LTS: Những năm qua, các sản phẩm điện tử lắp ráp tại Việt Nam phải nhập khẩu gần 100% linh kiện; sản xuất tại Việt Nam chỉ có vỏ carton, xốp chèn, vỏ nhựa, sách hướng dẫn... Còn với ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 đạt 6,16 tỷ USD nhưng đã phải nhập tới 5,76 tỷ USD nguyên phụ liệu.
Sự thiếu vắng các sản phẩm công nghiệp phụ trợ dẫn tới hậu quả là nền kinh tế chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, hoặc sử dụng nhân công giá rẻ giá trị gia tăng thấp.
Xác định công nghiệp phụ trợ là một khâu đột phá của nền kinh tế, mới đây Thủ tướng vừa quyết định ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành ngành dệt may, da giầy, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
Từ hôm nay, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet sẽ khởi đăng loạt bài về công nghiệp phụ trợ Việt Nam để cùng các doanh nghiệp, chuyên gia nhà quản lý nhìn thẳng vào thực trạng, đi tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để phát triển. Mời quý độc giả theo dõi và gửi phản hồi về vef@vietnamnet.vn.
Công nghiệp phụ trợ (supporting industries) là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm, v.v., và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Nếu kể các sản phẩm tương tự thì phạm vi sẽ rất rộng nhưng nếu thêm một đặc tính nữa sẽ thấy phạm vi rõ ràng hơn: Sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. (GS. Trần Văn Thọ - ĐH Waseda, Nhật Bản) |
"Từ năm 2001 đến nay, chưa có một nhà cung cấp Việt Nam nào chủ động đến đặt quan hệ làm ăn với chúng tôi. Chúng tôi phải lật đi lật lại từng trang danh bạ điện thoại để tìm các nhà cung cấp", ông Sachio Kageyama, GĐ Canon Việt Nam chia sẻ tại một hội thảo về phát triển công nghiệp phụ trợ gần đây.
Chuyện thật như đùa này tưởng chừng như chỉ có mình Canon vướng phải, nhưng theo một báo cáo của Diễn đàn phát triển Việt Nam, thì việc nhà đầu tư Nhật Bản phải sử dụng danh bạ điện thoại, mối quan hệ nhân của các nhân viên để tìm nhà cung cấp linh kiện cho họ tại Việt Nam lại khá phổ biến.
Câu chuyện của các DN Nhật bản nói lên một điều rằng việc tìm kiếm các nhà cung cấp linh phụ kiện tại Việt Nam khó không khác gì "mò kim đáy biển".
Trong 20 năm qua, công nghiệp Việt Nam phát triển khá nhanh, do đó, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP đã tăng từ 23,5% năm 1990 lên trên 40% hiện nay, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lên đến hàng trăm tỷ USD. Các DN trong nước như dệt may, da giày, cơ khí, điện tử... cũng xuất khẩu hàng trăm tỷ USD hàng hoá ra nước ngoài.
Với sự phát triển như vậy, đáng ra phải có một ngành công nghiệp phụ trợ phát triển tương xứng để thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, nhưng công nghiệp phụ trợ của Việt Nam lại quá yếu kém, có ngành gần như không có gì.
Chỉ sản xuất vỏ carton, xốp chèn, vỏ nhựa...
Có lẽ cho đến nay chỉ có công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực sản xuất xe máy là phát triển mạnh nhất, với khả năng đáp ứng tới 75% các linh phụ kiện tại chỗ cho các DN lắp ráp, còn lại các ngành khác rất yếu kém.
Lỗ hổng lớn nhất phải kể đến là ngành điện tử. Theo số liệu của Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, năm 2010 ngành điện tử Việt Nam xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, nhưng nhập khẩu trên 4,6 tỷ USD. Trong số đó, nhập linh kiện về lắp ráp các sản phẩm chiếm trên 3 tỷ USD.
Như vậy, tất cả các sản phẩm điện tử lắp ráp tại Việt Nam (dùng để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước) phải nhập khẩu gần 100% linh kiện; các linh kiện sản xuất tại Việt Nam chỉ là vỏ carton, xốp chèn, vỏ nhựa, sách hướng dẫn...
Trao đổi với báo VietNamNet, ông Trần Quang Hùng, Hiệp hội DN điện tử VN, thừa nhận hậu quả của việc không có ngành công nghiệp phụ trợ đã được phơi bày khá "ê chề" kể từ khi sự kiện Sony ngưng hoạt động sản xuất tại VN. Mất hơn 10 năm nhưng chúng ta chẳng có gì ngoài một công nghệ liên doanh lắp ráp giản đơn.
Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa (Hà Nội) là một trong những nhà sản xuất ít ỏi trở thành vệ tinh của các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam như Canon, Fujitsu... với doanh thu hàng năm khoảng 10 - 15 triệu USD. Tuy nhiên, công ty này cũng chỉ là cung cấp hộp carton và xốp chèn cho các sản phẩm điện tử, không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn.
Sản xuất nửa chừng
Các ngành cơ khí như đóng tàu, ô tô cũng gặp khó khăn khi công nghiệp phụ trợ yếu kém. Một chiếc tàu biển đóng cho khách hàng nước ngoài có giá trị 360 triệu USD, thì chiếm tới 330 triệu USD là chi phí nhập khẩu linh kiện thiết bị.
Với công nghiệp ôtô, tỷ lệ nội địa hoá cũng rất thấp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp xe cá nhân. Hơn 10 năm qua, tỷ lệ nội địa hoá của các DN ô tô FDI chỉ từ 5%-10%. Nhiều DN chỉ tìm được các sản phẩm nội địa như dây điện, khung ghế ngồi, bàn đạp chân ga, chân phanh và ăng ten (dùng cho radio trong xe), còn lại tất cả phải nhập khẩu từ bạt, da, mút để làm ghế...
(Ảnh minh họa) |
Một kỹ sư tại công ty Vidamco (nay là GM Việt Nam) cho biết, DN này trước đây đã cố gắng đi tìm nhà cung cấp ốc vít tại Việt Nam, với mong muốn lắp ráp xe thương hiệu Daewoo tại Việt Nam và làm tốt sẽ dùng cho cả các xe bán ra trên toàn thế giới, nhưng tìm đến hàng chục công ty đề nghị sản xuất thử, mang về Hàn Quốc kiểm định thì tất cả đều không đạt tiêu chuẩn, nên không thể sử dụng.
Ngành dệt may, một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng không khá hơn. Hiệp hội Dệt may cho biết, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2011 đạt 6,16 tỷ USD nhưng đã phải nhập tới 5,76 tỷ USD nguyên phụ liệu, do đó, giá trị gia tăng tạo được chưa đầy 500 triệu USD.
Năng lực của ngành công nghiệp phụ trợ hiện chưa phát triển tương xứng với ngành dệt may. Sản xuất bông xơ trong nước mới chỉ đạt 7.000 tấn, năm 2010 Việt Nam đã nhập 357.300 tấn bông. Là một quốc gia có thế mạnh trong nông nghiệp, nhưng đã bao nhiêu năm nay nguồn nguyên liệu cho dệt may gần như vẫn lệ thuộc vào nước ngoài.
Chính vì vậy mà các DN may mặc chủ yếu vẫn phải làm gia công cho nước ngoài. Ngay cả những sản phẩm phụ trợ cũng chỉ làm ở mức nửa chừng. Sản xuất chỉ may chất lượng không đạt yêu cầu, còn sản xuất cúc áo thì chỉ là gia công và mài thành phôi, sau đó phải chuyển sang Nhật bản khoan lỗ.
Các DN ngành giày da cũng ở tình trạng tương tự, hầu hết mới chỉ là gia công giai đoạn cuối cùng của sản phẩm. DN Việt Nam chỉ làm được đế giày, nhưng nguyên liệu để làm đế lại phải nhập khẩu. Các DN vẫn phải nhập các phụ kiện từ nước ngoài, sau đó gia công, tạo thành sản phẩm rồi xuất khẩu.
Trong lĩnh vực sản xuất nhựa thì ngay cả nguyên liệu nhựa để sản xuất thùng nhựa đựng nông sản, nhiều DN cũng phải đi nhập từ Thái Lan, Trung Quốc... Trong nước không có DN nào cung ứng được, ngay nguyên liệu nhựa PV của Công ty nhựa Tiền Phong tự sản xuất cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn.
Khó phát triển công nghiệp phụ trợ
Công nghiệp phụ trợ nhìn vào ngành nào cũng chỉ thấy toàn yếu và kém, rõ ràng là mảnh đất trống để doanh nghiệp nhảy vào. Nhưng để phát triển công nghiệp phụ trợ lại rất khó khăn nên nhiều DN thờ ơ và nản lòng.
Sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để phát triển, doanh nghiệp cần vốn trung và dài hạn, cần mặt bằng sản xuất, nhưng các DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được nguồn vốn và mặt bằng.
Các DN vừa và nhỏ cho biết do không có tài sản thế chấp nên tiếp cận vốn vay với họ rất khó khăn, giá đất thì ngày càng cao dẫn đến chi phí thuê mặt bằng sản xuất lớn, đấy là chưa kể đến chi phí nhập công nghệ, đào tạo nhân công cũng khá tốn kém vì vậy không dám mạo hiểm đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ.
Theo Hiệp hội Dệt may, các DN sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may mặc tại Việt Nam nói chung hiện nay đều gặp những khó khăn giống nhau như: quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, khả năng quản trị yếu, khó tiếp cận vốn và mặt bằng vì lãi suất cao và các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng...
Nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao cũng thiếu trầm trọng. Việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng từ các trường học, trung tâm đào tạo tại Việt Nam gần như không thể bởi không có. Tự đào tạo thì nhiều DN thiếu kinh phí, thiết bị... Ngay cả khi DN muốn đào tạo thì cũng ít thành công bởi người lao động hay vì lợi ích thiển cận mà cản trở việc nâng cao tay nghề.
DN Nhật Bản thường phàn nàn rằng nhiều lao động Việt
Nam sau khi được đào tạo, nắm bắt được một ít kỹ thuật đã vội rời bỏ
công ty để tìm kiếm việc làm mới với mức lương cao hơn. Chính điều này
đã cản trở việc nâng cao tay nghề của họ và làm giảm động lực của các
công ty trong đào tạo lao động.
Các DN cho biết muốn phát
triển công nghiệp phụ trợ, cần có chính sách đột phá thu hút, khuyến
khích họ tham gia, nhưng điều đó đến nay vẫn còn phải chờ đợi.
Mặc dù xác định công nghiệp phụ trợ là một mắt xích quan trọng trong phát triển kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất và thúc đẩy công nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng các chính sách dành cho công nghiệp phụ trợ của nước ta hiện vừa thiếu lại vừa yếu. Mời độc giả đón đọc bài viết về chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ vào ngày mai.
Trần Thủy