Khóa các cửa phòng đều hỏng, sàn nhà làm bằng gỗ công nghiệp cong vênh, trần không phẳng, lem nhem, tường nứt, bị bôi bẩn, các phào trần lồi lõm, cửa sổ bị gỉ có màu vàng, do nước mưa chảy vào, bức tường phẳng nhưng lại được sơn tạm bợ, gấp khúc như hình chữ "V"… - Đó là những bức xúc trong rất nhiều bức xúc của cư dân khi nhận bàn giao căn hộ ở chung cư Keangnam.
TIN BÀI KHÁC:


Đã bàn giao nhà từ cuối tháng 4/2011 nhưng cho tới thời điểm này, nhiều căn hộ tại chung cư cao cấp Keangnam vẫn đang trong quá trình sửa chữa, bảo trì... Thậm chí có gia đình đã nhận nhà nhưng “chưa thể dọn về ở vì nó chẳng khác gì đồ hàng mã”, một cư dân của Keangnam bức xúc bày tỏ.

Chất lượng căn hộ cao cấp không bằng hộ giãn dân?

Anh Đức, chủ căn hộ trên tầng 35, tòa nhà B cho biết: Thông thường, sau khi đóng khoảng 70% số tiền mua nhà, dân cư sẽ được vào xem trước căn hộ của mình, sau đó, hoàn tất 30% còn lại sẽ nghiệm thu căn hộ và nhận chìa khóa bàn giao. Tuy nhiên, ở Keangnam lại hoàn toàn khác. Chủ hộ phải nộp 100% tiền và phí dịch vụ 3 tháng đầu tiên mới được nhận chìa khóa để vào xem nhà.

Vết nứt trên trần nhà gần cầu thang máy tầng 13 A Keangnam.

“Khi mở cửa vào xem căn hộ, tôi thấy mình như bị lừa, có rất nhiều lỗi buộc phải sửa lại. Nền gỗ trên tầng 35, chân bước lên có thể cảm nhận được sự bồng bềnh, hệ thống đá lát tại các cửa sổ là đá tự nhiên có dấu hiệu bị nứt, chỉ còn biện pháp là hàn gắn lại, vết gắn rất xấu. Không những thế, cửa ra vào là cửa gỗ, trong quá trình thi công, xây xước nhiều, họ “chữa cháy” bằng cách bôi đen để khó bị phát hiện. Tất cả chỉ là cách khắc phục nhằm “bịt mắt” người ngoài thôi” – anh Đức nói.

Gửi phản ánh tới nhiều cơ quan truyền thông, một chủ hộ khác tại tầng 45, chị Lê Thị T. cũng than thở: “Trước đó chúng tôi đã đến gặp chủ đầu tư vào xin được vào xem căn hộ của mình nhưng không được. Chủ đầu tư yêu cầu khi nào trả xong tiền mới được vào nhà. Họ cam kết chất lượng căn hộ sẽ "tuyệt hảo" vì Keangnam là dự án hạng A (theo tiêu chuẩn của Bộ xây dựng), được đầu tư và xây dựng bởi Tập đoàn Keangnam, vốn nổi tiếng trên thế giới với 60 năm bề dày kinh nghiệm trong xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đến khi bước vào căn hộ của mình, chúng tôi thật sự thất vọng về chất lượng "cao cấp" tại đây. Chúng tôi hoàn toàn có thể nói, chất lượng một số căn hộ trong tòa nhà Keangnam mà chúng tôi biết không bằng các căn hộ giãn dân. Mặc dù, chúng tôi phải trả số tiền rất lớn 3.000 USD/m2”.

Sau đó, phải vật vã suốt 2 tháng trời, hao tốn về tiền bạc, vật chất đi lại và tinh thần để thường xuyên giám sát quá trình sửa sang, thi công của công nhân, gia đình chị T. mới tạm hài lòng với căn hộ “chắp vá” của mình.

Trò chuyện, trao đổi với phóng viên, bác A. – người sở hữu 2 căn hộ cao cấp tại Keangnam cũng không khỏi thắc mắc: Keangnam giục người dân vào ở và bắt đầu từ ngày 1/5, thu tiền phí dịch vụ 3 tháng liền cao chót vót, nhưng cho tới thời điểm này, đã 2 tháng rồi mà việc sửa chữa căn hộ vẫn chưa hoàn tất.

Bác A kể về cảm giác kinh ngạc của mình khi lần đầu tiên mở cửa căn hộ: “Nhà vệ sinh bốc lên một mùi hôi thối, tường nhà bị công nhân lau chùi rất bẩn thỉu, sắt của tay vịn ban công rỉ, vỡ lớp sơn ra. Nhìn chung, nhà cửa chẳng khác gì đồ hàng mã. Đến giờ tôi cũng chưa dám dọn về ở”.

Theo các chủ hộ, do áp lực hoàn thành đúng tiến độ của công trình nên thi công gấp gáp, không thể đảm bảo chất lượng của tòa nhà. Nhiều nhà vệ sinh bị cạy tung để sửa chữa lại vì đọng nước, tường nhà quét sơn không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

Một thành viên của ban quản trị lâm thời khu dân cư Keangnam cũng thừa nhận: có quá nhiều căn hộ gặp tình trạng tương tự nên hiện tại, bất cứ căn hộ nào không hài lòng về chất lượng, phản ánh tới Keangnam đều được ghi nhận và tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, theo ý kiến của các hộ dân: Nếu không thường xuyên hối thúc thì việc sửa chữa sẽ rất lâu và tốn nhiều công sức.

Ổ cắm điện có thể rơi ra bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, tủ lạnh cung cấp cho hộ dân (đã bao gồm trong giá hợp đồng) quá nhỏ so với kỳ vọng ban đầu cũng khiến không ít hộ gia đình thất vọng. "Tôi không hiểu tại sao, cùng diện tích như nhau nhưng có hộ nhận được tủ lạnh to, có hộ buộc phải nhận tủ lạnh nhỏ, giá của 2 chiếc chênh nhau tới 6 - 7 triệu đồng" - Câu hỏi này đã từng được cư dân thắc mắc với chủ tịch Công ty Keangnam Vina nhưng bị khất lần từ chối.

Khu tiện ích quá nhỏ so với tiêu chuẩn 5 sao?

“Khu chung cư Keangnam sẽ bao gồm 1.000 hộ dân sinh sống, tương đương với khoảng 2.000 – 3.000 người làm việc và sinh hoạt nhưng khu tiện ích lại quá nhỏ bé. Nếu chia ra, diện tích tiện ích cho từng đầu người thì không thể đảm bảo được không gian sống cho chúng tôi, chứ chưa nói gì tới tiêu chuẩn để đạt được tầm cỡ một khu dân cư hạng sang 5 sao như đã quảng cáo” – Trao đổi với phóng viên giaoduc.net.vn, anh T., một hộ dân tại Keangnam nhận định.

Phải bỏ ra số tiền khá “chát” là 0,99 USD/m2 cho phí dịch vụ nhưng những tiện ích mà người dân Keangnam nhận được vẫn chưa thực sự làm thỏa mãn các “thượng đế”.


Trong buổi họp dân cứ, trao đổi với Chủ tịch Công ty Keangnam Vina, đại diện ban quản trị lâm thời cũng đã đưa ra vấn đề này để chất vấn về lý do tại sao chủ đầu tư lại thu phí dịch vụ quá cao, trong khi các tiện ích lại chưa được đảm bảo. Bể bơi cuối tháng 5 mới đi vào hoạt động, phòng tập đầu tháng 6 mới mở cửa, còn phòng thư viện, đọc sách hiện nay vẫn chưa đủ trang thiết bị, thêm vào đó, các công trình phục trợ phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân như trung tâm thương mại, mua sắm đồ ăn, thức uống, từ tầng 1 đến tầng 5 vẫn chưa hoàn thành.



“Diện tích các tiện ích chung không đáp ứng được những tiêu chí mà chủ đầu tư đã đưa ra. Cụ thể, cả 2 tòa nhà 48 tầng chỉ có 1 bể bơi mà diện tích bể bơi lại quá nhỏ (khoảng 150m2), các cháu nhỏ bơi cũng không đủ. Trong khi, phòng tập thể dục của Keangnam cũng không lớn, "không đáp ứng đủ ôxy cho mọi người thở chứ đừng nói tới tập thể dục. Chúng tôi thực sự không đòi hỏi quá nhiều, nhưng nếu ai đó tới xem cũng sẽ có chung cảm nhận như vậy giống tôi”, anh T. cho biết.

Hiện nay, do yêu cầu của các hộ dân, sân chơi cho các cháu nhỏ đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nhân viên phục vụ lại làm theo giờ hành chính từ 8h sáng tới 5h chiều. “Khổ nỗi, 5h chiều các cháu mới đi học về, các bố, các mẹ lúc đó mới tan sở, rảnh rang cho con xuống chơi thì khu vực này lại đóng cửa. Tôi có thắc mắc điều này với ban quản lý dân cư thì họ chỉ lắc đầu bảo rằng: Họ không thuê được nhân viên làm ngoài giờ hành chính (?!)” – Anh K, chủ căn hộ Keangnam trên tầng 45 khu nhà B bày tỏ.

“Trung tâm thương mại thì có thể hoàn thiện sau vì thực ra nó chưa phải nhu cầu cấp thiết vì không mua hàng hóa ở nơi này thì có thể mua ở nơi khác nhưng chỗ chơi của các cháu, phòng tập và phòng nghỉ ngơi, giải trí phải mở cửa 24/24. Chúng tôi nộp phí dịch vụ đầy đủ, vẫn tính 24/24h, vậy tại sao các tiện ích lại quy định giờ giấc phi lý như thế?”, một người dân Keangnam có con nhỏ không khỏi băn khoăn.



Trước những bất cập và bức xúc của người dân, ban quản trị lâm thời của Keangnam phản ánh tới chủ tịch Ha Jong Suk trong buổi họp bàn tròn diễn ra vào tối 27/6. Vị chủ tịch của Keangnam Vina đã thiện chí lắng nghe và “xin” trong thời hạn 2 tháng để công ty quản lý và vận hành tòa nhà - Công ty TNHH Chestnut Việt Nam sửa đổi. Nếu sau đó, người dân vẫn còn nhiều bức xúc về chất lượng quản lý và phí dịch vụ, đại diện khu dân cư có thể thuê người hoạch toán riêng hoặc Keangnam sẽ chuyển sang thuê một đơn vị quản lý khác, nhằm phục vụ người dân một cách tốt nhất.


Theo Giáo dục Việt Nam