Giá vàng đã lên sát 40 triệu đồng/lượng. Chỉ trong một tuần cao điểm giá vàng tăng liên tục, ước tính có tới 3-4 tấn vàng xuất khẩu dưới dạng trang sức thô (như gạt tàn thuốc, dây chuyền cọng to...) nhằm lách thuế.
TIN BÀI KHÁC
Khởi tố cô gái tát CSGT giữa đường
Những người đàn ông đào hoa nhất VN
Đẻ xong, đem con vứt ra sông
Những 'thảm họa' làm khán giả khiếp vía
Ngày 19-7, giá vàng trong nước lập kỷ lục mới 39,75 triệu đồng/lượng, kéo theo
làn sóng mua bán vàng nữ trang từ người dân đến giới kinh doanh (ảnh chụp tại
cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
|
Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu tình trạng xuất vàng tiếp diễn như hiện nay, có thể lặp lại tình trạng sốt vàng như năm 2010 và người dân lại phải “mua đắt, bán rẻ”.
Có dấu hiệu “cạn kiệt”
Ngày 19-7, giá vàng trong nước lập kỷ lục mới: 39,75 triệu đồng/lượng, tuy nhiên các công ty vàng cho biết số vàng thu gom được sụt giảm rõ rệt so với những ngày trước. Theo ông Trần Thanh Hải - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), do những ngày gần đây giá vàng trong nước chỉ diễn biến theo chiều tăng nên tâm lý chung của người giữ vàng là ngưng bán để chờ mức giá cao hơn.
Theo một chuyên gia ngành vàng, thị trường có dấu hiệu khan hàng do gần hai tháng qua các công ty đã đẩy mạnh xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang. Dù các đơn vị kinh doanh đã thu hẹp khoảng cách giữa giá mua - bán vàng còn 50.000-60.000 đồng/lượng nhưng chỉ gom được số lượng vàng hạn chế. Một đầu mối kinh doanh cho biết số vàng xuất khẩu chủ yếu gom từ các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ... được chuyển về TP.HCM để gia công thành vàng 98%. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thu hẹp dần, buổi trưa 19-7 giá vàng trong nước thấp hơn thế giới khoảng 250.000 đồng/lượng, đến 15 giờ chênh lệch còn khoảng 180.000 đồng/lượng.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một số cửa hàng vàng ở TP.HCM cho thấy vẫn có người bán vàng nhưng số lượng không nhiều. Anh Hải (quận 1) đem đến cửa hàng vàng tại chợ Tân Định bán 5 chiếc nhẫn trơn, 2 miếng vàng 2 chỉ. Anh cho biết số nhẫn này đã mua vài tháng trước khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước cấm người dân mua bán vàng miếng, nay thông tin đã rõ ràng, giá lại lên cao nên mang ra bán. Bên cạnh người bán ra cũng xuất hiện rải rác một vài người mua lại, số lượng không nhiều, chủ yếu lướt sóng ngắn.
Chị Kiều, giao dịch tại tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), cho biết đã bán ra cuối tuần trước, ai ngờ vàng tăng quá mạnh, chị thử mua lại 5 chỉ, nếu mai giá vàng tăng nữa chị sẽ bán ra chốt lời ngay vì giá vàng đang ở mức quá nhạy cảm, nếu không mua bán nhanh sẽ lỗ nặng. Một vài người dân cho biết mua vàng buổi sáng khi giá ở 39,55 triệu đồng/lượng, đến chiều đã bán ra lãi 100.000 đồng/lượng.
Một số doanh nghiệp xác nhận xu hướng mua xuất hiện, chiếm khoảng 10% tổng số khách giao dịch, chủ yếu là người có khoản nợ cần trả hoặc lướt sóng ngắn.
Diễn biến giá vàng thế giới và trong nước từ ngày 15-7 đến nay - Đồ họa: NHƯ KHANH - Ảnh: Ng. Khánh |
Tại các cửa hàng, doanh nghiệp vàng bạc trên địa bàn Hà Nội cho đến 15 giờ ngày 19-7, lượng khách đến bán không đông như mấy ngày cuối tuần. Theo đại diện của một số cửa hàng vàng bạc, lượng khách đến bán chủ yếu vẫn là người dân, những nhà đầu tư nhỏ lẻ (bán vài chỉ đến khoảng chục lượng).
Ông Vũ Minh Châu - tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu - cho biết mấy ngày vừa qua khi giá vàng tăng lượng người đến bán chiếm 90%, tuy nhiên đến thời điểm ngày 19-7 dù giá vàng tăng mạnh nhưng lượng người đến bán giảm, chiếm 70%, còn lại 30% là khách đến mua. Nguyên nhân là do người dân có vàng cũng như các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng giá sẽ còn tăng. Theo ông Châu, cách đây mấy hôm khi thời điểm giá vàng bắt đầu tăng mạnh cũng có nhà đầu tư đến bán số lượng lớn. Do khách đến bán nhiều, mà lượng tiền mặt không đủ trả ngay nên cũng có lúc công ty nợ lại khách hàng và sau đó vài giờ khi có đủ tiền thì tiếp tục thanh toán.
17 - Đó là số lần thay đổi giá vàng trong ngày 19-7. Dù giao dịch tẻ nhạt nhưng thị
trường vàng rất sôi động về giá. Công ty SJC điều chỉnh giá vàng 17 lần trong
ngày, trong đó riêng buổi chiều đã điều chỉnh giá đến 11 lần. Sau khi tăng lên
đến 1.610 USD/ounce kéo giá vàng trong nước lên 39,75 triệu đồng/lượng, giá vàng
thế giới quay đầu giảm xuống sát 1.600 USD/ounce. |
Mua hơn 30 lượng vàng từ hồi đầu năm với mức giá 36,1 triệu
đồng/lượng, anh Vũ Văn Long (Cự Đà, Hà Nội) cho biết thấy giá tăng mạnh
nên anh quyết định bán 4 lượng. “Nếu so với gửi tiền tiết kiệm thì mua
vàng để chờ giá lên rồi bán vẫn lãi hơn. Tất nhiên, đầu tư kiểu này cũng
nhiều rủi ro...” - anh Long chia sẻ.
Phân tích tình hình mua bán vàng trong mấy ngày qua, ông Vũ Minh Châu cho
rằng giá vàng trong nước tăng ngoài do tác động của giá thế giới còn một số yếu
tố trong nước góp phần làm cho giá tăng nhanh. Trong đó có một số tập đoàn tài
chính bỏ tiền mua gom vàng để xuất khẩu hoặc chờ thời cơ bán ra kiếm lời và khi
đó thị trường biến động, tâm lý người dân bị kéo theo.
Lo ngại “kịch bản 2010” trở lại
Nhiều công ty vàng cho biết do thị trường khan hàng nên để đủ hàng xuất khẩu đã
phải mua cả vàng trang sức, vàng bóng phân (được phân kim từ nữ trang nên chất
lượng chưa đạt bốn số 9)... để về chế tác thành vàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tại TP.HCM có 6-7 đầu mối xuất khẩu trực tiếp, khối lượng từ 50-150kg/ngày/đơn
vị. Ước tính các đơn vị đầu mối có thể xuất khoảng 800kg/ngày, cao điểm một tuần
qua số vàng xuất khẩu riêng tại TP.HCM có thể lên đến 3-4 tấn.
Số vàng này được xuất dưới dạng vàng trang sức thô như gạt tàn thuốc, dây chuyền
cọng to bằng ngón tay, hình các con vật... tất cả đều bằng vàng 98% nhằm lách
thuế xuất khẩu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc buông lỏng quản lý để các
đơn vị ồ ạt xuất vàng có thể dẫn đến tái phát cơn sốt vàng như cuối năm 2010.
Theo phó tổng giám đốc một công ty vàng, không có chính sách quản lý vàng rõ
nét, người dân không nhận được đầy đủ thông tin, do vậy giá vàng vừa chớm lên đã
ồ ạt bán, tưởng là bán được giá cao, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu lại “ăn
xổi ở thì”, thấy chênh lệch hấp dẫn là lập tức gom vàng xuất khẩu. Theo tâm lý
chung, khi giá vàng chỉ diễn tiến theo chiều lên, những người bán trước đây sẽ
cảm thấy tiếc vì “chốt lời non”, dẫn đến lại mua vàng. Trong khi đó, thị trường
trong nước lại khan hàng do đã xuất khẩu quá nhiều, dẫn đến giá vàng trong nước
cao hơn giá vàng thế giới, kích thích hoạt động nhập lậu, tạo ra vòng luẩn quẩn
và làm ảnh hưởng đến tỉ giá. Kịch bản này đã xảy ra trong năm 2010, khi đó giá
vàng trong nước có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới 2 triệu đồng/lượng.
Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết nơi này vừa có công văn gửi Bộ Tài
chính đề nghị xem xét áp thuế xuất khẩu 10% với vàng nữ trang xuất khẩu có hàm
lượng vàng từ 80% thay vì 99% như quy định trước đó.
(Theo Tuổi Trẻ)
Bà Nguyễn Thị Cúc (phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ):
Không ảnh hưởng đến đời sống người dân Trước kia giá vàng tăng là mọi thứ tăng theo do mọi tài sản lớn bé đều được định giá bằng vàng, nhưng nay mọi thứ đã quy ra tiền đồng hoặc USD. Do vậy vàng có tăng nữa cũng không ảnh hưởng gì đến giá cả trên thị trường vì giá vàng không nằm trong rổ hàng hóa dịch vụ để tính chỉ số giá tiêu dùng. Với giao dịch nhà đất, người dân cũng đã chuyển qua rao bán bằng VND để dễ bán hơn. Chỉ trừ một số nhà phố ở những quận trung tâm người bán mới định giá bằng vàng nhằm bảo toàn vốn. |