VEF.VN) - Ngân hàng Nhà nước đã phát đi những thông điệp để giải quyết các “cơn sốt” vàng trước mắt và ổn định thị trường vàng lâu dài. Có vẻ như thách thức về vàng, đi kèm với tỷ giá “ập” đến với tân Thống đốc đang được dần tháo gỡ.
Đồng bộ
Trong thời gian qua, nhiều biện pháp để bình ổn thị trường vàng đã được thực thi. Đầu tiên là tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức lên 10% đối với các loại vàng thành phẩm có hàm lượng vàng từ 80% trở lên để hạn chế ‘lách luật’ xuất khẩu vàng. Sau đó, khi thị trường lên cơn sốt, bị làm giá với nhiều thông tin cho rằng thiếu nguồn vàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẵn sàng cho phép nhập khẩu vàng khi cần thiết để bình ổn thị trường.
Thực thi điều này, Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu vàng cho một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, đồng thời, yêu cầu các đơn vị này phải khẩn trương bán vàng ra thị trường để tăng nguồn cung, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Thực tế, điều này đã phát huy tác dụng ngay tức thì, đưa giá vàng trong nước về ngang giá thế giới. Thậm chí, trong diễn biến mới nhất, đại diện NHNN cho biết, sẽ cho nhập khẩu vàng không giới hạn đủ để can thiệp mạnh thị trường.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho biết sẽ sử dụng những giải pháp mang tính thị trường để bình ổn giá vàng trong nước. NHNN không độc quyền can thiệp mà có sự tham gia của SJC cùng những doanh nghiệp kinh doanh vàng khác. Việc can thiệp thị trường vàng sẽ không dựa hoàn toàn vào việc nhập khẩu mà NHNN sẽ có hàng loạt công cụ mang tính thị trường khác đi kèm. Mục tiêu là nhằm giảm tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Lãnh đạo ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: “Sẽ có hàng loạt biện pháp nhằm tăng tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế theo quan điểm có nhập, có xuất”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, không có chuyện thua lỗ trong đợt nhập vàng vừa qua. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ cho nhập khi thấy xu hướng còn lên. Trong số quota 5 tấn đã cấp, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 3 tấn.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước tin rằng, thời gian tới, hoàn toàn có thể kiểm soát để đảm bảo diễn biến của giá vàng trong nước theo sát giá vàng quốc tế, chống đầu cơ, làm giá ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Ảnh: Phạm Hải
Tham khảo các giải pháp đã đề của Ngân hàng Nhà nước, một số chuyên tỏ ra rất đồng tình với quan điểm cho phép xuất nhập bình thường đối với vàng. Đây là điều quan trọng để đảm bảo liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế. Từ đó, cùng với các biện pháp hỗ trợ khác mới có thể chấm dứt được nạn làm giá, đầu cơ gây sốt vàng bất hợp lý.
Theo các chuyên gia, thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng xuất khẩu vàng. Đây là xu hướng tất yếu khi giá trong nước thấp hơn giá thế giới, và thị trường trong nước không thể tự giải quyết tiêu thụ hết lượng cung vàng đang chờ bán ở thế áp đảo. Vì thế, khó có thể nói bán vàng thời gian qua là bị “hớ”.
Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng cần xem việc xuất nhập khẩu vàng là chuyện bình thường. Trên thị trường vàng thế giới, bất cứ lúc nào muốn mua/bán, đối tác nước ngoài, luôn sẵn sàng chào giá hai chiều.
Đối tác nước ngoài đã bán vàng cho ta từ lúc giá vàng còn ở mức vài trăm USD/ounce cho đến vài nghìn USD/ounce, và bây giờ nếu ta muốn nhập khẩu thì họ vẫn sẵn sàng bán cho dù có dự đoán giá sẽ tăng đến 2.000 USD/ounce.
Như thế, khó có thể nói xuất khẩu vàng bị “lỗ” và càng khó có thể nói cầm xuất vàng thì thi trường sẽ ổn.
Vàng ở Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu, giá cả phụ thuộc vào giá thế giới. Vì thế, cần có một sự liên thông để đảm bảo giá cả được cân bằng và bám sát với giá thế giới.
Hơn thế, khi thị trường liên thông, giá cả ổn định thì tích trữ đầu cơ giảm; cả việc tham gia xuất nhập vàng để kiếm lợi cũng bị không còn nhiều vì nhu cầu giảm, còn chênh lệch giá không còn để có thể kiếm lãi từ xuất nhập.
Nói về điều này, chuyên gia kinh doanh vàng từ một ngân hàng cổ phần cho rằng chắc chắn sự mất liên thông hoặc lệch pha giữa giá trong nước và giá thế giới sẽ không thể dứt và cần có sự thay đổi triệt để trong quản lý xuất nhập khẩu vàng.
Tuy nhiên, mục tiêu liên thông giá sẽ khó đạt được nếu không xem xét tháo dỡ cơ chế quota/thuế suất và tư duy “được - mất ngoại tệ” đối với xuất nhập khẩu vàng. Và chúng ta có thể hy vọng thay đổi điều này từ những thông điệp mới đây của Ngân hàng Nhà nước để tạo sự liên thông trên thị trường.
Niềm tin
Trong các biện pháp dài hạn để bình ổn thị trường vàng sắp tới, Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh, ổn định tỷ giá cũng sẽ là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá quốc tế.
Ở Việt Nam, vàng đang tồn tại như một loại tài sản tài chính được xem là an toàn nhất. Cũng như trên thế giói, vàng đặc biệt được ưa chuộng khi kinh tế biến động, lạm phát cao và đồng tiền mất giá... Nói đúng hơn, khi niềm tin về triển vọng kinh tế lung lay, người ta đặt niềm tin vào vàng.
Không những thế, ở Việt Nam, vàng có một vai trò quan trọng trong đời sống, văn hóa. Nó là tài sản tích trữ yêu thích là công cụ bảo hiểm đối với lạm phát và những bất ổn kinh tế khác. Thậm chí, vàng còn là một kênh đầu tư sôi động của các cá nhân với một thị trường khá dễ dãi về quản lý.
Vì thế, thay vì cấm đoán và quản lý hành chính thì cần tính cách sống chung. Hơn thế, cần có cách để vận động và khai thác khối tài chính lớn này trong dân, tạo niềm tin đề người dân sẵn sàng chuyển hóa vàng để đầu tư sản xuất.
Và như thế, phải tạo niềm tin cho người dân vào VND và ổn định tỷ giá VND/USD như khẳng định của Ngân hàng Nhà nước.
Ở Việt Nam VND luôn được so sánh với vàng và USD. Vì thế, một khi tỷ giá được ổn định thì thị trường vàng cũng có thêm cơ sở để bình ổn, niềm tin của người dân được củng cố.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 tỷ đến 4,5 tỷ USD. Xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, kiều hối tăng mạnh và tiếp tục duy trì chiều hướng tăng trong những tháng cuối năm.
Giá trị, vị thế của đồng Việt nam đã được củng cố. So sánh tương quan giữa nắm giữ, đầu tư bằng VND và ngoại tệ cho thấy ưu thế nghiêng hẳn về phía VND. Dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng lên đáng kể, dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống.
Các phân tích nêu trên cho thấy hoàn toàn có cơ sở kinh tế để đảm bảo ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm 2011.
Như thế, dưới góc độ tỷ giá, phần nào đã có được sự kỳ vọng về ổn định. Tuy nhiên, để tỷ giá ổn định một cách thực chất thì lạm phát đang là cả một thách thức.
Với tình cảnh hiện nay, giảm lạm phát không chỉ là nền tảng để cân đối vĩ mô, đảm bảo đời sống người dân mà quan trọng là đảm bảo niềm tin cho người dân.
Rõ ràng, một thị trường ổn định đòi hỏi những biện pháp đồng bộ và dài hạn với những giải pháp liên hoàn trên thị trường tiền tệ. Người ta thường gọi đó là một gói giải pháp nhưng đó không thể là một “gói” để “mở” rồi lại “đóng”, mà quan trọng hơn nó phải một chuỗi giải pháp được thực hiện liên hoàn, kiên trì và mạnh mẽ.
Điều đó không chỉ thay đổi về bản chất trên thị trường tiền tệ mà còn thay đổi cả quan niệm và niềm tin của người dân vào các loại tài sản đầu tư và tích trữ.
Cuối cùng, cần tạo dựng được một thị trường giao dịch có tổ chức, minh bạch và hiệu quả để khắc chế tất cả những bất cập hiện nay của thị trường vàng. Cần tạo dựng môt cơ chế giao dịch để huy động nguồn tài chính đang tồn tại dưới dạng vàng. Để nó không chỉ góp phần cho đầu tư phát triển mà còn triệt tiêu được những nguy cơ từ một khối tài chính được tích trữ, đầu cơ, buôn bán mà chưa được kiểm soát.
Phước Linh