Tuy không còn ầm ĩ như trước nhưng không vì thế mà cái thú ẩm thực, uống rượu ngâm rắn hổ chúa để tráng dương bổ thận... của giới mày râu lắm tiền kém phần khốc liệt. Như những cơn sóng ngầm âm thầm nhưng dữ dội, chính thú ăn chơi không biết khi nào mới dứt này khiến "chúa tể" loài rắn... kêu trời, giống nòi đứng trước bến bờ tuyệt diệt!

TIN BÀI KHÁC

Tự tình của các… “hung thần”

Tại hầm rượu tư gia có hơn 100 bình rượu ngâm đủ thứ độc chiêu như hà nàm gấu (bào thai), hùng chưởng (tay gấu), pín cọp... ông Mai Ngạn, đại gia ngành gỗ ở quận 12 chỉ vào bình rượu đang ngâm con rắn hổ chúa trong thế ngóc đầu, phùng mang đầy đe dọa, khoe mẽ: "Qua mới mần nó tuần trước, nó nặng hơn 5 ký lô, giá 15 triệu đồng".

Vỗ vỗ vào bình rượu được giới nhà giàu xem là biểu tượng để khẳng định đẳng cấp, độ chịu chơi, cả tầm nhìn xa trông rộng "về già có mỹ tửu uống bổ gân bổ cốt", ông Ngạn cho biết, để có được con rắn chúa kia, ông phải đặt hàng, phải dằn cọc và đợi gần 1 tháng trời mới được toại ý. "Phải chờ bởi rắn hổ chúa trong tự nhiên rất hiếm, nếu có chỉ là những con be bé cỡ 1 - 2 ký lô trở lại. Những con từ 5 ký trở lên rất hiếm, muốn tóm được thợ săn phải lặn lội vào vùng rừng sâu, con này họ bắt ở tận biên giới Campuchia, khu vực rừng giáp ranh của huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước với biên giới nước bạn" – ông Ngạn, nhấn giọng.

Ông K. bạn làm ăn và cũng là người được ông Ngạn ưu ái mời đến thưởng thức bộ lòng rắn hổ chúa xào nhâm nhi với rượu pha máu, mật con vật, hồ hởi góp chuyện: "Con rắn này dài hơn 3m, đen trùi trũi. Vì là rắn hoang nên nó mạnh vô cùng. Để làm thịt, tay buôn phải đánh thuốc mê. Vậy mà lúc hắn chuẩn bị phanh thây lấy mật, ai dè nó tỉnh dậy ngóc đầu phùng mang, lúc đó ai nấy hoảng hồn tưởng tay kia tận số. Nhưng may là do máu ra nhiều quá, chưa kịp "gây án" thì chúa tể mãng xà đuối sức gục ngã".
Sau khi bị thợ săn bắt...

Như ông Ngạn, ông K., nhiều quý ông mà chúng tôi tiếp cận trong các quán đặc sản ở khu vực miền Tây và TP Hồ Chí Minh tin rằng rắn hổ mang chúa là chúa tể của các loài rắn, vì chúng chuyên ăn rắn độc nên cơ thể chúng là kho dược liệu quý giá. Do đó uống rượu pha máu rồi nuốt mật rắn hổ chúa để sức khoẻ dồi dào, gân cốt khoẻ mạnh, giải độc… là mốt của các quý ông lắm tiền. Lại có người đồn rắn hổ chúa giao phối vào mùa xuân, lúc tiết trời mát lạnh, mỗi lần giao phối chúng thường quấn nhau xà nẹo, kéo dài cả tuần lễ mới buông ra, do đó lấy cái pín của rắn chúa ngâm rượu uống vào có tác dụng giúp các ông yếu thành mạnh, sức khỏe dẻo dai và chữa được chứng bệnh hiếm muộn?!

Mối nguy đang đến rất gần


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây rắn hổ chúa được bán rầm rộ tại nhiều nhà hàng chuyên đặc sản rừng ở TP Hồ Chí Minh. Sau này do bị lực lượng kiểm lâm "đánh mạnh" và do số lượng rắn không còn nhiều trong tự nhiên nên hoạt động mua bán không còn diễn ra công khai như trước nữa, người ta chỉ bán chúa tể mãng xà cho những khách hàng quen hoặc phải alô trước dằn cọc và kiên nhẫn chờ đợi mới được toại ý.

Liên lạc với một đầu nậu chuyên buôn rắn hổ chúa thông qua tay lái rắn di động tên Đông, chúng tôi tận mắt chứng kiến một cặp rắn hổ chúa đang bị nhốt trong lồng sắt, được ngụy trang trong chiếc thùng dựng tivi tại một ngôi nhà hoang ở quận 12. Tay buôn tên Hải cho biết, đây là cặp rắn vừa mới bắt được tại biên giới Campuchia và ra giá 40 triệu đồng. Nếu đồng ý, Hải sẽ đến tận nhà chế biến theo yêu cầu của khách.

“Rắn hổ mang chúa nuôi nhốt thì bát ngát nhưng rắn tự nhiên thì hiếm vô cùng” – Hải, nhấn giọng: “Nếu có thì cũng khó đến tay "thượng đế" vì kiểm lâm thường xuyên đi tuần nên rất khó tuồn hàng về thành phố, nhiều khi khách đặt hàng cả tháng mà vẫn cứ dài cổ chờ đợi”.
Rắn hổ mang chúa được các đầu nậu thu gom và bán lẻ khắp nơi

Cũng theo lời Hải, khi “hàng” về, con buôn lập tức mang đến tận tư gia ngâm rượu, mần thịt cho khách: “Ăn chơi tại gia như vậy dù giá hơi cao nhưng bù lại "thực khách" sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình cắt cổ, moi bụng chúa tể mãng xà. Qua đó cũng thể hiện sự sành ăn của mình với đối tác, bạn bè chiến hữu và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn, hổng lo bị ai đó dòm ngó, bắt bớ”.

Từ tiếp cận giới con buôn, mới biết rắn hổ chúa chủ yếu được thu gom từ các tỉnh miền Tây, sau đó được các đầu nậu xé lẻ phân phối vào thị trường TP Hồ Chí Minh. Nhưng thời gian gần đây số lượng rắn trong tự nhiên khan hiếm, khi cung không đủ cầu, con buôn mở rộng phạm vi gom “hàng”, nhập rắn từ biên giới Campuchia vào nội địa hoặc từ thợ săn rắn ở các cánh rừng Đông Nam Bộ như rừng Ma Thiên Lãnh, núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), vùng núi Chứa Chan-khe Gia Lào (tỉnh Đồng Nai), rừng Bình Châu - Phước Bửu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Theo ông Nguyễn Đình Cương (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh) thì rắn hổ mang chúa nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam, chúng được xếp trong nhóm E (đang bị đe dọa tuyệt chủng). Để bảo vệ rắn hổ chúa, Sách đỏ Việt Nam đưa ra biện pháp bảo vệ là cấm săn bắt và tổ chức nuôi. Tuy nhiên do áp lực tăng lực, chữa bệnh, hám lợi trước đồng tiền... của con người mà số phận của loài này như chỉ mành treo chuông, người ta săn bắt, mua bán chúng nơi lén lút, chỗ công khai. Thế nên dù có nọc độc chết người nhưng rắn hổ chúa không thể bảo vệ được chính bản thân chúng, trái lại số phận của "chúa tể loài rắn" ngày càng hẩm hiu với nguy cơ tuyệt chủng đang đến rất gần!

Theo các chuyên gia ở trại rắn Đồng Tâm (tỉnh Vĩnh Long), rắn hổ chúa là loài rắn độc dữ tợn nhất trong các loài rắn hổ. Loài này có kích cỡ lớn, chiều dài cơ thể 3 - 4m, có khi đạt tới 5m. Tùy vùng mà có nơi còn gọi rắn hổ chúa là rắn hổ mây. Người bị rắn hổ chúa cắn nếu không được sơ cứu, chữa trị kịp thời, đúng cách sẽ chết sau nửa giờ, bởi độc tố của chúng thuộc loại… cực độc.

(Theo Công an nhân dân)