Tạp chí Forbes đã nhầm khi xếp hạng những tỷ phú như Carlos Helu Slim, Bill Gates - chứ không phải Muammar Gaddafi - là người "giàu nhất thế giới”.

TIN BÀI KHÁC

Theo trang mạng InvestmentWatch, tài sản của gia đình Gaddafi lên tới 128 tỷ USD và chính ông ta mới là “người giàu nhất thế giới”. Trong khi đó, mạng Weekly Blitz cũng dẫn lời nhiều nhà phân tích nói tài sản của ông Gaddafi vào khoảng 75-80 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 60 tỷ USD của gia đình Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.


Muammar Gaddafi - "Vua của các vị vua châu Phi"

Phân tán tài sản khắp bốn châu lục


Một nguồn tin tiết lộ rằng hồi tháng 2/2011, Đại tá Gaddafi đã tuồn 3 tỷ USD cho một nhà môi giới ở London để mua cổ phiếu. Tin này khá trùng khớp với việc các nhà môi giới chứng khoán và các nhà quản lý quĩ đầu tư nói rằng có một sự gia tăng đột biến các nguồn tiền mặt đến từ Bắc Phi và Trung Đông trong vòng mấy tháng qua. Nhật báo Daily Telegraph của Anh viết “Gaddafi hiện đang sở hữu khoảng 20 tỷ bảng Anh tài sản, chủ yếu ở London”.

Thật ra, 3 tỷ USD không phải là số tiền lớn đối với nhà lãnh đạo độc đoán Gaddafi vốn trị vì đất nước Libya giàu dầu mỏ suốt 42 năm qua. Theo ước tính của nhiều nhà phân tích, tài sản của ông Gaddafi vào khoảng 75-80 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 60 tỷ USD của gia đình Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Cần lưu ý rằng Tổng thống Mubarak chỉ lãnh đạo Ai Cập có 30 năm, trong khi Đại tá Gaddafi trị vì đất nước Libya giàu dầu mỏ những... 42 năm. Để đánh giá số tài sản mà gia đình Gaddafi tích tụ được theo thời gian, người không nên quên rằng Libya trước nội chiến xuất khẩu tới 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày.
 
Mạng WikiLeaks tiết lộ rằng các tài khoản bí mật của Libya ở một số ngân hàng Mỹ có tổng giá trị lên tới 32 tỷ USD và ở các ngân hàng châu Âu vào khoảng 7 tỷ USD. Theo các bức điện tín mật của sứ quán Mỹ ở Tripoli mà WikiLeaks “moi” được, Cơ quan Đầu tư Libya (LIA - một công cụ đầu tư của gia đình Gaddafi và các cộng sự thân cận) hiện đang nắm giữ tới 32 tỷ USD và gửi tại nhiều ngân hàng Mỹ, “mỗi ngân hàng quản lý 330-500 triệu USD”. Trong một cuộc gặp gỡ Đại sứ Mỹ tại Libya, Gene Cretz, Chủ tịch LIA Mohamed Layas nói hầu hết trong số tiền tỷ nói trên “được gửi ngân hàng và sẽ mang lại lãi suất dài hạn”.

Ngoài việc đầu tư vào các tổ chức tài chính, Cơ quan Đầu tư Libya (LIA) cũng đã tích lũy được số tài sản trị giá tới 70 tỷ USD, trong đó có cổ phần của nhiều hãng bluechip ở châu Âu. LIA hiện đang sở hữu 2,6% cổ phần của UniCredit (Italy) trị giá 1,3 tỷ USD và 2,01% cổ phần của tập đoàn hàng không vũ trụ Finmeccanica (tương đương 105 triệu USD) và 7,5% cổ phần của CLB Juventus (tương đương 17,5 triệu USD).

Mạng CNN International cho rằng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì trong những năm gần đây, ông Gaddafi đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các nước châu Phi đang ở trong tình trạng bất ổn. Có tin nói, ông Gaddafi chiếm đa số cổ phần của một ngân hàng thương mại khổng lồ ở Zimbabwe.  Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã phân tán của cải ước tính hàng trăm tỷ USD ở 35 quốc gia trên bốn châu lục.

Nhật báo địa phương Bussiness Day của Nam Phi cho biết Libya có hàng tỷ USD tài sản ở châu Phi trong các công ty con của Cơ quan Đầu tư Libya (LIA) trị giá tới 70 tỷ USD.

Liên minh Quốc tế chống tội phạm chiến tranh (ICAWC) tại Pháp cho hay tài sản của ông Gaddafi trong năm 1992 đã là 80 tỷ USD, không kể số tài sản khoảng 30 tỷ USD của Đệ nhất phu nhân Safia Farkash.

Một số nguồn tin được báo chí cho là đáng tin cậy nói bà Safia có số tài sản trị giá khoảng 30 tỷ USD, đồng thời sở hữu 20 tấn vàng và làm chủ hãng hàng không tư nhân Buraq Air có trụ sở chính đóng tại Sân bay quốc tế Mittiga ở thủ đô Tripoli.

Lẽ ra, ông Gaddafi đã có thể "an hưởng tuổi già"...

Lẽ ra, ông Gaddafi đã có thể ung dung “an hưởng tuổi già” với số tài sản khổng lồ nói trên, nếu ông không “tham quyền cố vị” và thách thức phương Tây.

Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân sâu xa khiến phương Tây can thiệp vào Libya là do Đại tá Gaddafi có kế hoạch biến đồng dinar thành đồng tiền châu Phi duy nhất được đảm bảo bằng vàng. Chính ông Gaddafi đã tổ chức hai hội nghị để bàn về vấn đề này trong năm 1986 và 2000.
 
Đại tá Gaddafi đã kêu gọi các quốc gia châu Phi và các nước Hồi giáo cùng nhau tạo ra một đồng tiền chung, cạnh tranh với đồng đô la Mỹ và đồng euro của châu Âu. Sau đó, các quốc gia này sẽ bán dầu mỏ, các tài nguyên khác và chỉ thanh toán bằng đồng dinar được bảo đảm bằng vàng.

Tổng biên tập Anthony Wile, người sáng lập ra tờ  Daily Bell, nói: “Nếu Gaddafi tìm cách tái định giá dầu trên thị trường thế giới ... hoặc ban hành đồng dinar vàng, ông ta sẽ vấp phải sự chống đối của tầng lớp thượng lưu đầy quyền lực, những người đang kiểm soát các ngân hàng trung ương thế giới. Chắc chắn sẽ nảy sinh những lý do cần thiết để tước bỏ quyền lực và lật đổ ông ta”.

Năm 2000, Tổng thống Saddam Hussein đã thông báo rằng nước ông sẽ chỉ dùng đồng euro, chứ không phải đồng đô la Mỹ, trong các vụ giao dịch dầu mỏ. Rốt cuộc, Iraq đã phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt và Tổng thống Saddam Hussein đã bị lật đổ (và sau đó bị treo cổ) trong cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003.

Có tin nói phe nổi dậy Libya đã treo giải thưởng 1,7 triệu USD cho bất kỳ ai “giết hoặc bắt sống” Đại tá Gaddafi.

(Theo tamnhin.net)