Giới buôn hàng xách tay có nhiều cách để 'tuồn' hàng về cũng như có đủ các 'chiêu, trò' để kiếm được lợi nhuận 'khủng'

TIN BÀI KHÁC


Muôn nẻo đường "hạ cánh"


Theo tiết lộ của anh Hà Thanh T., một chuyên gia buôn hàng điện thoại xách tay, có rất nhiều cách để lấy được nguồn hàng đem về nước tiêu thụ. Trong đó có hai con đường cơ bản.

Thứ nhất, nguồn hàng do những người đi máy bay mang từ nước ngoài về trong nước. Chính vì vậy, hàng xách tay còn có tên gọi khác là hàng “bay”. Nguồn này có từ những người thường xuyên phải ra nước ngoài du lịch, công tác, hoặc du học sinh…

Tuy nhiên, theo tiết lộ của anh T., nguồn hàng “bay” ổn định nhất thường là từ nhân viên hàng không phục vụ trên các chuyến bay mang về. Vì thế, phần lớn chiêu quảng cáo bán hàng xách tay trên mạng đều "dụ khách" bằng cách giới thiệu có người thân làm trong ngành hàng không mang về để tạo độ tin tưởng.

Một quảng cáo "dụ" khách bằng cách giới thiệu hàng xách tay do tiếp viên hàng không mang về. (Ảnh chụp màn hình website lamchame.vn, ngày 25/3/2011).

Cách thứ hai là hàng được gửi qua đường chuyển phát nhanh quốc tế về trong nước. Hàng xách tay loại này hay được giới trong nghề gọi là hàng “ship”. Để ship được hàng về nước cũng có nhiều cách. Nếu người buôn có người thân ở nước ngoài, họ sẽ gom hàng từ bên đó rồi gửi về.

Nếu không, "con buôn" trong nước sẽ tự tìm hiểu, liên hệ và giao dịch mua hàng trực tiếp với người bán từ nước ngoài qua các trang mạng. Tại nước ngoài, giới buôn bán cũng thường lập ra các nhóm giao dịch để ship hàng đi các nước khác theo nhu cầu.

Những “chiêu, trò” thu lợi nhuận “khủng”

Thông thường, bất kể là hàng điện tử hay mỹ phẩm, thời trang, nếu lấy nguồn hàng chính hãng từ nước ngoài thì khi về trong nước, cộng thêm các khoản phí như vận chuyển, tiền ship, thuế… người buôn sẽ chẳng lời lãi được là bao. Do vậy, giới buôn hàng xách tay phải áp dụng nhiều “chiêu, trò” để kiếm được lợi nhuận tối đa từ hình thức kinh doanh này.

Anh T. cho hay, ngoài việc kiếm lời từ chiêu trốn thuế nhập khẩu của hàng “bay”, hầu hết hàng xách tay đều có nguồn gốc không rõ ràng do người buôn thu mua nguồn hàng “bẩn” của nước ngoài. Loại này chủ yếu là hàng ăn cắp, có giá rẻ hơn giá gốc từ 30 đến 40%. Bên cạnh đó, "con buôn" còn tìm hiểu về các mặt hàng mới tung ra thị trường mà Việt Nam không được quyền phân phối hoặc hàng hiếm, khó nhập, sau đó bán với mức giá theo ý mình. Loại này còn gọi là hàng “độc”, thường được giới ăn chơi rất ưa chuộng.
"Con buôn" có thể thu được “siêu lợi nhuận” từ việc bán hàng “dựng”, hàng fake cho các tín đồ “sính ngoại”, “gà mờ”.

Hàng dựng thường được dùng để ám chỉ các loại đồ điện tử xách tay kém chất lượng, có nguồn nhập từ Trung Quốc qua các cửa khẩu ở Móng Cái, Lạng Sơn và có giá rẻ hơn đến 60 – 70% so với hàng chính hãng. Hàng “dựng” thường là loại đã qua sử dụng, bị hỏng hóc hoặc sản phẩm của công ty sản xuất lỗi tuồn ra thị trường được các thương lái Trung Quốc thu mua sau đó sửa chữa, thay vỏ mới.

Con buôn tại Việt Nam nhập nguồn này, rồi tung ra thị trường dưới cái mác “hàng xách tay” để thu lợi nhuận khủng. “Nếu không phải dân hiểu biết về công nghệ, người mua khó có thể phân biệt được hàng “dựng” và hàng xịn, thị trường điện tử xách tay hiện nay có đến 70% là hàng dựng”, anh T. quả quyết.

Chiếc điện thoại Samsung made by Korea này thực chất là hàng "dựng" vì có dấu nhỏ màu tím đóng giữa main và phần lưng máy. (Ảnh: Nhật Nam)

Theo anh T. , đối với các loại điện thoại xách tay, để phân biệt được hàng dựng và hàng chính hãng, người mua nên quan sát kỹ phần chân sạc, chân cáp của máy. Nếu là hàng dựng sẽ có vế tỳ hoặc vết xước, bên trong điện thoại, ở các ốc vít thường có chữ Trung Quốc, main máy nhìn cũ. Bên cạnh đó, máy dựng nào cũng có một con dấu màu tím, đỏ hoặc xanh đóng giữa main và phần lưng điện thoại.

Hàng fake là loại hàng nhái cao cấp, có giá mềm và giống y như hàng thật, loại này nhan nhản trên thị trường hàng xách tay, dù nhãn mác rõ mồn một là “made in China” nhưng hầu hết các chủ cửa hàng đều biến hóa thành đồ “xịn”, thuê công nhân Trung Quốc gia công.

Vào vai một người muốn lấy hàng xách tay về bán, tôi liên hệ với một con buôn tên L., người chuyên bán sỉ các loại hàng xách tay thời trang. Tới gặp L. tại nhà riêng trên phố Phúc Xá, Hà Nội, đem một đống các loại quần áo, túi xách ra giới thiệu. L tiết lộ với tôi : “Thực ra đây đều là hàng fake, được nhái lại cao cấp, em nên lấy loại này vì giá cả phải chăng, lại dễ bán. Nếu em không nói, đố ai biết đây là fake vì trông giống như thật, kể cả cho sờ hẳn hoi vẫn khó mà phân biệt được”.

(Theo Báo Đất Việt)