Chỉ cần chấm, phun hay nhúng một lượng thuốc nhỏ, những nải chuối, đu đủ, cà chua vừa cắt về với màu xanh đậm chỉ sau thời gian ngắn đã ngả sang màu đỏ, vàng ươm, sáng, vỏ trơn nhẵn.
TIN BÀI KHÁC
Chỉ bán cho người quen
Tại một số địa phương ở ngoại thành Hà Nội cũng như một số vùng của Hưng Yên, Hòa Bình… người dân vẫn đang sử dụng đất đèn và gần đây là một loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ để làm chín nhanh, tạo mã đẹp cho các loại hoa quả như chuối, cà chua, đu đủ, hồng xanh…
Lân la làm quen với bà Nguyễn Thị Tám, bán hàng ở chợ Xuân Mai (Chương Mỹ - Hà Nội) chúng tôi được bà tiết lộ, trước đây những người trồng, bán chuối, đu đủ, cà chua… ở đây hay dùng hương, đất đèn để giấm chín nhưng giờ họ lại sử dụng một thuốc giấm của Trung Quốc để quả nhanh chín hơn và có mã đẹp, sáng, nhẵn hơn.
Sau nhiều lần tiếp cận chúng tôi được một người phụ nữ bán đu đủ ở chợ Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), tên Chung (quê Hòa Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình) tiết lộ cho chúng tôi biết. Để đu đủ nhanh chín, trước đây sau khi cắt quả xanh về, gia đình chị và nhiều gia đình khác hay dùng đất đèn để giấm, nhưng đất đèn có mùi khó chịu, mùi của lại ám vào hoa quả và thời gian lâu. Còn khi dùng loại thuốc giấm này thời gian giấm giảm, quả chín vàng đều, đẹp mã hơn. Bên cạnh đó cũng nhờ vào tác dụng của thuốc vỏ các loại quả dày và cứng hơn, khi vận chuyển tránh được việc bị dập, nát.
Chị Chung cho biết thêm, thuốc ghi toàn tiếng Trung Quốc, nhưng ở vỏ ghi có tên Việt Nam là “Thúc chín tố”, giá của nó rất rẻ chỉ 1.000 – 1.500 đồng/ ống (5ml), công dụng rất cao. Thuốc vừa có thể phun trực tiếp lên cây để quả chín như chín cây hay ngâm quả hoặc chấm vào núm của quả. Khi chúng tôi hỏi về nơi bán của loại thuốc “Thúc chín tố”, chị bảo, ra các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hầu như đều có.
|
Loại thuốc "Thúc chín tố" mà chị Chung nhắc đến, để mua nó chúng tôi phải nhờ
một số người nông dân "quen mặt" tại khu vực Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội). |
Thế nhưng khi đi tìm mua ở nhiều cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật khác nhau ở Xuân Mai (Chương Mỹ), Phùng (Đan Phượng), Văn Giang, Yên Mỹ (Hưng Yên)… chúng tôi đều chỉ nhận được những cái nhìn đầy dò xét, nghi ngờ của người bán hàng với hàng loạt các lời từ chối không có bán, hàng đó hàng cấm ai bán, nhà không bán hàng xách tay đấy.
Người bán hàng tại cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực bốt Phùng (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) còn khẳng định giờ ở đây không ai bán loại thuốc giấm này, nhưng sau khi chúng tôi vừa đi khỏi lại lấy ra bán cho một người nông dân ở đây mua về giấm cho cà chua của gia đình.
|
Theo nhiều nông dân ở một số địa phương ngoại thành Hà Nội; Hưng Yên thì cà chua cũng là loại rau quả bị giấm bằng loại thuốc này.
|
Không trực tiếp đi mua được, chúng tôi đã phải nhờ mấy người nông dân ở Xuân Mai (Chương Mỹ), Đan Phượng (Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên) mua giúp loại thuốc này. Chỉ mất chưa đầy 10 phút ở các cửa hàng cùng những người nông dân thực thụ tại các địa điểm trên, chúng tôi đã có trong tay những ống thuốc giấm này với giá bán lẻ 1.000 – 1.500 đồng/ ống. Còn mua cả hộp 20 ống giá từ 18.000 – 25.000 đồng.
Hiệu quả cao lại ít độc (!?)
Quan sát vỏ hộp thuốc giấm này chúng tôi thấy ngoài những dòng chữ tiếng Trung Quốc còn có cả những dòng chữ tiếng Việt được ghi rất rõ ràng. Theo thông tin từ những dòng chữ tiếng Việt thì tên thuốc là “ Hoa quả thúc chín tố” với hoạt chất “ethrel dạng lỏng – 40%”, nơi sản xuất là Nhà máy nông nghiệp hóa công Nam Ninh Quảng Tây. Thuốc được sản xuất theo tiêu chuẩn G2312 - 1992… Mỗi hộp có 20 ống nhựa mềm với dung tích là 5ml, ở vỏ có tem màu vàng ghi toàn tiếng Trung Quốc và dòng chữ “ Thúc chín tố” được in nổi trên thành ống.
|
Sử dụng loại thuốc này pha với nước dùng cho việc giấm chuối. |
Theo giới thiệu trên bao bì của sản phẩm và những người nông dân đã sử dụng cho biết. Thuốc “Thúc chín tố” có công dụng làm nhanh chín hoa quả, làm cho quả bóng đẹp, cải thiện thực chất, chất lượng quả. Lượng thuốc sử dụng ít mà chất lượng đạt cao. Một chủ hàng thuốc bảo vệ thực vật ở Liên Nghĩa (Văn Giang, Hưng Yên) còn cho biết, chỉ với 10 ống thuốc này với giá 10.000 đồng là có thể làm cho cả tạ hoa quả chín đều trong thời gian ngắn với mã rất đẹp và để được lâu.
|
Những điều trái ngược về thành phần, độ độc của loại thuốc này ngay trên
vỏ bao bì bằng tiếng Việt. |
Theo chỉ dẫn trên vỏ hộp thì thuốc có tác dụng trên các loại quả: chuối, dứa, xoài, hồng, lê, cam, chanh, cà chua, chuối, cam...
Cũng trong hướng dẫn sử dụng còn ghi rõ ràng cách thức pha chế để sử dụng, ví như với chuối mới chặt về, dùng một ống 5ml pha với 2 lít nước rồi ngâm chuối trong dung dịch đó khoảng 10 phút, phơi khô và cho vào ủ. Khi quan sát chúng chúng tôi cũng thấy sự trái ngược về thông tin trên bao bì và cảnh báo trong hướng dẫn sử dụng. Trong khi vỏ hộp đề dòng chữ “ ít độc” thì bên trong lại ghi dòng chữ “Thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích với mắt và da, nên chú ý ngăn tránh tiếp xúc trực tiếp với thuốc”.
Cũng theo một số người dân ở Chương Mỹ (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên) đã sử dụng thuốc “Thúc chín tố” cho biết, không có chuyện “ít độc” vì rất nhiều người khi sử dụng thuốc mà không dùng đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang đã gặp phải một số bệnh ngoài da, chóng mặt, đau đầu.
Tra trên Danh mục Thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng ở Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành theo thông tư số 36/2011/TT - BNNPTNT ngày 20 tháng 05 năm 2011, chúng tôi không hề thấy tên của loại thuốc giấm hoa quả mang tên “Thúc chín tố” này.
Theo TS Nguyễn Tất Khang (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, ông đã được chứng kiến nhiều người nông dân ở các vùng ngoại thành Hà Nội trước đây hay dùng đất đèn để giấm cho các hoa quả và gần đây cũng nghe nói về một loại thuốc lạ của Trung Quốc dùng để giấm hoa quả rất công hiệu.
“Tôi đã được nghe thuốc Thúc chín tố, tuy chưa làm kiểm định nhưng tôi khẳng định, về mặt sinh học, bất kỳ loại hoa quả nào cũng phải đủ ngày, đủ tháng thì mới chín và đảm bảo về chất lượng. Còn khi tác động để rút ngắn quá trình này bằng bất cứ cách nào thì đều không tốt cả. Bởi khi làm chín ép thế sự chuyển hóa sẽ diễn ra vội vàng, chất này chưa tổng hợp xong, đã phải chuyển sang chất khác. Hoa quả chín như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng như chín tự nhiên”, ông Khang cho biết.
Cũng theo ông Khang, việc người nông dân sử dụng loại thuốc này mà trong danh mục thuốc cho phép sử dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam không có là vi phạm, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp để xử lý nghiêm.
“Các bà nội trợ khi đi chợ cũng cần xem xét kỹ các loại hoa quả, tránh mua những loại quả mà sờ vào thấy còn cứng, nhìn cuống còn non mà đã chín có màu quá sặc sỡ, trơn, bóng, bởi rất có thể nó đã được giấm bằng một loại hóa chất nào đó và khi sử dụng những loại hoa quả đó thì chắc chắn sẽ có những tác hại đến sức khỏe”, ông Khang đưa ra lời khuyên.
(Theo PLXH/ aFamily)