(VEF.VN) - Xuất siêu tháng 7 liệu có phải là tín hiệu đáng mừng khi mà bản chất thực sự chỉ là do tái xuất vàng bỗng tăng đột biến, gấp tới 64 lần? Các chuyên gia cảnh báo, đừng nên chủ quan và coi đó là thành tích.  

Nhờ vàng, Việt Nam bỗng xuất siêu


Thông tin chính thức từ cơ quan hải quan về số liệu xuất nhập khẩu tháng 7 mới đây cho thấy, Việt Nam đã xuất siêu tới 1,1 tỷ USD. Đó quả là con số khác thường. Tính từ năm 1992 đến nay, đây là lần thứ 3 Việt Nam xuất siêu. Trong hơn 20 năm mở cửa, nhập siêu là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế Việt Nam và tiếp diễn triền miên thì việc bất ngờ xuất siêu đã trở thành chuyện hiếm và thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu.

Cụ thể, tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt tới 9,3 tỷ USD, tăng 10% so với tháng 6 và tăng tới 53% so với cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 7 lại giảm 4,6% so với tháng 6 và chỉ tăng 15% so với cùng kỳ, chỉ đạt 8,221 tỷ USD.

Đều đặn trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn nhập siêu như thường lệ và tháng nhập siêu gần nhất là tháng 6, ở mức 160 triệu USD. Việc tháng 7 cán cân thương mại bỗng đảo chiều chuyển sang có 1,1 tỷ USD xuất siêu là hiện tượng rất ngoạn mục.

Tuy nhiên, điều đó lại không có gì lạ!

Nguồn gốc của xuất siêu được dư luận nghĩ ngay tới là vàng. Trên thực tế, hàng tấn vàng xuất khẩu qua biên giới, nhất là vàng trang sức đã rầm rộ suốt 3 tháng nay khi giá vàng thế giới liên tiếp tăng cao.

Soi kỹ trong bảng thống kê của Tổng cục Hải quan, có thể thấy, hầu hết các nhóm hàng hóa đều duy trì tốc độ xuất khẩu như bình thường. Chỉ có vàng là trỗi dậy bất thường.

Thứ kim loại đắt tiền này tăng tốc đột biến. Nếu như trung bình 5 tháng đầu năm, nhóm này chỉ xuất kim ngạch là 79 triệu USD/tháng thì tháng 6, tái xuất vàng đột biến tăng lên với kim ngạch xuất 806 triệu USD và tháng 7, lập tiếp kỷ lục là 1,115 tỷ USD.
Xuất khẩu vàng tăng khiến VN xuất siêu.

Riêng tháng 7 này, kim ngạch tái xuất vàng đã xấp xỉ cả kim ngạch của 6 tháng đầu năm. So với cùng kỳ tháng 7/2010, kim ngạch tái xuất vàng của tháng 7 vừa qua tăng tới 64 lần!

Nhìn lại số liệu của 3 tháng đầu năm, việc xuất khẩu kim loại quý cũng thường rất ít, chỉ dao động từ 14- 25 triệu USD.

Tuy nhiên, đồng thời với vàng, dầu thô xuất khẩu cũng là một mặt hàng tăng cao đáng chú ý. Tháng 7, dầu thô đã xuất khẩu đạt 847 triệu USD, tăng tới 70% về lượng và 75% về giá so với tháng 6. Nếu so với cùng kỳ năm 2010, dầu thô tăng 83% về lượng và tăng gấp tới 3 lần về giá trị, đạt 2,9 tỷ USD.

Một số mặt hàng cũng tăng trưởng ấn tượng nhưng giá trị kim ngạch không cao như xăng dầu, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2010... Việc thu gom ồ ạt của tiểu thương Trung Quốc đối với thủy sản, rau quả của Việt Nam dường như cũng không có tác dụng ở con số tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản nói chung. Vì nhóm này trong tháng 7 cũng chỉ tăng 10% so với tháng 6 và tăng 16% so với cùng kỳ, không phải là tốc độ ấn tượng.

Nhập khẩu của Việt Nam giảm tốc mạnh và một số ý kiến cho rằng, có thể xuất siêu có được nhờ chính sách hạn chế nhập khẩu của Bộ Công thương. Đó là việc áp dụng các giải pháp kiềm chế nhập khẩu 4 mặt hàng là ôtô, điện thoại di động, rượu, mỹ phẩm từ tháng 6. Chẳng hạn như nhập khẩu của ôtô nguyên chiếc 9 chỗ tháng 7 đã giảm tới 15,8% về giá trị và 16,7% về lượng so với cùng kỳ năm 2010. Đặc biệt, so với tháng 6, tháng 7 bắt đầu “ngấm” biện pháp Thông tư 20, kim ngạch ôtô nhập khẩu giảm kỷ lục tới 51,2%. Tuy nhiên, giá trị tuyệt đối không đáng kể, chỉ có giảm từ 59 triệu USD xuống 29 triệu USD.

Nói cách khác, vàng đã ôm trọn kết quả xuất siêu của thương mại Việt Nam.

Điều đáng lưu ý là, nếu không tính yếu tố tái xuất vàng, trong tháng 7, Việt Nam vẫn nhập siêu nhưng con số cực kỳ khiêm tốn, chỉ là 13 triệu USD. Khi cộng cả kim ngạch vàng, tính chung 7 tháng đầu năm, con số nhập siêu của Việt Nam chỉ còn 5,412 tỷ USD, tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu 10,31%.

Ba lần xuất siêu vẫn chưa thể mừng

Xuất siêu chỉ mang ý nghĩa tích cực khi mà con số này đi đôi với với việc tăng trưởng xuất khẩu bằng số lượng tăng, giá trị cao, quy mô thị trường được mở rộng và điều kiện kèm theo là tỷ giá ngoại tệ không thay đổi.

Chia sẻ với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - báo VietNamNet, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế - xã hội Hà Nội, nói ngay: “Khi xuất siêu nhờ vào vàng thì đó không phải là chỉ số tích cực phản ánh được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Đó chỉ là con số có được nhờ lợi thế chênh lệch về giá, vàng trong nước rẻ hơn giá vàng thế giới mà thôi. Xuất siêu chỉ ổn định bền vững nếu dựa trên sức cạnh tranh thực chất. Do đó, không nên coi đây là thành tích”.

Trên thực tế, vàng là thứ hàng hóa đặc biệt và việc buôn bán vàng còn mang tính đầu cơ, chộp giật. Vàng không phải là sản phẩm hàng hóa dựa trên một nền sản xuất công nghệ cao, có hàm lượng giá trị chất xám hay tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. 

Theo các chuyên gia kinh tế, vì nền tảng của xuất siêu dựa trên một mặt hàng rủi ro, không ổn định như vậy nên hiện tượng xuất siêu tháng 7 đơn giản chỉ là nhất thời.

Nhìn lại hai lần xuất siêu của Việt Nam trước đây thì chưa lần nào được cho là đáng mừng cả. Năm 1992, Việt Nam chỉ xuất siêu 40 triệu USD. Thời kỳ này, nền kinh tế Việt Nam mới bắt đầu mở cửa nhưng nền sản xuất trong nước lại chưa tăng trưởng mạnh đến mức phải nhập khẩu nhiều. Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã trong khi đây lại là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam ở thời kỳ này. Vì vậy, xuất siêu của năm 1992 do khách quan hơn là chủ quan tăng trưởng bên trong.

Lần thứ hai, xuất siêu bất ngờ “xuất hiện” ở quí I năm 2009 với con số 1,64 tỷ USD. Tuy nhiên, lý do của hiện tượng này lại buồn nhiều hơn vui, đó là việc nhập khẩu sụt giảm thê thảm vì suy giảm kinh tế, sản xuất trong nước đình trệ. Giai đoạn này, chỉ có 9 nhóm hàng xuất khẩu là tăng trưởng dương. Sự tụt dốc nhập khẩu nhanh và sâu hơn xuất khẩu nên dẫn tới kết quả là dương xuất khẩu.

Rốt cục, cả năm 2009, Việt Nam vẫn nhập siêu tới hơn 12,8 tỷ USD và xuất khẩu thì âm 13%.

Trở lại câu chuyên xuất siêu tháng 7, nhiều ý kiến cho rằng chẳng có gì đáng bàn sâu. Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhập khẩu tới 5 tấn vàng. Không khó để sớm đoán định rằng, sang tháng 8, cán cân thương mại Việt Nam có thể quay trở lại nhập siêu như cũ.

Các nhà hoạch định chính sách đều tỉnh táo nhìn nhận vấn đế này và sẽ không có chuyện buông lơi việc kiểm soát nhập khẩu.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vàng sang Thụy Sĩ, Nam Phi, Austrailia. Tháng 1, nhóm đá quý và kim loại quý xuất khẩu đạt 24 triệu USD, tháng 2: 14 triệu USD, tháng 3 là 25 triệu USD, tháng 4: 86 triệu USD, tháng 5 là 242 triệu USD, tháng 6: 806 triệu USD và tháng 7: 1.115 triệu USD.

Phạm Huyền