...”. |
(Theo Phunuonline)