(VEF.VN) - Sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp khai thác gỗ đến việc xây dựng các dự án thuỷ điện và bài học từ những vụ "núp bóng" thuỷ điện để khai thác gỗ trong những năm qua đáng để các nhà hoạch định chính sách cẩn trọng khi cấp phép cho các nhà máy mới.

Thuỷ điện: "bùa hộ mệnh" để khai thác gỗ?


Mặc dù các nhà đầu tư thủy điện phải kêu than lỗ nặng nhưng vẫn có rất nhiều dự án thủy điện khác đang tiếp tục trình chờ phê duyệt, thậm chí có trường hợp chủ đầu tư còn cố tìm mọi cách để được cấp phép đầu tư, bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía các các nhà khoa học, các cơ quan báo chí và cả các cơ quan chức năng, … Trong số đó, 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ngay trong khu vực rừng quốc gia Cát Tiên, đang thu hút sự quan tâm của dư luận, là ví dụ điển hình.

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Tập đoàn Đức Long – Gia Lai làm chủ đầu tư đang vấp phải sự phản đối của dư luận không chỉ vì nó nằm gọn trong khu vực cần được bảo tồn thiên nhiên nghiêm ngặt mà còn vì những khuất tất đáng lo ngại khác.

Trong đó, đáng chú ý là nghi ngờ của ông Trần Văn Thành, giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên khi trả lời phỏng vấn báo SGTT ngày 8/7 về tính khách quan của báo cáo kiểm tra tác động môi trường khi thực hiện dự án. Trong khi trước đó dự án này đã bị Bộ TN & MT trả về nhưng lại được Bộ NN & PTNT ủng hộ và toàn bộ chi phí cho đoàn kiểm tra (của Nhà nước) trong thời gian khảo sát đều do chủ đầu tư bỏ ra.

Ngoài ra, dư luận lại một phen thót tim khi ông Nguyễn Việt Dũng, phó giám đốc trung tâm Con người và thiên nhiên (hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam), nơi đang chuẩn bị hoàn tất nghiên cứu “Phát triển thuỷ điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam” cho rằng bản báo cáo đánh giá tác động môi trường này chỉ là bản sao chép!
Bạt ngàn gỗ có dấu cắt gọt cẩn thận từ thượng nguồn trôi về lòng hồ thủy điện A Vương. Ảnh: Đ.Nam (Tuổi trẻ)

Về vấn đề khai thác gỗ dưới chiêu bài thủy điện thì không thể không nhắc đến dự án thủy điện Khe Diên tại Quảng Nam. Theo ghi nhận của báo VietNamNet thì khi có được giấy phép khai thác gỗ tận thu gỗ trong lòng hồ nhà máy thủy điện Khe Diên do cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cấp vào cuối năm 2005 như một “tấm bùa” hộ mệnh, Công ty TNHH Xây dựng Ngọc Sơn (Cty Ngọc Sơn, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) đã bắt đầu công cuộc “tảo thanh” rừng đầu nguồn Khe Diên suốt trong năm 2006 và đầu năm 2007. Tuy nhiên, điều đáng nói là Cty Ngọc Sơn không những thực hiện tận thu tài nguyên rừng tại khu vực lòng hồ mà còn “mạnh dạn” tiến quân vào rừng nguyên sinh đầu nguồn để khai thác gỗ quí hiếm.

Một diễn  biến  khác vào năm ngoái, trong đợt xả lũ lịch sử của thủy điện A Vương, nhiều người đã ngỡ ngàng sau khi chứng kiến hàng nhìn m3 gỗ trôi dạt xuống lưu vực sông Vu Gia, Quảng Nam. Chủ nhân của lượng lớn gỗ này được xác định là ngoài lâm tặc thì thủy điện cũng đã góp phần không nhỏ để tạo nên trận “lũ gỗ” lịch sử này.

Doanh nghiệp gỗ hào hứng với thủy điện


Một số ý kiến cho rằng sở dĩ có tình trạng doanh nghiệp đổ xô đi làm thủy điện là vì họ “được phép” phá rừng, bán gỗ. Theo một bài viết trên báo Nhà báo & Công luận ngày 10/11/2010 thì một doanh nhân bật mí rằng, tình trạng các doanh nghiệp đổ xô đi làm thủy điện là vì “siêu lãi”. Siêu lãi chưa phải là do bán điện vì quá trình xây dựng nhà máy bao giờ cũng mất từ 3- 5 năm- mà là từ việc được phép phá rừng làm hồ chứa và dĩ nhiên doanh nghiệp được bán số gỗ đó.

Liệu đây có phải nguyên nhân sâu xa lý giải hiện tượng có nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ “tự nhiên” lại quá mặn mà với thủy điện đến vậy trong khi đây không phải là thế mạnh của họ? Và tất nhiên, để được phép khai thác gỗ một cách “hợp pháp” thì không có cách nào khác là phải nhờ đến các báo cáo “ăn xổi” như trên..

Một doanh nghiệp khai thác và chế biến gỗ hàng đầu của Việt Nam trong vòng 3 năm qua đã được cấp phép triển khai 17 dự án thủy điện tại các tỉnh Tây Nguyên, Thanh Hóa và trên nước bạn Lào.

Tương tự, doanh nghiệp Đức Long – Gia Lai cũng không chịu thua kém khi cũng tham gia khá mạnh mẽ vào lĩnh vực thủy điện với các dự án như thủy điện Đăk Sepay tại Gia Lai, Sông Sen tại Quảng Trị và gần đây là hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gây tranh cãi.

Với những nguồn lợi vô giá từ gỗ của các cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng quốc gia, … cần được bảo tồn nên các khu vực này đang nhận được sự “quan tâm” của các dự án thủy điện xem ra cũng là điều dễ hiểu.

Theo nghiên cứu “Phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam”, hiện cả nước có 47/128 rừng đặc dụng có sự hiện hữu ngay trong lòng hoặc tác động từ bên ngoài của 119 dự án thủy điện lớn, nhỏ. Như vậy, trung bình mỗi vườn quốc gia, khu bảo tồn “cõng” khoảng 2,5 dự án thủy điện. Có được 1 MW điện sẽ mất 62,63 ha diện tích đất rừng và rừng đặc dụng. Đối  với rừng đặc dụng đã vậy thì chắc chắn những cánh rừng bình thường khác sẽ còn bị “tận diệt” thê thảm hơn rất nhiều.

Đầu tư cho thủy điện để cung cấp năng lượng cho sự phát triển đất nước là một nhu cầu thiết thực, nhất là với vị trí địa lý và đặc điểm sông ngòi chằn chịt với độ dốc lớn như tại Việt Nam là những thuận lợi hiếm có. Tuy nhiên, với tình trạng các dự án thủy điện đang được cấp phép tràn lan đã gây nên nhiều bức xúc và chứa đựng nhiều rủi ro tìm ẩn cho xã hội như lũ lụt, hạn hán và hủy hoại thiên nhiên, môi trường.

Chúng ta không thể phát triển bằng mọi giá. Màu xanh của rừng đang dần thay thế bằng màu đỏ của máu khi nhìn từ trên cao. “Máu” của rừng không thể tiếp tục chảy chỉ vì lợi ích cục bộ của một vài nhà đầu tư nào đó đang núp bóng dưới những “mục tiêu” cao cả là góp phần cung cấp nguồn năng lượng cho sự phát triển của quốc gia.

Trần Minh Quân