Mới đây, Công ty TNHH Du lịch Thế Hệ Trẻ đã có công văn gửi Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP.HCM (VH-TT&DL), Hiệp hội Du lịch TP khiếu nại việc chi nhánh TP.HCM của công ty Hanoitourist đã đạo tour "Khám phá Đông Bắc" - đơn vị đầu tiên khám phá và mở bán tour này.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, cho hay, trong hai năm 2008-2009, công ty du lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát các tuyến điểm thuộc các tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam nhằm phát triển tour mới khai thác kinh doanh nội địa. Mùa thu 2010, Thế Hệ Trẻ đã thiết kế, quảng bá và tung ra thị trường du lịch tour mới "Khám phá Đông Bắc trên thủy lộ sông Gâm và sông Năng", nối các tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và Bắc Kạn. Không lâu sau, chương trình tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung thêm điểm đến đền Hùng (Phú Thọ).
Đây là tour mới, thăm thú nhiều điểm độc đáo. Song, để hình thành được tour này, Thế Hệ Hệ đã đầu tư nhiều công sức, chi phí để khảo sát, liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp trong khu vực vốn là những vùng đất nguyên sơ chưa phát triển du lịch. Đồng thời, nỗ lực quảng bá cho tour.
Dinh thự họ Vương - điểm đến được du khách yêu thích ở Hà Giang. |
Ông Dũng nói rằng, tính từ tháng 9 năm 2010 đến nay, công ty đã khai thác được khoảng 180 khách tham gia tour này.
Song, mùa hè vừa qua, lượng khách tham gia tour bị giảm rõ rệt. Sau khi tìm hiểu, công ty phát hiện công ty Hanoitourist chi nhánh TP.HCM cũng tung ra chương trình khám phá vùng Đông Bắc tương tự nhưng với giá thấp hơn nhiều so với Thế Hệ Trẻ để kéo khách.
Điều đáng nói, chương trình của công ty Hanoitourist chi nhánh TP.HCM giống hệt chương trình của Thế Hệ Trẻ, từ lộ trình đến các điểm tham quan, nơi ăn chốn ở. Điều này, theo ông Dũng, cũng vẫn chấp nhận được bởi trên cùng một hành trình tour là khó tránh. Nhưng, ông bức xúc vì đơn vị này đã bê nguyên si những lời văn giới thiệu điểm đến trong chương trình tour của Thế Hệ Trẻ chèn vào sản phẩm của mình.
Ông Trần Thế Dũng nhận xét, bản thân ông cũng như công ty Thế Hệ Trẻ đều thấm nhuần rằng, sản phẩm du lịch luôn mang tính kế thừa, khó mà độc quyền được. Song, cách làm công ty Hanoitourist chi nhánh TP.HCM như trên "chẳng khác gì cướp đoạt ý tưởng, công sức đồng nghiệp và cạnh tranh thiếu lành mạnh" - ông bức xúc. Và đây không phải là lần đầu tiên, công ty Thế Hệ Trẻ gặp phải tình trạng này.
Trên thực tế, việc đạo tour không phải là chuyện hiếm của du lịch Việt Nam, nhất là với các công ty nhỏ, thiếu kinh nghiệm và kinh phí hạn hẹp.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Lữ hành quốc tế Hanoi Redtours, từng cho rằng, ai cũng có thể nhận thấy các tour du lịch hiện nay đều nhang nhác nhau.
"Một số DN chỉ nhăm nhăm chờ DN khác xây tour mới, quảng bá xong mới nhảy vào, tour sau chỉ cần khác đi một chút" - ông Hoan nói. Còn các DN có công thiết kế tour mới đành bất lực, trừ phi họ đăng ký bảo hộ tour đó lên Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN)!
Phố cổ Đồng Văn |
"Chính vì thế, thực tế có rất nhiều tour bắt chước nhau. Điều này là bất cập của ngành du lịch Việt Nam hiện nay - bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, nhìn nhận.
Sự lố bịch thể hiện ở chỗ, trong khi các công ty du lịch tốn kém, vất vả tìm tour mới thì co một số đơn vị khác đã không mất công, mất tiền rồi còn sao chép nguyên đai nguyên kiện cả lời văn trong chương trình tour. Trong khi, Luật du lịch và các quy định hiện hành khác lại chưa có chế tài xử lý vi phạm đối với nạn sao chép trên.
Quay lại với trường hợp của công ty Thế Hệ Trẻ, bà Khánh cho hay Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã báo cáo tình hình lên Sở VH-TT&DL TP.HCM đồng thời sẽ làm việc với công ty Hanoitourist chi nhánh TP.HCM trong tuần này.
"Hy vọng là công ty tự thấy cái sai của mình và có sự điều chỉnh, bởi đó không chỉ là giữ mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau mà thực tế, sau này hành khách cũng sẽ phát hiện ra và DN sao chép sẽ mất uy tín", bà Khánh nói.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Công Hoan lưu ý, một sản phẩm du lịch mới ra đời, khi đi vào hoạt động sẽ trở thành phổ thông, nhiều công ty khác có thể hưởng lợi theo. Bởi, anh làm được người khác cũng có thể làm được. Hơn nữa, DN đi sau lại có lợi thế hơn khi tạo ra được sự khác biệt về chất lượng dịch vụ, giá cả... thì mặc dù mất công mất sức làm tour mới, anh vẫn dễ bị mất khách.
Bài và ảnh: Ngọc Hà