(VEF.VN) - Đến hẹn lại lên, tại buổi giao ban của bộ Công Thương hôm 5/9, các Tập đoàn Than và Dầu khí lại lên tiếng than phiền về khoản nợ  đã gần 10.000 tỷ đồng mà EVN vẫn chây ì chưa trả.

EVN  vẫn chưa vay được vốn lưu động
“Tập đoàn Điện lực cần triển khai trả sớm tiền điện cho Tập đoàn dầu khí”,  ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) một lần nữa nhắc lại kiến nghị này trong cuộc họp giao ban của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trực tiếp chủ trì. Theo ông Nam, tình hình mua khí và các giao dịch với nhà thầu cung cấp khí rất căng thẳng mà một nguyên nhân lớn là do thiếu tiền trả cho bên nhà thầu này.

Trước đó, hồi tháng 7, PVN cũng đã khẩn khoản gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương can thiệp sâu hơn, hối thúc EVN trả nợ cho mình. Các tính toán mà PVN đưa ra thời điểm đó, con số nợ mới là 8.105 tỷ đồng, trong đó, 7.600 tỷ đồng là nợ tiền điện và 421 triệu đồng là nợ do chậm thanh toán, phải chịu lãi phạt phát sinh.

Việc chậm trả nợ của EVN không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của PVN mà còn kéo theo, làm ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của của chính PVN trong các hợp đồng vay vốn của Tập đoàn đối với các dự án điện, ảnh hưởng dây chuyền tới việc cung cấp khí, dịch vụ bảo dưỡng của các đối tác ở dự án Nhơn Trạch, Cà Mau 1&2…

EVN đang khó khăn về tài chính (ảnh minh họa theo Icon.com.vn)

Đồng cảnh ngộ với PVN là Tập đoàn Than- Khoáng sản (TKV). Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV cũng cho hay: “Hiện, riêng tiền điện của nhiệt điện Cẩm Phả bán cho EVN đang bị treo nợ khoảng 1000 tỷ đồng. EVN cần phải trả tiền cho chúng tôi để chúng tôi còn duy trì hoạt động sản xuất điện này”.

Ông Biên bày tỏ, việc chậm thanh toán của EVN ảnh hưởng lớn tới việc thu xếp vốn cho dự án nhiệt điện mà TKV đang triển khai.

Về phía EVN, đại diện tham gia cuộc họp này là Phó tổng giám đốc Dương Quang Thành không đưa ra hứa hẹn hay cam kết nào về việc trả các khoản nợ. Ông Thành chỉ bày tỏ về việc trong tháng 9, sẽ phải chạy dầu khoảng 960 triệu kWh để bù vào phần thiếu hụt do PVN ngừng cấp khí Nam Côn Sơn từ ngày 15- 30/9.

Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ: “Trên thực tế, đến nay, EVN vẫn chưa trả được khoản nợ nào. Tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn.”

Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã có chỉ đạo cho phép EVN huy động vốn lưu động thông qua kênh ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng tạo điều kiện cho EVN vay khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, EVN vẫn chưa vay được.

Ông Vượng nhấn mạnh: “Đây là việc mà EVN phải lo giải quyết. EVN cần phải đẩy nhanh việc huy động vốn, vừa để thanh toán một phần nợ nần cho PVN và TKV, vừa để có tiền mua dầu, chạy phát điện cho tháng 9.”

Bên cạnh đó, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn nhắc nhở thêm: “Riêng nguồn khí Nam Côn Sơn cung cấp cho các nhà máy điện Phú Mỹ, Nhơn Trạch, cụm Bà Rịa Vũng Tàu có tổng công suất lên tới 4000MW. Vì vậy, PVN cũng cần cố gắng rút ngắn thời gian bảo dưỡng, sửa chữa đường đồng, tránh việc ngừng cấp khí vào cao điểm cung cấp điện.

Tăng giá than: cần có đàm phán trước

Cũng tại cuộc họp giao ban của bộ này, nhiều vấn đề nóng khác đã được nêu ra. Trong đó, vấn đề thời sự khác là việc đàm phán khi tăng giá than của TKV.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn hóa chất (Vinachem) Nguyễn Gia Tường than phiền: “Chúng tôi đã nhận được thông báo của TKV tăng giá than cho phân bón là 15% từ 25/8. Điều này sẽ ảnh hưởng tới giá phân ure là 10% và phân lân nung chảy tăng thêm 5%. Chúng tôi chấp nhận tăng giá nhưng việc này cần có phối hợp tốt hơn giữa hai bên.”

Tỏ ra không hài lòng với cách thức tăng giá của TKV, ông Tường chia sẻ: “Thực tế đối tượng khách hàng của TKV là doanh nghiệp sản xuất, tiếp đó, khách hàng lại là nông dân nên khi TKV thông báo tăng ngay từ 25/8, Vinachem không thể điều chỉnh giá phân bón ngay lập tức với nông dân được.”

“TKV chưa thực hiện đúng pháp lệnh giá. Với mặt hàng than, TKV tăng giá mà chưa có thương thảo để DN có tinh thần chuẩn bị, dự trữ. Nếu cứ thông báo một chiều bằng văn bản, Vinachem sẽ khó khăn trong quản lý bởi nhiều doanh nghiệp con còn biết trước cả Tập đoàn”, ông Tường nhấn mạnh.

Giá cả tăng và nguy cơ lạm phát cũng là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp ngành công thương. Các DN sản xuất còn gặp khó vì lượng hàng tồn kho trong tháng 7 và 8 lớn, có DN tồn kho 20-30% sản phẩm làm ra.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa lưu ý, CPI tăng cao và còn 4 tháng nữa khả năng giữ được 1,32% trong 4 tháng cuối năm để đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ là khó khăn. Bà đề nghị các sở công thương cần xem xét các mặt hàng bình ổn tại địa phương và có kế hoạch kìm chế bình ổn giá, hạn chế thiếu hàng và giữ chỉ số CPI.

Phạm Huyền