Trong khoảng chục năm trở lại đây, Việt Nam nở rộ những toà nhà chung cư cao cấp, cao tầng. Thế nhưng, khi đưa vào vận hành các toà nhà lại khiến nhiều người dân giật mình về chất lượng công trình, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra.

Người giàu cũng khóc

Khi các toà nhà chưa đưa vào khai thác sử dụng, lúc mới còn ở dạng dự án, chưa xây dựng khách hàng khi đến đặt mua căn hộ đều được quảng cáo, hứa hẹn đủ thứ như khu quy hoạch có vườn hoa, khu để xe hiện đại, dịch vụ ưu đãi, giá cả phải chăng. Thế nhưng, thực tế lại ngược lại, các thượng đế nhận được không phải như lời hứa ban đầu. Gạch loại 1 thì biến thành loại 2, loại 3, đồ sứ vệ sinh cao cấp bỗng được thay vào đồ sứ vệ sinh trung bình. Khi nhận được phàn nàn phía chủ đầu tư trả lời thẳng thừng rằng, do biến động về vật giá, chất lượng, diện tích có chấp nhận được thì ở, không thì trả lại họ trả lại tiền.


Phản ánh về tình trạng chất lượng công trình, hình thức dịch vụ tại toà nhà Keangnam Vina (đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội) các hộ dân ở đây tỏ ra bức xúc và cho biết họ đã phải biểu tình, doạ kiện chủ đầu tư vì mức phí dịch vụ quá cao. Cụ thể, phí trông giữ xe ô tô theo tháng 1.462.000 đồng, theo lượt là 20.000 đồng /2 giờ; Phí trông giữ xe máy 104.000 đồng / tháng, theo lượt là 10.000đồng. Phí trông giữ xe máy qua đêm 60.000 đồng, phí dịch vụ 21.000đồng/m2. Đây là mức phí cao nhất Hà Nội hiện nay, ấy thế mà chủ đầu tư Keangnam vẫn kêu lỗ?! Không chỉ vậy, các hạng mục công trình khác như thang máy, trần nhà, thiết bị điện không đảm bảo khiến người dân lo lắng.

Anh Mạnh Linh, ở tầng 18 khu C khu đô thị The Manor cho biết: mang tiếng là chung cư hiện đại vào loại nhất, nhì Hà Nội mà bảng cửa ra vào toà nhà suốt ngày bị kẹt. Gia đình tôi tháng nào cũng đóng 1, 2 triệu đồng tiền phí dịch vụ cho căn hộ hơn 130 m2, cộng thêm tiền gửi 2 xe ô tô gần 2 triệu đồng, tiền điện tính 3.500đồng/số, tiền nước, tiền internet... Tổng cộng mất cả chục triệu đồng mỗi tháng nhưng dịch vụ ở đây cũng chỉ như các chung cư thương mại bình thường khác. Bây giờ giá cả cái gì cũng tăng, tháng nào cũng gánh đủ các loại phí tiền triệu như hiện nay chắc gia đình tôi cũng tính đến phương án cho thuê nhà, dọn sang khu khác ở.

Thiếu đủ thứ

Anh Nguyễn Trọng Hoàng, nhà ở khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, để được sở hữu căn hộ chung cư “cao cấp” với diện tích gần 150m2 (3 phòng và 2 nhà vệ sinh) tôi đã phải bỏ ra khoản tiền gần 2 tỷ đồng. Khi được bàn giao nhà, tôi đã phát hoảng bởi chất lượng của căn hộ. Toàn bộ sứ vệ sinh được lắp đặt không như phía nhà đầu tư quảng cáo ban đầu, tiếp đến là hệ thống khuôn cửa, kính chắn gió đều kém chất lượng. Để sử dụng tôi buộc phải đầu tư khoản tiền lớn để thay thế toàn bộ các trang thiết bị như: trát lại tường nhà, thay thế đồ sứ vệ sinh, hệ thống cửa mới. Những tưởng vốn đầu tư mình bỏ ra sẽ dễ dàng thực hiện nhưng để làm được lại phải trải qua hàng loạt các khâu như phải xin phép ban quản lý toà nhà, kí hợp đồng vận chuyển đồ phế thải xây dựng rồi mới được thực hiện. Khi về ở, các vấn đề phát sinh khác cần sửa chữa cũng đều phải xin phép tổ bảo vệ trông coi toà nhà từng tí một. Điều lạ ở chỗ, mọi thứ mình chấp hành nghiêm chỉnh như vậy nhưng khi hệ thống đèn hành lang bị cháy, sàn lan can bụi bẩn người dân phản ánh thì họ lại không thực hiện cho dù chúng tôi đều đóng phí dịch vụ hàng tháng lên tới hàng triệu đồng. Anh Hoàng cũng cho biết: “Mang tiếng là chung cư cao tầng nhưng chỗ để xe ô tô cũng không có, muốn gửi xe qua đêm tôi đành phải gửi ở bãi gửi xe cách nơi mình ở cả cây số. Đó là chưa kể tới khu khuôn viên cây xanh phục vụ người dân vui chơi, sinh hoạt hàng ngày.

Tương tự, anh Đặng Quốc Hưng nhà ở tầng 11, chung cư cao tầng Trung Yên cho biết: “Mặc dù toà nhà có tầng âm dùng để xe cho các hộ dân sinh sống nhưng để gửi được xe ô tô của mình, tôi phải mang xe gửi ở bãi gửi xe đối diện bên đường với mức giá 1,2 triệu đồng/tháng, còn để có chỗ cho con nhỏ vui chơi giải trí theo tiêu chuẩn quy định đối với toà nhà chung cư quả là điều khá xa vời?!”. 

Cần có chế tài xử lý nghiêm khắc

Đề cập tới tình trạng trên, ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện tại rất khó quy định mức giá trần phí chung cư. Thông tư của Bộ Xây dựng cũng chưa nhắc đến mức chế tài các chủ đầu tư tự ý nâng giá dịch vụ áp dụng mức tính bằng USD nên các cơ quan còn lúng túng. “Do vậy thành phố cần cụ thể hoá các quy định quản lý nhà chung cư và giá dịch vụ đồng thời có các mức chế tài như rút giấy phép kinh doanh, xử phạt đối với các chủ đầu tư không nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật”, ông Liêm đề xuất. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết thêm, để ngăn ngừa, phát hiện việc vi phạm trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương nơi có các chung cư cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm mới có thể hạn chế tình trạng trên.

(Theo Người đưa tin)