Bộ Tài chính vừa công bố kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với 7 mặt hàng thiết yếu gồm gas, xi măng, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi, đường, sữa tại 21 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy vẫn có tới 6 mặt hàng tăng giá mạnh.

TIN BÀI KHÁC


Vừa qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với 7 mặt hàng tại 21 doanh nghiệp, gồm: 4 doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng, 4 doanh nghiệp sản xuất xi măng, 4 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng, 1 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón hóa học, 4 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, 2 doanh nghiệp sản xuất đường ăn và 2 doanh nghiệp kinh doanh sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo kết quả kiểm tra, trong 4 tháng đầu năm 2011, chỉ có mặt hàng đường ăn là giảm giá, còn lại 6 trên 7 mặt hàng được kiểm tra tăng giá so với thời điểm 31/12/2010, trong đó cao nhất là mặt hàng phân bón hóa học tăng khoảng 25%, thấp nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi, tăng từ 1,05% đến 2,56%.

Cụ thể, mặt hàng khí hóa lỏng các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá 5 lần, điều chỉnh giảm giá 1 lần; tăng từ 4,55% đến 11,92% trên hai thị trường lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Mặt hàng phân bón hóa học cũng điều chỉnh tăng giá 5 lần và tăng khoảng 25%. Mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi tăng giá 1 lần trung bình tăng từ 8% đến 11,5%.

Các mặt hàng khác là thức ăn chăn nuôi cũng được các doanh nghiệp tăng giá 6 lần trung bình tăng từ 1,05% đến 2,56%; mặt hàng xi măng điều chỉnh tăng giá nhiều nhất là 3 lần, giảm giá 1 lần, giá bán trung bình tăng 18,9% đến 19,39 %; Mặt hàng thép xây dựng điều chỉnh tăng giá từ 4 đến 6 lần tăng trung bình từ 14% đến 14,2%.

Chỉ riêng mặt hàng Đường ăn đầu năm 2011 giá giảm nhẹ từ 1,2% đến 5% do trong tháng 11-12/2010 đã tăng giá từ 14% đến 15%.


Trong số các doanh nghiệp được kiểm tra, có 4 doanh nghiệp điều chỉnh giá bán chưa phù hợp, mức điều chỉnh giá bán tăng cao hơn so với mức tăng chi phí đầu vào tương ứng.

Các đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính đã đưa ra kiến nghị, yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá bán cao bất hợp lý so với mức tăng của các yếu tố chi phí đầu vào, cắt giảm các khoản chi như quảng cáo, tiếp thị để hạ giá bán sản phẩm. Thực hiện đăng ký giá với Cục Quản lý giá theo đúng thông báo 284a/TB-BTC ngày 30/9/2010 của Bộ Tài Chính.

Bên cạnh đó, đoàn cũng chỉ đạo rà soát toàn bộ các khâu trong quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, hạ giá thành và giá bán sản phẩm, góp phần tích cực trong việc bình ổn thị trường. Bộ Tài chính đề nghị các công ty xi măng khẩn trương làm việc với Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam để xử lý số tiêu hao vật tư năm 2010 và quyết toán thuế theo đúng quy định. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm của các doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về giá

Bên cạnh việc kiến nghị các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giá, qua công tác kiểm tra cũng đã phát hiện việc vi phạm pháp luật về thuế của một số doanh nghiệp và đa xử lý truy thu vào ngân sách nhà nước 20,723 tỷ đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp 19,788 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 935 triệu đồng).

- Công ty Xi măng Hoàng Thạch tăng giá bán bình quân 171.637 đồng/tấn, tương đương 18,22%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 14,1% so với giá thành năm 2010.

- Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai tăng giá bán bình quân 163.636 đồng/tấn, tương đương 18,95%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 16,3% so với giá thành năm 2010.

- Công ty cổ phần Việt Pháp tăng giá bán thức ăn gia súc 860.000 đồng/tấn, tương đương 8,25%, trong khi đó chi phí sản xuất bình quân chỉ tăng 509.910 đồng/tấn, tương đương 6,49%.

- Mặt hàng phân Urê Phú Mỹ của Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí tăng 1.600.000 đồng/tấn, tương đương 25%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 9,25% so với giá thành năm 2010.


(Theo VnMedia)