Moody đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của chính phủ Nhật xuống mức Aa3, do lo ngại những thay đổi sắp tới trong bộ máy lãnh đạo, viễn cảnh kinh tế mù mờ, thiên tai, cũng như thảm họa nguyên tử sẽ gây nhiều khó khăn cho chính phủ trong việc chi trả khoản nợ khổng lồ.

Hôm nay, Moody đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của chính phủ Nhật xuống 1 bậc, ở mức Aa3, do lo ngại những thay đổi sắp tới trong bộ máy lãnh đạo (Nhật Bản đang chuẩn bị bầu vị lãnh đạo thứ 6 trong vòng 5 năm, thay thế Thủ tướng Naoto Kan), viễn cảnh mù mờ cho sự phát triển kinh tế, thiên tai, cũng như thảm họa nguyên tử sẽ gây nhiều khó khăn cho chính phủ trong việc chi trả khoản nợ khổng lồ.

Việc Nhật Bản bị hạ xếp hạng tín dụng, cũng là lời cảnh báo về những gánh nặng nợ nần mà gần như tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang mang trên vai, mặc dầu những nhà lập sách đang đấu tranh để kích thích tăng trưởng mà không phát sinh những khoản chi tiêu khổng lồ.

Cùng chung cảnh ngộ này, Mỹ đã bị mất xếp hạng tín dụng số 1 (AAA) 'dưới tay' S&P vào hồi đầu tháng 8, và Moody đã cảnh báo hồi tháng 6 rằng tổ chức này có thể sẽ hạ xếp hạng tín dụng của Ý khi cuộc khủng hoảng nợ của Châu Âu đang ngày càng trở nên tồi tệ.

Xếp hạng tín dụng mới mà Moody dành cho Nhật Bản là mức Aa3, mức xếp hạng cao thứ tư trong hệ thống xếp hạng của Moody, tức là hạ 3 bậc so với mức AAA mà Nhật đã bị tuột khỏi tay từ năm 1998, nhưng vẫn đươc tính là mức cao. Nhật Bản giờ được xếp cùng hạng với Trung Quốc - quốc gia đã thăng cấp năm ngoái và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và xếp dưới 1 bậc so với Ý và Tây Ban Nha.

"Trong vòng 5 năm qua, sự thay đổi thường xuyên trong bộ máy lãnh đạo Nhật đã cản trở chính phủ điều chỉnh các chiến lược tài chính và kinh tế dài hạng thành các chính sách hiệu quả và lâu dài", Moody nhận định.

Trước đó, hồi tháng 5, Moody đã cảnh báo tổ chức này có thể sẽ hạ xếp hạng tín nhiệm nợ Aa2 của Nhật do những lo ngại ngày càng cao về triển vọng tăng trưởng đang trở nên sút kém và sự phản ứng kém về mặt chính sách trước những khoản nợ công ngày một chồng chất (10 nghìn tỉ USD).

Các nhà phân tích cho rằng việc Nhật bị hạ xếp hạng tín dụng không phải điều bất ngờ và gần như không gây ra phản ứng ở các thị trường tài chính lớn.

"Tôi đã nghĩ quyết định hạ xếp hạng tín dụng của Nhật sẽ được đưa ra sau kỳ bầu cử của Đảng Dân Chủ. Nhưng nhìn vào các ứng viên, dừng như chẳng có ai coi cải cách tài chính là vấn đề nghiêm trọng, đó là lí do vì sao Moody đã quyết định sớm việc này", ông Yuuki Sakurai, GĐ Điều hành, Chủ tịch Fukoku Capital Management phát biểu.

Lãnh đạo kế cận của Nhật Bản phải đương đầu với một núi thử thách phía trước, từ việc chiến đấu với đồng Yên đang tăng cao, đưa ra các chính sách về năng lượng hậu khủng hoảng hạt nhân để tái thiết đất nước sau thảm họa hồi tháng 3 và thanh toán các khoản nợ công trong khi vẫn phải chi trả cho việc tái thiến và chi phí ngày một tăng cao do phúc lợi xã hội dành cho một xã hội 'già'.

Hôm thứ 5 tuần trước, chính phủ đã tiết lộ các bước giúp các tập đoàn nước này đương đầu với mức tăng cao kỷ lục của đồng Yên, trong đó có khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá 100 nghìn tỉ USD để tạo điều kiện cho các công ty Nhật mua lại các công ty nước ngoài. Chính phủ cũng sẽ yêu cầu các công ty tài chính lớn của Nhật báo cáo về tình hình nợ nần từ nay cho tớ cuối tháng 9. Đây được xem là một nỗ lực rõ ràng để hạn chế đầu cơ.

Yên Nhật giảm nhẹ sau tuyên bố hạ bậc tín nhiệm của Moody's

USD cũng xuống sát mức thấp nhất 1 tuần so với EUR trước thềm hội nghị thường niên của Cục dự trữ liên bang Mỹ.

Yên Nhật giảm 0,1% xuống 77,75 Yên/USD và giảm nhẹ 0,04% so với Euro, giao dịch tại 110,75 Yên/EUR sau báo cáo hạ bậc tín nhiệm trái phiếu chính phủ Nhật từ Aa2 xuống Aa3 của Moody's.

Phiên hôm qua, USD giảm so với 15/16 đối tác thương mại chính trước khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED sẽ thông qua chương trình nới lỏng định lượng vòng 3 (QE3) vào ngày 26/8 tới. 

Trên sàn Tokyo ngày hôm nay, USD giao dịch ở 1,4430 USD/EUR lúc 8h15, bắt đầu tăng trở lại từ mức thấp 1,45 USD/EUR phiên trước đó trên thị trường New York. Hôm qua, tỷ giá đồng USD chốt phiên ở 1,4442 USD/EUR. 

Ngày 26/8 tới, trong hội nghị thường niên của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, chủ tịch Ben Bernanke có thể sẽ đưa ra những quyết định quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế quốc gia này. Giới quan sát hiện đang nghiêng về khả năng FED thông qua chương trình mua trái phiếu chính phủ, còn gọi là nới lỏng định lượng vòng 3 (QE3) với giá trị khoảng 500 - 600  tỷ USD, theo dự báo của Barclays. 

Tổng sản phầm quốc nội GDP Mỹ trong quý 2 ước đạt 1,1%,thấp hơn mức 1,3% của quý 1.

(Tổng hợp)


Bảo Linh (Theo Reuters, NYTimes)