(VEF.VN) - Viện phí, giá điện, xăng, vé máy bay... liên tiếp đề nghị tăng. Dù chưa có quyết định nào cụ thể, song, những động thái này khiến người dân bất an. Dưới sự cộng hưởng của nhiều yếu tố và tác động dây chuyền, liệu một làn sóng tăng giá mới sẽ đến?
Không tăng không xong
Mới đây, tận dụng một cuộc họp về phát triển điện, các DN đã đồng loạt đòi tăng giá. Thậm chí, họ còn muốn tăng giá điện ngay trong tháng 9.
Dường như, tăng giá là yêu cầu thường trực đối với EVN và các DN sản xuất điện khác. Kêu ca mọi lúc, mọi nơi, nhiều lúc tăng giá được đặt ra như một điều kiện đầu tiên trước khi họ nói đến việc phát triển nguồn điện theo quy hoạch mới. Đó như một sự "mặc cả" là việc tăng giá điện sẽ làm cho các mục tiêu trong quy hoạch điện VII thuận lợi hơn. Tăng giá điện cần "càng sớm càng tốt", và không tăng là không xong.
Theo EVN, trước mắt, việc điều chỉnh giá bán điện phải đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và hạch toán bù phần lỗ năm 2010. Hơn thế, giai đoạn 2011-2015, EVN sẽ sẽ cần tới 520.000 tỷ đồng nhưng đến nay, mới cân đối được 247.000 tỷ đồng, còn 277.000 tỷ chưa biết kiếm ở đâu. Nhiều dự án đang bị treo chỉ vì thiếu vốn. Năm 2010, EVN lỗ trên 8.500 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2011, con số lỗ tăng thêm 2.000 tỷ đồng. Vốn khấu hao không đủ trả nợ vay hằng năm. Do đó, cần phải tăng giá điện.
Đòi tăng giá điện chưa kịp lắng, thì người dân lại được dịp lo lắng khi Bộ Y tế cũng bày tỏ "ý chí" kiên quyết tăng viện phí. Và cũng như điện, viện phí tăng đang được đặt ra như là đòi hỏi đầu tiên nếu muốn tăng chất lượng khám chữa bệnh và cơ sở y tế.
Bộ Y tế đề xuất đồng loạt điều chỉnh tăng giá 350 dịch vụ khám chữa bệnh. Phương án sẽ được hoàn tất trong năm nay để trình Thủ tướng quyết định và thực hiện vào đầu năm tới.
Tất nhiên, đề xuất này lập tức nhận được sự ủng hộ từ phía các bệnh viện, các đơn vị liên quan như Bảo hiểm Y tế... Có vẻ như, sau nhiều lần bị trì hoãn, việc tăng viện phí sẽ thành công dù những bức xúc quanh nó vẫn chưa được giải quyết.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã phải "bác" đòi hỏi tăng giá xăng. Cơ quan trọng tài về giá yêu cầu, trước mắt, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu, tiếp tục trích quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít (kg) xăng dầu bán ra.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, khi giá xăng dầu thế giới xuống thấp, sức ép giảm giá đặt ra song Bộ Tài chính đã chứng minh chưa thể giảm vì DN vẫn đang lỗ. Bây giờ, giá dầu đã dần tăng trở lại, những cơ hội giảm giá đi qua. Việc không cho tăng giá được cho là giải pháp tình thế để giữ mặt bằng giá chung, ổn định lạm phát, chứ về lâu dài là khó tránh khỏi bởi DN kêu lỗ.
Cùng với giá xăng dầu, các hãng hàng không vừa đề xuất tăng trần giá vé máy bay nội địa lên 1,5 lần so với mức giá cao nhất hiện nay. Nếu đề xuất này được chấp nhận, giá vé khứ hồi chặng bay TP.HCM - Hà Nội sẽ lên đến 8 triệu đồng/vé.
Nguyên nhân tăng giá được cho là do chi phí tăng cao, mà chủ yếu là giá xăng dầu tăng quá lớn. Nếu không đồng ý, các hãng bay sẽ gặp khó khăn và thua lỗ...
Nhiều đề xuất tăng giá liên tiếp được đưa ra, và các bên đều có lý do để tăng giá. Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả cho rằng, với những lý do đó, sẽ còn rất nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ khác cũng "hùa theo" đòi tăng giá. Đó là thực tế mà chúng ta đã chứng kiến hồi đầu năm 2011. Rất có thể, điều đó sẽ tiếp tục xảy ra khi lộ trình giá thị trường tiếp tục được đẩy mạnh.
Sóng giá sẽ ập tới
Trên thực tế, tính từ năm 2003, Bộ Y tế đã nhiều lần đệ trình việc thay đổi viện phí nhưng đều bị phản đối. Lần này, tân Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, giá dịch vụ khám chữa bệnh đã lạc hậu và phải quyết liệt thay đổi. Bà bày tỏ, đây là việc có lợi cho người dân và mục đích chung.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu Bộ Y tế cố gắng trong năm nay trình Chính phủ dự thảo mức điều chỉnh viện phí đã quá lỗi thời để đưa vào thực hiện từ đầu năm tới.
Với tình hình này, tăng viện phí gần như chắc chắn sẽ xảy ra vào năm 2012.
Ngay lập tức, sau khi có chủ trương tăng viện phí, Bảo hiểm Y tế đã cảnh báo quỹ này hiện còn kết dư sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Như thế, chắc chắn Bảo hiểm Xã hội sẽ phải tăng phí bảo hiểm y tế để có đủ khả năng chi trả, thanh toán cho người bệnh. Bảo hiểm Xã hội cũng đang tính toán mức tác động của việc tăng viện phí đối với việc thanh toán bảo hiểm y tế. Có thể, cơ quan này sẽ đề nghị tăng phí bảo hiểm y tế lên mức tối đa mà luật cho phép - tức 6% lương tối thiểu.
Như vậy, tăng viện phí không chỉ đánh trực tiếp vào người bệnh phải chữa trị mà các đối tượng khác cũng tốn kém thêm một khoản trích trực tiếp từ lương. Thậm chí, sau tác động này, sẽ có những hệ lụy khác từ việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không phải tất cả đã được tính đúng và đủ trong đề xuất của Bộ Y tế.
Trong khi đó, đối với giá điện, dù Bộ Tài chính đã yêu cầu phải tính toán thận trọng và gần như không thể đồng ý với việc tăng giá trong tháng 9, nhưng chính Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thừa nhận là cần thiết.
Thực tế, theo lộ trình đã được phê duyệt, những năm tới sẽ liên tiếp điều chỉnh tăng khung giá điện hàng năm. Thậm chí, theo quy định mới đây, giá điện sẽ được điều chỉnh theo quý trên cơ sở giá đầu vào. Vấn đề là các DN đang muốn gây sức ép để được tăng giá nhanh hơn và thực hiện các quy định này sớm hơn trong khi cơ quan quản lý đang muốn tạm dừng vì lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, nếu tăng giá điện thì sẽ tạo cớ cho một nhóm giá nhiên liệu khác - vốn đang cho là bị "kìm hãm" - là than - điều chỉnh tăng lên. Một khi hai nhóm nhiên liệu này tăng thì rất nhiều nhóm hàng năng lượng khác cũng tăng lên trên một mặt bằng chung.
Đối với giá xăng dầu, việc chưa tăng giá hiện nay chỉ là tình thế và ngắn hạn. Bởi vì, trong các tính toán gần đây, kể cả thời điểm giá xăng dầu xuống thấp như hồi đầu tháng 8 nhưng xăng dầu vẫn chưa hết lỗ thì cơ hội giảm không còn, khả năng tăng giá lại lớn lên.
Theo Bộ Tài chính, giá xăng, dầu trong nước theo nguyên tắc: đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người tiêu dùng - doanh nghiệp và Nhà nước, kiên trì thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng Bộ Tài chính cũng không quên nhắc lại, nếu giá thế giới tăng, thì điều chỉnh giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì việc giảm giá không phải là đầu tiên mà là khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý (đối với xăng, mazút) và thực hiện giảm giá bán (khi có điều kiện).
Trước đây, một lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận, giá xăng muốn theo thị trường đầu tiên phải đưa về điểm cân bằng. Tuy nhiên, với thực tế, DN còn bị lỗ, thuế còn giảm thì việc giảm giá sẽ còn xa vời. Bởi, chỉ khi thuế thu đủ, DN hết lỗ thì mới nghĩ đến giảm giá. Và như thế, khi giá dầu thế giới có xu hướng phục hồi thì xăng dầu e khó trì hoãn tăng giá lâu.
Kinh nghiệm cho thấy, khi điện và xăng tăng giá - hai chi phí đầu vào lớn của mọi ngành sản xuất - thì tất cả các lĩnh vực sản xuất đều bị ảnh hưởng và buộc tăng giá theo. Điều này đã được minh chứng qua thực tế đầu năm 2011. Chính Bộ Tài chính đã tính toán, tăng giá điện và xăng làm tăng giá các mặt hàng và lạm phát thêm khoảng 2% cho cả năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó mới chỉ là tác động vòng một. Mức tăng giá này sẽ lan tới các hàng hóa khác, chưa thể tính hết được. Thậm chí, điện và xăng tăng giá luôn là cái cớ để thị trường lợi dụng đẩy giá lên.
Ngoài ra, nếu hàng không tăng giá vé vì chi phí đầu vào tăng, cụ thể là giá xăng dầu chiếm phần lớn thì các ngành vận tải khác từ đường bộ, đường sắt đều có thể viện cớ này đòi tăng theo.
Cùng lúc, nhiều nhân tố có thể tác động đến mặt bằng giá cả, như: tăng lương ở DN, chu kỳ tăng giá hàng hóa do nhu cầu cuối năm, tỷ giá điều chỉnh tăng... đang là những tác nhân tiềm ẩn đè nặng lên giá.
Thông lệ mấy năm gần đây cho thấy, cố cầm cự qua giai đoạn căng thẳng cuối năm, các đề xuất tăng giá sẽ bị tạm dừng nhưng mọi việc sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp. Thời điểm đó thường là đầu năm. Việc này ngày càng trở nên "thông lệ" khi chính sách giá thị trường đang kiên trì được thực hiện.
Lê Khắc