Họ ra đi lúc nửa đêm và trở về lúc trời tờ mờ sáng với 20kg cào cào buộc đằng sau xe. Mỗi kg có giá từ 30-50.000 đồng, mỗi đêm họ kiếm được ngót triệu bạc. Tính ra mỗi tháng thu nhập từ nghề săn cào cào lên đến vài chục triệu đồng.
 
 
Cào cào là món ăn không thể thiếu của một bộ phận người dân xã Nghi Kim, Tp Vinh
 
Chưa thể gọi tên một cách chính xác, tôi tạm gọi công việc săn cào cào của người dân xã Nghi Kim (TP Vinh, Nghệ An) là một nghề. Mà nó cũng xứng đáng được gọi là nghề thật bởi đã có lịch sử hình thành và phát triển gần một thế kỷ. Cái công việc nghe có vẻ lạ đời này đã cùng những người dân nghèo nơi đây vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của cái thời kỳ đói ăn, đói mặc. Giờ đây, mỗi năm vẻn vẹn 2 tháng nhưng trên mâm cơm của nhiều nhà dân không thể thiếu món ăn chế biến từ những con cào cào béo ngậy.
 
 Nghề “sống” về đêm
 
 Chẳng ai nhớ cái nghề săn cào cào có từ bao giờ nhưng cứ đều đặn mỗi năm 2 tháng, vào tháng 7-8 dương lịch, hàng trăm người dân các xóm 6, 7, 8 và 11 xã Nghi Kim tay bì tay sào lên đường đi săn cào cào.
  
 Cụ Thìn năm nay cũng phải ngót 80 tuổi, xách bịch cào cào nửa cân vừa mua nở nụ cười tươi rói hở hết hàm răng đã rụng mất 2 chiếc, cho tôi biết: “Nỏ (không) nhớ nghề ni có từ khi mô (nào) nữa, từ khi tui còn nhỏ đã ăn cái món ni (này). Giờ răng yếu rồi nhưng bữa cơm không có mấy con cào cào rim chua ngọt là cũng không muốn ăn”.
  
 Không ai đếm chính xác có bao nhiêu người đi săn cào cào, bởi có lúc chỉ chục người nhưng cũng có thời điểm cả làng kéo nhau đi. Dụng cụ để đi “săn” cũng đơn giản lắm, một chiếc sào tre hoặc nứa dài chừng 3m gắn một cái móc bằng sắt, vài cái bao tải đục những lỗ nhỏ cho cào cào khỏi chết ngạt hoặc mấy cái can dầu loại 5lít. Thế là lên đường.
  
Thực ra cũng có thể đi săn cào cào vào ban ngày nhưng loài cào cào tinh ranh, hễ thấy động là thi nhau nhảy loạn xạ, “thợ săn” cũng phải chạy bở hơi tai mới bắt được. Bởi vậy lựa chọn số một vẫn là đi săn vào ban đêm, trong chuyến hành trình này, đồ nghề của các “thợ săn” nhất thiết phải có cái đèn pin.
 
 Anh Ngô Long - một trong những thợ săn cào cào cừ khôi xóm 7, xã Nghi Kim cho biết: “Chúng tôi chỉ bắt loài cào cào xanh, còn gọi là cào cào rú, cỡ to bằng ngón tay cái, mỗi cân cũng chừng 110-120 con. Giống cào cào này sống chủ yếu ở vùng đất cát, trên các cây phi lao hoặc cây sắn. Đầu mùa thì kéo nhau xuống bãi phi lao Cửa Lò, giờ thì sang huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Thời điểm này, đi mỗi đêm cũng bắt được chừng 2 yến, hôm cao điểm cũng được 3 yến”.
 
Tôi nhẩm tính, với giá hiện tại 30.000 đồng/kg loại chưa vặt cánh, 40-50.000 đồng/kg loại đã sơ chế thì mỗi đêm vợ chồng anh Long cũng bỏ túi chừng 1-1,5 triệu đồng. Tuy nhiên những người săn cào cào về bán như anh Long chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại chủ yếu bắt ngày vài kg làm thức ăn.
 
Xòe bàn tay đen xì đầy vết xước, anh Ngọc - một “đồng nghiệp” của anh Long (xóm 6, Nghi Kim), nói: “Đừng tưởng làm cái nghề này đơn giản. Thợ săn cào cào lành nghề phải hội tụ đủ các phẩm chất: chịu khó, tỉ mỉ và phải hết sức khéo léo. Săn vào ban đêm được cái là cào cào không nhìn thấy gì nên không bay. Chọn được cành cây nặng trĩu cào cào đang say ngủ, nhẹ nhàng dùng sào vít xuống rồi tha hồ mà nhặt. Tuy không bay nhưng khi bị tóm, các chú cào cào mới búng càng loạn xạ. Những móc nhỏ xíu nơi càng tỉa vào lòng bàn tay. Lúc đó chẳng thấy thấm vào đâu nhưng giờ thì tay ai cũng chi chít vết xước và đen nhẻm thế này đây”.
  
Không những thế, thợ săn cào cào luôn phải thường trực trên quần áo thứ mùi tanh nồng của nhựa cào cào, thứ mùi mà dẫu có đứng xa mấy mét vẫn xộc vào mũi người đối diện.
 
Những người săn cào cào đêm nhiều khi cũng phát hoảng bởi vít được cành cây trĩu cào cào xuống, giơ tay ra bắt thì tá hỏa bởi một chú rắn đang ngóc đầu ngó nghiêng. Gặp những vị khách không mong muốn như thế, tốt hơn hết là nhẹ nhàng thả cành cây ra tìm một cây khác để tiếp tục cuộc đi săn.
 
Ra đi lúc 12h đêm, thợ săn về đến nhà lúc trời vừa tờ mờ sáng khi cái bì đã lưng lửng đầy để kịp cho buổi chợ. Cái chợ cóc nơi ngã tư đường liên xóm bỗng tấp nập hẳn lên khi hai người phụ nữ hẩy hai bao tải đựng cào cào xuống đất. Bên cạnh đặt cái xô nhựa to, hai người phụ nữ thoăn thoắt vặt cánh cào cào rồi bỏ vào. Khoảng chục người vây xung quanh, chưa đến 9h sáng, 4 yến cào cào đã hết veo.
  
Chị Hằng, vợ anh Long giải thích: “Ở đây chúng tôi chỉ bán cho người trong làng, trong xã thôi chứ ít khi bán cho các quán nhậu lắm. Nghe bảo ngoài Hà Nội người ta bán mấy trăm nghìn một đĩa đấy”.
 
Mùa săn cào cào kết thúc khi cào cào đẻ trứng và chết đi. Và món cào cào cũng vắng bóng trên các mâm cơm khi cào cào có máu (khi bị bắt, miệng cào cào ứa ra một chất lỏng màu xanh, người dân ở đây gọi đó là máu cào cào), từ thời cha ông đã như vậy nên cũng chẳng ai thắc mắc làm gì.
 
“Tôm bay” - món ăn cũng lắm công phu
 
 Người dân nơi đây vẫn truyền nhau câu cửa miệng “Ân rượu nếp, Kim tôm bay” ấy là để nói về các “đặc sản” của 2 xã này. Nếu như xã Nghi Ân (Tp Vinh) nổi tiếng với món rượu nếp thì Nghi Kim nổi tiếng với món cào cào chua ngọt. Cũng lạ là chỉ chỉ có người dân Nghi Kim mới dám ăn và gọi với cái tên rất sang trọng: Tôm bay. Từng đó cũng đủ hiểu món cào cào này ngon như thế nào rồi.
 
Cụ Thìn chép miệng: “Hồi xưa dân ở đây nghèo lắm, chẳng có chi mà ăn. Đói miết, người dân đành bắt cào cào về rang, cho thêm tý mắm, tý muối vào ăn với cơm. Hồi đó, nước mắm, mỳ chính làm chi có, người ta lấy nước dưa, nước cà muối rim với cào cào. Vừa đỡ mắm muối, cào cào lại dai, dòn. Giờ thì khác rồi, làm được đĩa cào cào mà ăn cũng công phu lắm”.

 
 Sau mỗi đêm đi săn cào cào, chị Hằng cũng bỏ túi từ 1 -1,5 triệu đồng
 
Cào cào vặt hết cánh, bỏ chân, hai cái càng và đầu, rút bỏ ruột chỉ chừa lại phần ức, đuôi và hai cái đùi, cho vào nước muối ngâm rửa sạch cho bớt mùi tanh. Vớt cào cào ra để cho ráo nước rồi cho vào luộc. Nước luộc phải cho thêm tý muối, mỳ chính, để sôi chừng 5 phút cho ngấm rồi vớt ra.
 
Cho cào cào lên chảo gang đảo đều tay đến khi cào cào vàng đều thì xúc ra rổ để nguội. Phi hành mỡ, sả thật thơm, bỏ cào cào lên xào, nêm mắm, muối vừa đủ. Khi cào cào cháy cạnh thì xúc ra bát, đổ toàn bộ dầu vừa xào đi. Phi hành mỡ, sả bỏ cào cào lên xào một lần nữa, thêm một chút hạt tiêu, bột nêm rồi xúc ra mâm. Rải thêm vài thìa đường, lá chanh thái sợi, vắt nước chanh lên đảo đều cho đường ngấm là có một đĩa mồi nhậu hết ý. Những con cào cào vàng rộm, béo ngậy, thơm phức, bỏ vào miệng cảm giác như tan đầu lưỡi.
 
“Cào cào đầu tháng 8 là ngon nhất, lúc này mưa lắm, lộc nhiều, lại mùa cào cào mang một bụng trứng, béo lắm. Vả lại cào cào chỉ ăn lá non nên rất lành”, ông Chân - xóm 7 cho biết. Cũng chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu hàm lượng chất dinh dưỡng có trong cào cào nhưng với người dân nơi đây, cào cào đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu dù đời sống đã khấm khá hơn trăm lần so với cách đây ngót thế kỷ. Thời điểm này, nhiều nhà dân ở đây chẳng cần phải chợ búa gì, cứ ra ngã tư, xách về một túi cào cào là coi như lo xong thức ăn cho bữa cơm gia đình. Vào mùa cào cào, có nhà còn rim 5-6 cân rồi đóng gói cẩn thận gửi đi nơi khác làm quà cho người thân.
 
Cái nghề chẳng giống ai này là niềm tự hào của không ít người dân nơi đây. Vừa cải thiện bữa ăn, vừa được coi là “nghề xóa đói giảm nghèo” lại góp phần bảo vệ cây cối khỏi nạn cào cào phá hoại mà không cần phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.
 
(Theo Dân trí)