Ép tín dụng ngoại tệ
Mối lo lớn nhất hiện nay chính là tín dụng USD đang tăng cao và phần lớn trong số đó sẽ đáo hạn vào dịp cuối năm. Chính vì thế, thông điệp đầu tiên về ngoại hối được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra là: cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 đến 4,5 tỷ USD.
Mặc dù tín dụng bằng ngoại tệ tăng khá cao (đến 15/8/2011 tăng khoảng 24%), nhưng phân tích giữa nguồn và sử dụng nguồn của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy vẫn có thặng dư từ 3 đến 5 tỷ USD từ nay đến cuối năm, thanh khoản ngoại tệ của các TCTD được đảm bảo.
Tiếp theo đó, sau cuộc làm việc với các ngân hàng lớn về điều hành thị trường cuối năm, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, để góp phần kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, cơ quan này sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay; tăng tỷ lệ và mở rộng phạm vi áp dụng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các TCTD.
Đặc biệt, trước lo ngại về khả năng tăng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cam kết, đến cuối năm tỷ giá biến động tối đa chỉ 1%.
Để làm được điều này, đầu tiên, cần tăng thêm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ - lần tăng thứ ba kể từ đầu năm. Động thái này nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, đồng thời, khiến chi phí huy động ngoại tệ tăng thêm buộc lãi suất phải tăng theo. Lãi suất cho vay ngoại tệ theo đó cũng tăng lên, thu hẹp dần độ chênh với lãi vay bằng nội tệ, cộng với khả năng biến động tỷ giá sẽ giảm sự hấp dân của vay ngoại tệ. Điều này được cho là rất có ý nghĩa khi lãi suất VND giảm còn USD tăng lên.
Trong khi đó, các ngân hàng cũng chịu những sức ép đáng kể. Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố định trần lãi suất huy động 2% khiến cho việc huy động USD khó khăn, nay thêm việc tăng dự trữ khiến cho nguồn vốn cho vay bị thắt lại.
Đối phó việc này, ngân hàng đã huy động lãi suất chui cao hơn, song, xem ra cũng không dễ dàng khi việc kiểm soát sẽ được siết chặt. Vốn bị thắt cả đầu vào và khả năng cho vay nên ngân hàng sẽ phải hạn chế đầu ra, nhất là ở thời điểm cuối năm phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn.
Điều này cũng tỏ ra phù hợp khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ chế cho vay bằng ngoại tệ, theo hướng quy định chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm hạn chế cho vay.
Những động thái trên cho thấy, mục tiêu trước mắt của NHNN là kìm hãm đà tín dụng ngoại tệ đang tăng rất mạnh thời gian qua. Về dài hạn, nó sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dần quan hệ huy động và cho vay ngoại tệ sang mua bán như đã đề ra.
Chính vì thế, đồng tình với quan điểm điều hành của NHNN, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho rằng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1% là muốn kìm lại đà tăng trưởng tín dụng quá nóng thời gian qua. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đang cố gắng kéo lãi suất cho vay VND xuống, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền để chuyển hướng tín dụng qua VND. Với xu hướng này, thì thông tin về việc sẽ siết chặt các đôi tượng cho vay ngoại tệ cũng được cho là sẽ sớm thực hiện và các ngân hàng sẽ phải chuẩn bị cho điều này.
Tiếng nói của thực tế
Đến ngày 20/6, nguồn USD cho vay ra tăng 22,2% so với tháng 12/2010. Một tháng sau, đến 20/7, dù biện pháp tăng dự trữ bắt buộc đã được áp dụng nhưng dư nợ vẫn tăng thêm 1,96%. Thế nhưng, điều trớ trêu ở chỗ tăng trưởng huy động ngoại tệ lại đi ngược chiều khi sụt giảm mạnh sau khi đến 20/6, huy động ngoại tệ đã giảm tới 3,62% so với cuối tháng 5; tính đến 20/7 giảm tới 3,29%.
Và với tình trạng lãi suất VND và USD còn chênh lệch cao như thời gian qua, tín dụng USD vẫn khó giảm và thực sự, tín dụng USD dù muốn hay không vẫn được các chuyên gia xem là một mối nguy cho điều hành cuối năm.
Một chuyên gia từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, bản chất của vấn đề không có nhiều thay đổi. Tỷ giá ổn định, chênh lệch lãi suất cao nên các DN đổ xô vay USD. Các khoản vay này thường có kỳ hạn ngắn và sẽ đáo hạn phần lớn vào cuối năm để ngân hàng kịp hoàn thành các chỉ tiêu. Trong khi đó, theo yêu cầu của nền kinh tế, cuối năm nhu cầu USD sẽ tăng lên.
"Đây là điều có thể hiểu được và những biện pháp trên đây của Ngân hàng Nhà nước đã đúng hướng nhưng để xử lý ngay được sức ép từ khối tín dùng này là hơi khó", chuyên gia từ Viện Khoa học thị trường giá cả đặt vấn đề.
Điều này có vẻ như đã biểu hiện trên thực tế. Trong mấy tuần qua, tỷ giá liên tiếp căng thẳng. Ngân hàng Nhà nước đã hai lần nới tỷ giá liên ngân hàng lên thêm 20 đồng/USD và ngay lập tức, các ngân hàng thương mại bán kịch trần. Biên độ mua vào và bán ra của các ngân hàng đang kéo sát nhau và hiện đứng ở mức 20.830-20.834 đồng/USD. Thông lệ này cho thấy có những điều bất thường.
Theo phản ánh của nhiều DN, trong thời gian qua, dù các khẳng định ổn định tỷ giá đã có nhưng chính các DN đã phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong mua bán USD. Tình trạng hai giá đã xuất hiện. Để mua được USD, các DN phải chấp nhận mức giá phổ biến trên 21.000 đồng/USD.
Những ngày cuối tháng 8, giá USD thực mua bán của các DN phía Nam với ngân hàng hiện là 21.150 đồng/USD. Thậm chí, để mua được USD với khối lượng lớn, các DN phải chấp nhận mua gom hoặc mua qua nhiều đầu mối và nhiều cầu để ngân hàng dễ dàng trong việc tăng giá. Ở các ngân hàng phía Bắc, tình trạng có vẻ dễ chịu hơn khi giá thực mua chỉ ở mức 20.950 đồng.
Trao đổi vấn đề này, một chuyên viên kinh doanh ngoại hối ngân hàng cho hay, tình hình này không mới mà đã xuất hiện từ đầu tháng 8, khi sốt vàng kéo USD tăng giá.
Thời điểm đó, các ngân hàng đã tạm dừng các hoạt động huy động đầu tư theo tỷ giá vì lo sợ tỷ giá biến động. Các hoạt động mua bán và cho vay đều rất hạn chế và chịu giá cao hoặc thêm phí nhiều. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn đang tăng lên do DN có nhu cầu xuất nhập khẩu và cả vay để trả nợ.
Việc thu phí cũng đã diễn ra như một cách để hợp thức hóa việc bán USD sai giá. Thực tế, chính các ngân hàng địa phương cũng đã nhận ra và có kiểm tra như mọi lần, nhưng khó mà xác định được.
Như một hệ lụy tất yếu, thị trường tự do đã sôi động trở lại. Đến chiều 31/8/2011, USD tự do ở Hà Nội đã bật trở lại trên mức 21.150 đồng. Ở phía Nam, USD tự do sôi động hơn khi có thời điểm lên đến 21.320 đồng.
Có nhiều lý giải về việc USD tăng giá, như do thi trường vàng biến động, do tâm lý. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những khó khăn và việc gia tăng nhu cầu đã đẩy giá USD. Thậm chí, theo một số ngân hàng, đây là những phản ứng ngược chiều của các ngân hàng trong ngắn hạn trước các quy định thắt chặt ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Chính vì thế, hầu hết các ý kiến đều đồng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fullbright: "những điều trên cũng dự báo trước việc căng thẳng tỷ giá cuối năm, khi những khoản vay đến hạn, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao". Sự ổn định tỷ giá hiện nay là chưa bền vững.
Phước Linh