Sôi động nhất là làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội - "vựa bánh Trung thu siêu rẻ" ở miền Bắc. Con đường dẫn vào làng dù đã được bê tông hóa nhưng bụi, khói vẫn bay mịt mù bởi hàng chục chuyến ô tô tải nối đuôi nhau đến lấy hàng.

TIN BÀI KHÁC

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Trung thu, các cơ sở sản xuất bánh kẹo gia công tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, làng Dương Liễu, làng La Phù, huyện Hoài Đức đồng loạt cho ra thị trường những sản phẩm có bao bì rất bắt mắt, giá lại hợp túi tiền. Tuy nhiên, chất lượng và độ an toàn của những lô bánh bình dân này thì…

Bánh bình dân kéo vào siêu thị


Theo địa chỉ ghi trên bao bì của túi bánh đang bán đại trà ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai - Hà Nội, chúng tôi tìm đến làng Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Con đường dẫn vào làng đi giữa cánh đồng lúa xanh mát mắt trát đầy những đống sắn phơi - thứ nguyên liệu chính để làm bánh Trung thu. Phía bên tay phải, một người phụ nữ tay cầm chiếc xẻng xúc từng mớ sắn vào bao tải. Ngay bên cạnh, đôi vợ chồng trẻ đang nhặt những miếng sắn lấm lem bùn đất vương vãi khắp nơi. Dù ngày tết Trung thu đã cận kề, trên thị trường, những sản phẩm bánh kẹo phục vụ dịp lễ này cũng đã gần như bão hòa nhưng không phải vì thế mà không khí sản xuất ở làng bánh Dương Liễu này bớt đi sự sôi động. Theo kinh nghiệm của những hộ làm bánh ở đây, nhu cầu bánh Trung thu không chỉ tập trung vào đúng dịp lễ hội trăng rằm mà còn âm ỉ cả hàng tuần sau đó. Đây chính là thời điểm thích hợp để họ tung ra thị trường sản phẩm, vừa "tránh mặt" được những thương hiệu bánh lớn, vừa vẫn bán được hàng.


Nhiều loại bánh được bày bán trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đi dọc theo con mương đã được bê tông hóa nhưng luôn bốc mùi thum thủm, tận mắt chứng kiến người dân chế biến sắn mà rợn tóc gáy. Chúng tôi gặp hai người đàn ông đang chất những khối sắn đã qua khâu sơ chế lên chiếc xe cải tiến. Nước từ khối sắn chảy lênh láng dọc thành xe. Họ bảo miếng sắn thô mua về nghiền thành bột, rồi ngâm nước đến khi sắn đặc quánh, có mùi chua thì mới vớt lên đóng thành khuôn. Sau đó chờ cứng mới đem bán cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo. Một công nhân làm bánh trong làng tiết lộ rằng, sở dĩ bánh kẹo Dương Liễu rẻ hơn nơi khác nhiều lần là do chi phí nguyên liệu rất thấp. Từ socola, bánh quy đến mứt tết, bánh Trung thu đều có thể làm từ sắn. Và bằng một con đường đặc biệt, những loại bánh kẹo làm từ bột sắn này vẫn có thể len lỏi vào tận các siêu thị lớn ở Hà Nội dưới các nhãn mác khác nhau.

Cách Dương Liễu không xa, làng Nủa thuộc xã Hữu Bằng, Thạch Thất cũng đang hối hả chạy đua với thời gian để làm ra những loại bánh, kẹo cung cấp cho các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai. Vốn nổi tiếng với chợ Nủa - chợ bán nông cụ lao động, nhưng khi nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều nhà đã đầu tư máy móc, công nghệ, thu mua nguyên liệu về làm bánh Trung thu tung ra thị trường. Không cần thương hiệu cũng chẳng cần nhãn mác, thứ bánh bình dân sản xuất tại đây vẫn có "đất sống" đàng hoàng tại các cửa hiệu tạp hóa hoặc những khu chợ nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Bánh "siêu rẻ" về nông thôn

Sôi động nhất là làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội - "vựa bánh Trung thu siêu rẻ" ở miền Bắc. Con đường dẫn vào làng dù đã được bê tông hóa nhưng bụi, khói vẫn bay mịt mù bởi hàng chục chuyến ô tô tải nối đuôi nhau đến lấy hàng.


Những chiếc bánh trần do làng La Phù sản xuất nhìn bên ngoài thì đẹp mắt nhưng bên trong lại rệu rã như cơm nguội

Theo lời giới thiệu của một chủ đại lý bánh Trung thu, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất bánh Trung thu Ngọc Khánh của một người đàn ông có tên là Vinh "rắn". Cơ sở sản xuất Ngọc Khánh có khoảng hơn 50 công nhân đang hì hục quấy bột, nặn bánh, đóng bao. Điều ngạc nhiên là tất thảy công nhân đều không dùng găng tay mà cứ tay trần nhào, khuấy, nặn. Phía bên trong ngôi nhà, gần nhà vệ sinh có một chiếc thùng hoen gỉ, nơi hai người phụ nữ mồ hôi nhễ nhại đổ nguyên liệu, rồi quấy đều. Khi quấy xong, một nhân công khác cầm chiếc chậu cáu bẩn, màu vàng nhơ vục một chậu đầy rồi đem ra góc nhà nơi 4 - 5 nhân công khác đang chờ sẵn. Đám nhân công khác hối hả cấu từng miếng bột, vo tròn, rồi nhét một cục nhân màu xanh đen làm bằng bột đậu vào giữa. Mọi công đoạn diễn ra nhanh chóng, khẩn trương để "chạy đua" với thời gian. Ngay lối vào xưởng bánh, chúng tôi đã ngộp thở bởi cái mùi chua gắt từ nhân bánh quyện với mùi nước thải. Rác thải vương vãi khắp nơi. Vì thế mà ruồi nhặng phát triển đến cả ngàn con. Chúng có ở khắp nơi. Một mẻ bánh vừa được ra lò chưa kịp cất đã bị đám ruồi như những hạt đậu đen bâu kín.

Theo một cơ sở sản xuất bánh ở La Phù, so với nhiều loại bánh có thương hiệu như Xuân Đỉnh hay các loại bánh cao cấp nhập khẩu từ nước ngoài, thì bánh Trung thu La Phù không thể sánh bằng. Chính vì thế mà hầu hết các cơ sở sản xuất bánh ở La Phù đều lấy tiêu chí khối lượng và giá cả là hàng đầu, khách hàng mà họ hướng đến là tầng lớp bình dân và khu vực tiêu thụ chủ yếu ở nông thôn. "Ở nông thôn, người ta không bao giờ quan tâm đến chất lượng, miễn sao là to, rẻ là được. Vì thế chúng tôi bán theo cân chứ ít khi bán từng cái" - Chủ cơ sở sản xuất nói.

(Theo  Pháp luật xã hội)