Ông được người dân ở đây mệnh danh là "sư phụ" trong nghề trồng sanh.

TIN BÀI KHÁC


Đó là lão nông Võ Tàu, ở thôn Tân Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Ông được người dân ở đây mệnh danh là "sư phụ" trong nghề trồng sanh. Nhờ sớm biết giá trị cây sanh, nên giờ đây kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá.

Lão nông "gàn"...

Chăm sóc cây cảnh là công việc hằng ngày của ông Tàu
Đến thôn Tân Thành, xã Hành Nhân hỏi đến ông chín Tàu (tên thường gọi của ông Võ Tàu) thì hầu như người dân ở đây ai cũng biết. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến nhà ông là nhìn đâu cũng thấy sanh. Hàng ngàn gốc sanh bao quanh căn nhà cấp bốn. Sanh trong vườn, sanh trước sân nhà và sanh "lấn" ra cả ngoài đường. Đang chăm cây ngoài vườn, thấy có khách, ông niềm nở mời chúng tôi vào nhà.

Trò chuyện với chúng tôi ông cho biết: Để có vườn sanh như ngày hôm nay ông phải mất hơn 30 năm để gầy dựng nên. Cây sanh mấy năm trở lại đây được nhiều người chuộng nên có giá. Chứ như hơn chục năm trước cây sanh không ai mua. Thế nên, khi thấy ông phá vườn chuối lùn hơn 5 sào đang đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình để trồng sanh, nhiều bà con hàng xóm nhìn vào bảo ông là lão "gàn", nghèo mà chơi sang, bày vẽ chơi cây cảnh. Ngay cả vợ ông cũng không đồng tình.

Mặc cho nhiều người “nói ra nói vào” ông vẫn kiên định với niềm đam mê của mình. Ông lặn lội đến những vườn cây cảnh, nghệ nhân học hỏi kinh nghiệm về ứng dụng vào vườn cây của mình. Với lòng đam mê, lại có đầu óc, bàn tay khéo léo, ông chăm chút, tạo dáng cho các loại cây cảnh của mình. Với ông mỗi cây cảnh là một "đứa con tinh thần".

Sau bao nhiêu năm lăn lộn cùng với cây sanh, bây giờ mảnh vườn hơn năm sào của ông chật kín cây sanh. Mỗi cây mỗi thế khác nhau. Cây nhỏ nhất cũng 4-5 năm tuổi, cây lớn nhất cũng đã trên 30 năm tuổi. Ông Tàu cho biết: So với nhiều loại cây trồng khác thì cây sanh rất dễ trồng, mà bây giờ thì hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với các cây trồng khác.

...và vườn sanh tiền tỷ

Sau bao năm vất vả, cây sanh đã không phụ lòng ông. Hiện nay thú chơi sanh đang "sốt" lên từng ngày. Nghe danh của ông, từ mấy năm nay ngày nào cũng có nhiều tay chơi cây cảnh không chỉ trong tỉnh, mà cả những vùng lân cận tìm đến mua cây và ra giá tiền triệu mỗi gốc. Với giá bán từ 5-7 triệu đồng/cây.

Bình quân mỗi ngày ông Tàu bán được 5-6 cây, thu về hàng chục triệu đồng. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc bán cây sanh. Vì trồng gối đầu với nhau, nên vườn của ông không bao giờ thiếu cây. Ông khoe với chúng tôi: Nhiều công ty đến đây mua với số lượng lớn để về trồng đấy!

Vợ ông cười tươi: Lúc trước cây sanh không có ai mua, mà thấy ổng cứ ngày nào cũng hết trồng rồi lại tỉa cành, làm chậu mình cũng lo lắm. Nhưng thấy ổng mê quá, nên thôi để ổng làm. Nhờ ổng "liều" mà cuộc sống gia đình tôi giờ khá lên nhiều. Mấy đứa con được ăn học tử tế, giờ tất cả đều lập nghiệp ở TP. HCM. Chỉ vườn sanh, ông Tàu bảo với chúng tôi: "Đã có nhiều người đến gạ mua cả vườn sanh hơn cả tỷ đồng, nhưng tôi không bán".

So với những đại gia chơi cây cảnh thì con số tiền tỷ là chuyện bình thường. Nhưng đối với những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, thì con số tiền tỷ là cả một gia tài quả thật là quá lớn. Thấy vườn sanh của ông "hái" ra tiền, nhiều người ngưỡng mộ ông. Không ít người tìm đến ông để "tầm sư học đạo". Ông đều tận tình chỉ dẫn từ cách trồng đến cách chăm sóc... Nhiều gia đình ở Hành Nhân cũng nhờ trồng sanh mà thoát nghèo, phong trào trồng sanh ở đây ngày càng nở rộ.

Với mô hình phát triển kinh tế của mình, ông được vinh danh là một trong những hộ nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh 10 năm liền.

(Theo Quảng Ngãi online)