Về việc các trang điện tử được cấp phép của Bộ văn hoá thông tin đăng tải tràn lan các thông tin về sản phẩm "sex toy", đại diện truyền thông của trang chodientu, eBay thừa nhận là do lỗi kỹ thuật.


TIN BÀI KHÁC


Mới đây, khi VietNamNet có đăng tải bài "Chợ sung sướng online rầm rộ rao hàng" phản ánh thực trạng rao bán tràn lan các sản phẩm kích dục của các website chodientu.xx và eBay.xx, ngày 5/8, ban lãnh đạo Công ty PeaceSoft - đơn vị quản lý 2 website trên thông báo: Đã lập tức gỡ bỏ các thông tin này và gửi lời xin lỗi đối với khách hàng về sự cố nêu trên.

Được biết, eBay và chodientu đều là website được sự quản lý của PeaceSoft. Website eBay.xx chủ yếu bày bán các sản phẩm có mặt ở thị trường thế giới, không có hoặc không sản xuất tại Việt Nam. Nếu muốn mua, khách hàng phải đặt ở nước ngoài mang về. Còn chodientu là trang web kinh doanh trong nước và đặt hàng mua trong nước.
Những sản phẩm nhạy cảm này, bên dưới được gắn thêm một số cảnh báo với khách hàng (Ảnh: GDVN)

Trả lời trên báo Giáo dục Việt Nam, bà Cồ Thị Minh Huyền, Phụ trách truyền thông của Công ty PeaceSoft – đơn vị chủ quản của 2 website chodientu và eBay cho biết: Các sản phẩm của eBay.xx đều được tải từ eBay.com của Mỹ, và 3 website eBay.xx, chodientu.xx , eBay.com đều kết nối song song với nhau.

Chính vì thế, khi search một sản phẩm nào đó trên chodientu không có, hệ thống sẽ chủ động tìm kiếm trên eBay. Do bộ lọc chưa chuẩn, nguyên tắc của việc lọc là tìm theo từ khoá, nghiêm cấm các sản phẩm đồi trụy, “mặt hàng cấm”,… bằng cách chặn từ khóa. Tuy nhiên, sản phẩm cần lọc thì quá nhiều nên nhiều từ vẫn bị sót, lọt.

Bà Huyền phân trần: "Ví dụ, chặn từ khóa “sextoy” nhưng nếu người ta đặt bằng một cái tên khác thì rất khó quản lý".

Hiện tại, PeaceSoft đã thêm khung thông tin cảnh báo và tuyên bố trách nhiệm bên dưới với nội dung những sản phẩm "nhạy cảm": “Sản phẩm được liệt kê tại eBay.xx là hàng hóa của người bán trên toàn thế giới đăng bán tại mạng lưới eBay toàn cầu và tuân thủ luật pháp tại các quốc gia đó, eBay Việt Nam KHÔNG sở hữu và/hoặc trực tiếp bán hàng mà chỉ hỗ trợ mua hộ & vận chuyển về Việt Nam những sản phẩm ĐƯỢC PHÁP LUẬT CHO PHÉP”.

Tuy nhiên, một số hướng dẫn đi kèm với những "sản phẩm nhạy cảm" này lại khiến nhiều khách hàng lầm tưởng rằng sản phẩm này vẫn được bán và có thể mua được bằng vài thao tác click chuột đơn giản.

Ví dụ như, dòng xem hướng dẫn mua hàng lại được đặt ngay dưới sản phẩm được cho là bị cấm cùng với thời gian có giao hàng sớm nhất, sản phẩm tính đô la Mỹ nhưng bên cạnh quy đổi ngay ra Việt nam đồng để cho khách hàng thuận tiện giao dịch?...

Chừng nào, những sản phẩm được cho là "thần dược phòng the" dù dưới hình thức nào đi nữa vẫn được len lỏi vào các website thì người tiêu dùng với bản tính tò mò sẽ vẫn sẽ được "dẫn lối chỉ đường" để tìm vào.


Mẫn Chi (tổng hợp)