Sau khi xuất bản bài viết về con người kín tiếng này, có nhiều người Việt ở Mỹ gửi cho tôi một số thông tin mà theo họ, ông Trần Đình Trường không chỉ có tài sản nhìn thấy 1 tỷ đô la. Ông còn có tài sản ở một số nơi, có cả những khách sạn ngoài thành phố ông sống.

TIN BÀI KHÁC

Người khen ông Trường hết lời, nhưng cũng có người đặt ra nhiều câu hỏi mà tôi chẳng thể nào kiểm chứng được. Trước khi gặp người em ruột của ông, cũng là một doanh nhân hiện đang đại diện cho dòng họ Trần làm ăn ở Việt Nam , tôi lại nhớ tới chuyến đi năm ấy, chuyến đi để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên. Chuyến đi mà tôi đã ở rất gần nhà ông Trường tại Mỹ, nhưng đắn đo mãi, là có nên gặp ông hay không !


Khách sạn Carter

Ấy là vào đầu những năm 90, tôi có một số chuyến công du nước ngoài, trong đó có chuyến đi Mỹ với hoa hậu Thu Thủy do một hãng nước ngọt nổi tiếng nhiều năm tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu Việt Nam mời và đài thọ chi phí.

Hôm đến New Yo rk, người ta bố trí một máy bay lên thẳng chở chúng tôi đi thăm thành phố được coi là phồn thịnh bậc nhất thế giới này. Người phi công trẻ khi biết mình đang chở hoa hậu Việt Nam nên nổi hứng lượn vòng vèo sát nóc những tòa nhà chọc trời, bay qua bay lại mấy lần trên tượng thần tự do, quảng trường Thời Đại. Từ trên máy bay, tôi nhìn thấy một khách sạn mà sau đó chúng tôi đã đến ăn cơm trưa.

Đó chính là khách sạn Carter ở ngay trung tâm của thành phố New York. Nhân viên phục vụ ở đây hầu hết là người Việt. Họ hỏi chúng tôi có phài là người Nhật không ? (Tất nhiên là hỏi bằng tiếng Anh).

Khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt và đến từ Việt Nam, họ trố mắt ngạc nhiên. Họ lấy thêm thức ăn cho chúng tôi và mời “ Ăn thật nhiều vào …chứ về Việt Nam làm gì có mà ăn!”. Tôi suýt bật cười. Họ hoàn toàn không biết rằng lúc đó Việt Nam đã trải qua mấy năm đổi mới, kinh tế phát triển, đã bắt đầu có gạo xuất khẩu ra thế giới.

Tôi biết đó là khách sạn của ông Trần Đình Trường.

Một khách sạn bề thế, ở ngay trung tâm của thành phố bậc nhất thế giới, ở ngay trung tâm thường mại thế giới là của một người Việt nam. Ra khỏi khách sạn, tôi còn ngoái lại nhìn, một sự thật khó tin.

Chuyện ông Trần Đình Trường giàu có tôi đã được nghe kể trước đó. Người ta kể chuyện ông làm giàu lúc nước nhà chua thống nhất, dưới chính quyền cũ như thế nào ! Ông đã từng là chủ một một đội tàu viễn dương đi khắp thế giới. Chuyện đời ông theo những người quen biết của tôi kể lại như một cuốn tiểu thuyết vậy. Người ta nói ông là người giàu nhất trong số mấy triệu Việt kiều, cũng là người giàu nhất Việt Nam thời đó.

Có một dạo, ở quê tôi người ta còn đồn rằng ông Trường sẽ đầu tư tiền để làm con đường quốc lộ đi qua huyện Kỳ Anh (Nơi ông trường đã sinh ra và lớn lên).

Rồi không thấy con đường mới làm đâu. Người ta lại nói ông đầu tư xây dựng với điều kiện con đường mang tên ông. Tất nhiên là chính quyền không đồng ý.

Tôi cũng chỉ nghe vậy và biết vậy thôi chứ không có điều kiện tìm hiểu thực hư.

Ông Trần Đình Trường cùng quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh với tôi. Ông có một người em trai tên là Trần đình Triêm. Triêm học cùng lớp với tôi thời phổ thông ( Học cấp 3 thời đó ). Triêm học giỏi, đẹp trai. Nghỉ hè, tôi và nhiều người bạn đến căn nhà sơ tán ở ngay giữa cánh đồng nơi gia đình Triêm ở, đàm đạo văn chương.

Rồi cuối năm học phổ thông, trong kỳ nghỉ hè tôi nghe tin Trần đình Triêm bị bom Mỹ sát hại ngay trong căn nhà sơ tán của mình.

Lúc đó tôi đang trên đường ra Bắc học đại học nên không đến chia buồn được, nhưng hình ảnh chàng trai có mái tóc xoăn, có đôi mắt sáng thông mình cho đến bây giờ con in đậm trong tôi.


Trở lại chuyện ông Trần Đình Trường, tôi nhớ đến cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2004, do báo TP tổ chức tại đảo Tuần Châu, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp. Cuộc thi là một sự kiện văm hóa được hàng chục triệu người quan tâm và có tác động rất lớn đến người Việt ở nước ngoài.

Sau cuộc thi, tôi có nhận được một bản fax từ Mỹ hoan nghênh cuộc thi và mời tôi và hoa hậu Nguyễn thị Huyền sạng thăm Mỹ. Chủ của bản fax đó là ông Trần Đình Trường.

Tôi không đi được vì bận việc và cũng vì nhiều lý do tế nhị khác.

Sau đó, có một người bà con của ông Trường có đến tìm tôi ở tòa soạn. Người bà con của ông Trường nói khách sạn Carter có người trả giá 900 triệu đô la Mỹ rồi. Tôi có gửi tặng ông Trần Đình Trường cuốn tiểu thuyết của tôi mới xuất bản, cuốn Xuyên Cẩm.

Khi cuốn sách “ Ai là người giàu nhất Việt Nam” xuất bản, trong đó có bài viết tôi có nhắc đến ông Trần Đình Trường với chi tiết 900 triệu đô la từ khách sạn Carter và cho rằng ông là người giàu nhất Việt Nam.

Tết Bính Tuất năm đó tôi đã nhận được nhiều điện thoại, thư của bạn đọc hoan nghênh và trao đổi nhiều vấn đề về cuốn sách, trong đó có thư của ông Trần Đình Trường.

Ông Trường nói rằng ông đã đọc bài viết, ông cảm ơn, nhưng muốn đính chính một chi tiết : Ông không có ý định bán khách sạn Carter vì khách sạn Carter là biểu tượng của sự thành công kinh tế tài chính vượt bậc và biểu lộ sự kiên trì của người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Ông Trường viết “ … Vì thế tôi nhấn mạnh rằng, khách sạn Carter không bán. Khách sạn Carter sẽ được chúng tôi duy trì như một tài sản vô giá”.

Con trai đầu của ông Trần Đình Trường là Trần đình Nam, cùng vợ là Chu Thị Hạ từ Mỹ về có đến nhà tôi chuyển lời cảm ơn của ông Trần Đình Trường

và cho biết khách sạn Carter của ông Trường có người trả giá 1 tỷ đô la Mỹ nhưng ông Trường không bán. Như vậy, có thể nói ông Trần Đình Trường là người Việt Nam có tài sản nhìn thấy là 1 tỷ đô la Mỹ.

Qua câu chuyện vui đầu xuân, tôi hỏi Trần Đình Nam về cuộc sống gia đình, về một người giàu có như ông Trường tiêu pha, làm việc ra sao ?

Trần đình Nam kể nhiều chuyện vui, chuyện ông tỷ phú đô la Trần Đình Trường đi công tác còn gói cả cơm nắm đi ăn, chuyện ông nghiêm khắc với các con như thế nào …

Tôi bảo: Có tiết kiệm thì mới giàu có được chứ. Những người giàu tự tay mình làm nên nghiệp lớn thường là rất tiết kiệm và rất nghiêm khắc với bản thân và con cái.

Vì tiền bạc họ làm ra từ mồ hôi, nước mắt chứ đâu phải tiền “ Chùa” !

Khi ông Trần Đình Chín, em ruột ông Trần Đình Trường hiện đang làm ăn ở Việt Nam điện mời tôi đến nhà chơi, tôi mới biết ông Chín đã sống nhiều năm ở Hà Nội, nhà ở ngay bờ hồ Hoàn Kiếm, phố hàng Khay.


Ông Trần Đình Chín

Câu chuyện xoay quanh dự án khách sạn 5 sao, 250 phòng với công viên biển tọa lạc trên một diện tích gần 50 hét ta ngay ở bờ biển tuyệt đẹp và thơ mộng- Nha Trang.

Bên hồ cá Tri Nguyên nổi tiếng sẽ là một khu nghỉ dưỡng cao cấp do TẬP ĐOÀN ĐẦU TƯ QUẢN TRỊ TRẦN xây dựng.

Ông Trần Đình Trường sinh ra trong một gia đình có 11 người con, là gia đình thương binh liệt sĩ, được trao thưởng huân chương Chiến công và Quân công.

Theo lời kể của ông Chín, gốc tích họ Trần của ông vốn là dòng họ quý tộc.

Do những biến động lịch sử, một nhánh của dòng họ phải phiêu bạt vào Làng Trại, thuộc huyện Kỳ Anh.

Thủa nhỏ, gia đình nghèo, ông Trần Đình Trường cũng như những người con trong gia đình đều cần cù làm ăn và nuôi chí thoát nghèo.

Khi sạng Mỹ, ông Trường ban đầu làm nghề lái xe cho ông chủ một khách sạn lớn.

Vốn thông minh và chịu khó, Trần Đình Trường được ông chủ quý mến và tìm cách truyền nghề quản lý khách sạn cho. Ông Trần Đình Trường đi lên từ một chân lái xe thuê như vậy.

Từ một anh lái xe thuê cho ông chủ một khách sạn lớn, ông Trần Đình Trường dần dược ông chủ tin cậy và trải qua thăng trầm, vất vả …Ông đã trở thành một ông chủ khách sạn có vị trí vào loại bậc nhất ở Mỹ.
Theo lời ông Chín, thì ông Trường còn có một khách sạn nữa, ngoài khách sạn Carter có giá 1 tỷ đô la.

Ông Chín kể rằng, hiện các con của ông Trường như Trần Đình Nam, Trần Thanh Bắc …đang nối nghiệp bố làm ăn ở Mỹ. Các con ông Chín cũng vậy. Trần Đình Thành, Trần Đình Sơn, Trần Đình Hùng đã là chủ sở hữu của QUALITY INN.

Công ty đầu tư quản trị TRẦN, chính là công ty của dòng họ TRẦN hiện do ông Chín đại diện đang đầu tư nhiều dự án ở Việt Nam.

Khi tôi hỏi ông quan niệm về kinh doanh, làm ăn của dòng họ TRẦN, ông Chín nói : Tôi cũng như anh Trường và bây giờ là các con tôi, con anh Trường đều luôn tự hào về dòng họ của mình.

Chính niềm tự hào này đã giúp chúng tôi nghị lực vươn lên. Chúng tôi mong muốn làm gì cũng phải trọng chữ TÍN, làm gì cũng phải luôn nhớ mình là người Việt Nam, là người của dòng họ Trần.

Ông Chín cho rằng, trên thương trường, quan điểm của chúng tôi là cùng phát triển.

Ông ví như người chạy việt dã, tất cả cùng trên một đường chạy, ai chạy nhanh thì về đích đầu tiên, nếu không thì cũng là nhì, ba, tư …

“ Chứ không triệt tiêu nhau ?” – Tôi hỏi.

Ông Chín dứt khoát “ Không” !

Quy luật tư bản trên thương trường là “ Cá lớn nuốt cá bé”, các ông thoát được quy luật này chăng ?

Ông Chín cười:

Vậy là dòng họ Trần làm ăn “ Có đạo” ?

Trong việc làm giàu, nếu có được chữ TÂM thì …Rất khó chăng ?

Nhưng, có TÂM mới có PHÚC, có đúng vậy không ?!

Tôi rất muốn biết người Việt Nam có tài sản nhìn thấy 1 tỷ đô la như ông Trần Đình Trường giữ chữ TÂM như thế nào?!

(Theo Dương Kỳ Anh - Tamnhin.net)