(VEF.VN) – Nhìn nhận rằng nền kinh tế đang đứng giữa ngã ba đường và thời kỳ tăng trưởng phi mã trên 2 con số đã qua rất xa, nhưng các nhà kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tin tưởng rằng đây cũng chính là cơ hội để tái cấu trúc DN và nền kinh tế.

Đó là những ý kiến trao đổi tại diễn đàn "Cơ hội vượt lên trong năm 2012: Góc nhìn của các doanh nghiệp hàng đầu và tăng trưởng nhanh" do công ty Vietnam Report phối hợp với báo VietNamNet tổ chức tại TP.HCM ngày 6/9.

Xa rồi thời tăng trưởng nhanh

Phát biểu trước hàng trăm DN hàng đầu Việt Nam, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã qua “rất xa” thời kỳ tăng trường mạnh mẽ từ 2 con số trở lên. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng chậm lại, mức độ lạm pháp tăng cao, đồng tiền mất giá so với nhiều nước trong khu vực; chỉ số chứng khoán cũng “đi xuống” nhanh nhất trong các nước.

Toàn cảnh diễn giả trao đổi tại hội trường


Dự kiến chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2012 đề ra là khoảng 6,5%, thấp hơn so với mức 7.5% đề ra trong năm nay và thấp hơn chỉ tiêu đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011 – 2015…

“Rõ ràng nến kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Nếu có sự tái cơ cấu mạnh mẽ từ Chính phủ, từ các DN, phát huy được các tiềm năng về tài nguyên, lao động…thì nền kinh tế Việt Nam có thể tiến tới giai đoạn ổn định khoảng 2 năm sắp tới, rồi tiếp tục tăng trưởng ở mức độ bền vững hơn. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, rất có thể có một kịch bản khó khăn, kinh tế Việt Nam rơi vào trạng thái vừa tăng trưởng trì trệ, vừa lạm phát cao…Đấy là viễn cảnh rất tiêu cực” – tiến sĩ Doanh nói.

Dưới góc độ của chuyên gia tư vấn quốc tế, ông Edward Chien – Giám đốc Pricewaterhouse Coopers Việt Nam cho rằng ở Việt Nam đang có một nghịch lý là tăng trưởng tăng nhưng năng suất lao động không tăng, lạm pháp phi mã thì hiệu quả của nền kinh tế là không cao. Đáng lo ngại nhất vẫn là tốc độ lạm pháp, con số không chính thức có thể lên tới 33%/năm…

Phát biểu nhận định về nền kinh tế Việt Nam, tiến sĩ Alan Phan - Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa lại có cái nhìn “lạc quan” hơn. Theo ông, kinh tế vĩ mô xấu đi, nhưng kéo theo nó cũng có rất nhiều thay đổi và cơ hội cũng nhiều hơn…

“Các bạn nhớ những năm 2001, khi nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều đại gia người Việt đã biết vận dụng cơ hội để kiếm tiền và tạo ra khối tài sản ngày càng lớn..Hiện tại tôi cảm thấy rất lạc quan, bởi trong thời điểm khó khăn này cũng chính là thời gian tốt cho những người biết nắm bắt cơ hội” – TS  Alan Phan chia sẽ với lãnh đạo DN. 

Nắm bắt cơ hội để vươn lên

Trao đổi về khả năng “chèo lái” nền kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh tin rằng, năm 2012 sẽ là năm cải cách, tái cơ cấu mạnh mẽ của Chính phủ.

Theo ông, trước hết phải cải cách tài khóa và tài chính công, cắt giảm đầu tư công và cải cách DN Nhà nước. Chấm dứt việc doanh nghiệp nhà nước vay tiền nhưng sau đó Bộ tài chính đi trả nợ giùm. Ngoài ra phải thực hiện công khai minh bạch, về trách nhiệm giải trình và kiểm soát các lợi ịch nhóm. Nếu như không kiểm soát lợi ích nhóm, thì hiện nay rất nhiều các dự án đầu tư, như số sân golf đang tăng lên, rồi các dự án sử dụng nhiều đất đai, dùng vốn nhà nước, không biết sẽ mang lại lợi ích gì cho người lao động, nhưng chắc chắn mang lại lợi ích cho một số người nào đấy.

Ngoài ra cũng cần tăng cao tính dự báo của các chính sách và tăng đối thoại của Chính phủ đối với DN trước khi ban hành.

Ông Doanh còn lưu ý các DN cần giải quyết các nhu cầu vốn của mình, tránh các rủi ro về mặt tỷ giá, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đề phòng các rủi ro có thể xảy ra..

Ông Trương Đình Anh – Tổng giám đốc công ty cổ phần FPT trong phát biểu đã ví von rằng: tình cảnh hiện nay là “trong họa có phúc”. Theo ông Anh, FPT đã có thời kỳ rất tự tin với định hướng phát triển DN, khi có tới 35% số vốn đầu tư vào ngành nghề khác không quen thuộc. Tuy nhiên tới nay, tình hình khó khăn buộc DN này phải chuyển hướng, tái cấu trúc lại, chỉ đầu tư không quá 10% vào lĩnh vực, ngành nghề khác có tình rủi ro.

Một chủ doanh nghiệp đặt câu hỏi với diễn giả


“Tập trung vào ngành nghề chính sẽ tạo nên sức mạnh cho DN. Đó là bài học mà FPT rút ra tại thời điểm này” – ông Anh chia sẽ.
Tiến sĩ Alan Phan kể một câu chuyện từng “mắt thấy, tai nghe” để nói việc huy động vốn cho phát triển sản xuất mà theo ông “không khó để tìm”. Đó là trường hợp DN của ông Nguyễn Thanh Mỹ ở Trà Vình. Thật khó tin ở một tình thuộc diện khó khăn nhất nước lại có một DN sản xuất công nghệ cao để xuất khẩu, kiếm tiền triệu USD.

“Chính việc chọn lựa lĩnh vực đầu tư, cách điều hành quản lý DN thuộc diện “hiện đại, chuyên nghiệp như ở Mỹ” mà DN này đã nhận được sự đầu tư 12 triệu USD của một quỹ đầu tư từ Pháp..” – tiến sĩ Alan Phan cho biết. 

Cho lời khuyên về khả năng DN Việt Nam làm gì để thu hút nguồn vốn từ nước ngoài, ông Edward Chien – Giám đốc Pricewaterhouse Coopers (Việt Nam) lưu ý các DN Việt Nam nên áp dụng hệ thống tài chính, kiểm toán quốc tế, bởi các nhà đầu tư nước ngoài luôn có tâm lý e ngại các đánh giá tài chính trong nước, thường độ chuẩn xác chưa cao..

Còn theo diễn giả tiến sĩ John Vong, CEO Leadership Corporation Australia để đưa sản phẩm công nghệ của Việt Nam ra toàn cầu thì ngoài vai trò hỗ trợ của Nhà nước, các DN phải đăng ký ở nước xuất khẩu để nhận được tài trợ và bảo hộ trí tuệ…

Tại hội nghị, CEO của DN trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình kể lại câu chuyện một nhà đâu tư tài chính nước ngoài quan tâm tới DN của ông. Hỏi lý do, nhà đầu tư quốc tế này cho biết hai lĩnh vực lương thực và năng lượng đang rất “nóng”, rất dễ nhận đầu tư…

Đồng tình với với ý kiến này, tiến sĩ Alan Phan cho rằng ngành nông nghiệp vẫn là “cốt lõi” của nền kinh tế Việt Nam, tiếc là mức độ quan tâm từ Chính phủ đang giảm đi. Đây là ngành mà Việt Nam có lợi thế rất lớn về đất đai, tài nguyên…đảm bảo cho sự tăng trưởng, phát triển bền vững.

Còn với các DN viễn thông ở Việt Nam, CEO FPT Trương Đình Anh cho rằng, sự cạnh tranh khốc liệt khiến thị trường viễn thông phát triển tới mức bão hòa, nhưng thị trường nội dung số vẫn còn nhiều cơ hội phát triển cho các DN biết nắm bắt thời cơ, làm ăn bài bản, nhìn xa trông rộng.     

Năm 2012: Cộng đồng DN có cái nhìn lạc quan  
 

Ông Vũ Đăng Vinh - Tổng giám đốc công ty VietNam Report:
Công ty Vietnam Report thường xuyên gửi phiếu điều tra đến DN để cập nhật tình hình, cũng như là xu thế phát triển, với kỳ vọng tạo cầu nối giữa công đồng DN, đặc biệt là cộng đồng lãnh đạo DN Việt Nam đối với đánh giá về hiện trạng phát triển cũng như chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm vừa qua.

Trong lần điều tra này, chúng tôi có gửi phiếu hỏi tới công đồng 500 DN lớn nhất Việt Nam, 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, 1000 DN nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Hôm nay, chúng tôi cũng công bố báo cáo điều tra về môi trường kinh doanh của Việt Nam với ý kiến trả lời của 250 DN.

Đánh giá chung, cộng đồng DN có nhận định là trong năm 2011 có những khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực huy động vốn, rào cản về chính sách, các triển vọng… Phần lớn các DN có nhìn nhận năm 2012 là tích cực.

Chúng tôi cũng ghi nhận các khuyến nghị từ cộng đồng DN để có những bước đột phá, cải tổ trong chính sách quản lý tiền tệ, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Đồng thời DN cũng có những bước chuẩn bị nhằm đối phó với quản trị về rủi ro, trong tình hình bất ổn.        

Ông Trương Đình Anh – TGĐ FPT: Tiết kiệm chi phí, giảm nhân sự  


Khi mà cả xã hội khó khăn thì FPT cũng không phải là ngoại lệ. Ngay từ đầu năm chúng tôi đã xác định triển vọng kinh doanh năm nay là rất khó khăn. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường “hợp lực” trong toàn bộ tập đoàn, tiết kiệm chi phí, tăng cường rà soát lại nhân sự…


Thực tế trong 6 tháng đầu năm 2011, doanh thu của FPT tăng 22%, nhưng số cán bộ giảm 0,6%, doanh thu lợi nhuận trên mỗi đầu người sẽ tăng lên, trong khi chi phí sẽ giảm đi. Làm được điều này, chúng tôi sẽ có nhiều nguồn lực hơn, để huy động cho phát triển trong bối cảnh khó khăn.  

       
Thái Thiện