- Vụ thảm sát kinh hoàng của IS khiến các nước Âu - Mỹ rối bời. Chuyện Ukraine tạm thời được gác sang một bên. Song, đây cũng là lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai nước đi đầy bất ngờ, đó là đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 3 tỷ USD và nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine.
'Anh cả' xóa nợ
Không còn bị cô lập như trong lần gặp cấp cao trước, ông Putin liên tiếp có các cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama rồi Thủ tướng Anh David Cameron và nổi bật tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) với vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS.
Chính tại hội nghị G20, ngày 16/11, ông Putin tiếp tục gây bất ngờ khi tuyên bố đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 3 tỷ USD mà Nga cho Ukraine vay trong vòng 3 năm.
Đây là một động thái ít người nghĩ tới bởi vào thời điểm này, Ukraine không còn là vấn đề nóng đối với cả châu Âu và Mỹ. Phương Tây đang xáo động với vụ thảm sát kinh hoàng của IS, khiến cả trăm người tại Paris thiệt mạng hôm 13/11. Vấn đề Ukraine tạm thời được gác sang một bên.
Obama và Putin hội đàm tại G20 - 2015. |
Nó cũng bất ngờ bởi trước đó chỉ khoảng một tuần, Nga đã từ chối tái cơ cấu nợ cho Ukraine và yêu cầu nước này trả nợ đầy đủ vào tháng 12 tới. Ukraine thì dọa dẫm không trả nếu Kremlin không đồng ý tái cơ cấu theo yêu cầu của nước này.
Hồi cuối tháng 9, Nga cũng đã đồng ý nối lại khí đốt cho Ukraine chuẩn bị mùa đông sắp tới. Đây là một gói thỏa thuận khí đốt toàn diện cho năm 2015 và năm 2016 nhằm đảm bảo Ukraine và các nước châu Âu sẽ mua được 2 tỷ m3 khí đốt từ Nga.
Putin cũng cam kết hạ giá khí đốt tương đương giá bán cho các nước láng giềng, tức khoảng 230 USD cho 1.000 m3 khí trong khoảng thời gian đã thỏa thuận.
Nước Nga và ông Putin đã rất cởi mở và thiện chí, thay cho những lời dọa dẫm sẽ cắt nguồn cung ứng khí đốt cho Ukraine hay ép Ukraine phải trả nợ ngay trong tháng 12 tới.
Theo Bloomberg, ông Putin cho biết Nga không chỉ tái cơ cấu nợ cho Ukraine mà còn đưa ra những điều kiện tốt nhất so với những gì mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu trước đó. Từ 2016-2018, mỗi năm Nga thu về 1 tỷ USD, thay vì chỉ kéo dài hạn thanh toán sang 2016. Putin không đẩy Ukraine vào tình thế khó khăn đồng thời hy vọng Mỹ, EU và một tổ chức tài chính quốc tế như IMF đóng vai trò bảo lãnh cho việc Ukraine trả nợ Nga.
Lối thoát cho Ukraine đã có. Vấn đề sẽ được chốt lại vào khoảng tháng 12 tới. Ông Putin hy vọng sẽ nhận được "sự quan tâm" và tham gia thảo luận chi tiết với các đối tác.
Putin gặp Thủ tướng Anh David Cameron tại G20. |
Âu Mỹ lo thân, Putin thể hiện sức vị thế
Quyết định của Nga thực sự là điều bất ngờ mà ít người nghĩ tới. Thế giới luôn giật mình trước những nước đi của Putin. Trước đó, quyết định triển khai chiến dịch ném bom của Nga ở Syria và màn trình diễn vũ khí ấn tượng đã khiến phương Tây không khỏi ngỡ ngàng.
Bước nhượng bộ về nợ nần lần này càng khiến Putin nổi bật. Tuy nhiên, nhiều người tự hỏi liệu Putin có cần đi thêm nước cờ này nữa không trong bối nhà lãnh đạo Nga này đang như thỏi nam châm hút thế giới trong vấn đề chống khủng bố.
Trước đó, trên tờ Reuters, một số nhà phân tích cho rằng, ông Putin đang nắm trong tay nhiều quân bài hơn nhiều người nghĩ. Giá dầu tụt từ trên 100 USD xuống gần 40 USD/thùng đã nhấn chìm nền kinh tế Nga nhưng vẫn còn đó quân bài khí đốt. Nga hiện vẫn cung cấp 30% khi đốt cho EU.
Lệnh trừng phạt của phương Tây bao gồm cả Mỹ và EU đã và đang gây ra rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế kém năng động của Nga. Tuy nhiên, chính các lệnh trừng phạt này và các biện pháp trả đũa của Nga cũng khiến EU gặp không ít khó khăn khi mà họ đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng: từ nợ công Hy Lạp cho tới vấn đề nhập cư,...
Khí đốt là một quân bài của Putin. |
Putin có thể sử dụng vũ khí khí đốt để gây áp lực lên Kiev cũng như EU. Tuy nhiên, đây có lẽ là không phải là lựa chọn tốt của Nga. Putin là người đầu tiên khai thác mạnh mẽ sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga và có lẽ, ông biết cách tiếp tục duy trì sức mạnh này.
Gần đây, vũ khí cũng được Nga coi là một quân bài quan trọng. Nga đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí.
Tài chính là sức mạnh. Tiền đã giúp nước Nga lấy lại ít nhiều sức mạnh trong cả chục năm qua. Bên cạnh đó, uy tín cũng là điều quyết định đến vị thế của Nga trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Giờ đây trong khi phương Tây bấn loạn vì khủng bố nở rộ, nước Nga sẵn sàng giơ tay giúp Ukraine. Trên thực tế, có thể Putin không ưa gì chính quyền mới ở Ukraine và cũng thừa biết rằng Ukraine đã kiệt sức, trong khi EU bế tắc, còn Mỹ xa xôi, nước xa không cứu được lửa gần.
Cho dù được đánh giá ở thế khá yếu do khủng hoảng kinh tế, nhưng Nga lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong bối cảnh thế giới bất an. Với hàng loạt các nước cờ bất ngờ, Putin đang khuấy đảo phương Tây và ở một góc độ nào đó làm chủ một bàn cờ phức tạp.
V. Minh