(VEF.VN) - Từ số liệu thống kê đến thực tế hoạt động của ngân hàng và các thị trường liên quan cho thấy, lo ngại về sự dịch chuyển của dòng tiền khỏi kênh tiết kiệm đang dần hiện hữu. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn lúng túng khi "cao kiến" tăng lãi suất vượt rào bị cấm, còn các kênh đầu tư khác lại hấp dẫn khi giá đang khá rẻ.
Tiền "chảy" khỏi ngân hàng
Theo thông tin từ giới ngân hàng, gần đây, số dư tiền gửi trên toàn hệ thống ngân hàng đã có dấu hiệu sụt giảm. Con số ban đầu cho thấy, huy động vốn tính đến 12/9/2011 so với 31/12/2010 tăng 10,72%. Tuy nhiên, nếu lấy thời điểm 12/9/2011 so với 31/8/2011 thì tốc độ tăng trưởng huy động vốn giảm 0,26% và so với 9/9/2011, tỷ lệ này giảm 0,25%.
Quyết định thực hiện trần lãi suất có từ ngày 7/9/2011. Tuy nhiên, những thông tin chính xác về điều này đã có từ cuộc họp với 12 ngân hàng cuối tháng 8 nên rất nhiều người đã liên tưởng thực tế trên với việc thực hiện trần lãi suất 14%.
Mọi việc có vẻ đã rõ ràng hơn khi chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội nhận được rất nhiều lời kêu ca của các ngân hàng trên địa bàn về lượng tiền gửi bị rút. Ít thì vài chục tỷ, nhiều có khi vài trăm tỷ.
Thậm chí, giám đốc một ngân hàng cổ phần chi nhánh ở Hà Nôi cho biết, trước mắt, lượng tiền gửi vào ngân hàng có phần giảm có thể chưa đáng kể. Song, nguy cơ này có thể lớn lên khi các kênh đầu tư khác hấp dẫn, còn lạm phát thì vẫn tiến lên mức cao hơn.
Con số thống kê mới nhất trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tiền gửi tiết kiệm tháng 9 giảm 2,42% so với tháng 8. Cụ thể, theo báo cáo của Cục thống kê Hà Nội, đến hết tháng 9, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố đạt ước 746.289 tỷ đồng, giảm 0,76% so với cuối tháng 8 và giảm 6,15% so với tháng 12/2010. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm giảm 2,42% so với cuối tháng 8 và giảm 5,23% so với cuối tháng 12/2010.
Đến thời điểm này, sau những lo lắng, các ngân hàng không ngần ngại công bố những con số ảnh hưởng đầu tiên đến hoạt động của việc huy động vốn. Trao đổi mới đây, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc NH Đông Á (DongA Bank), nói rằng ngân hàng này "bốc hơi" trung bình 20 tỷ đồng/ngày. Còn lãnh đạo một ngân hàng khác lại cho biết, cả hệ thống của ông sụt giảm 200 tỷ đồng sau gần 2 tuần áp dụng trần lãi suất 14%/năm.
Trong khi đó, một thông tin khác đang được chính các ngân hàng truyền nhau là có những một vài ngân hàng lớn ở Hà Nội trong thời gian qua đã bị hụt đi trên dưới 1.000 tỷ đồng huy động vốn mà nguyên nhân cũng được quy cho là do lãi suất kém hấp dẫn hơn trước.
Trong khi đó, dường như các ngân hàng lại đang khó khăn trong huy động vốn dân cư và phải tăng cường vay mượn lẫn nhau hoặc trông chờ vào sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.
Mấy ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)đã thực hiện những động thái bơm tiền khá mạnh. Ngày 21/9, NHNN đã bơm ra 10.000 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO), kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 14%/năm. Đây là lượng vốn lớn nhất trong ngày mà NHNN bơm ra trong 3 ngày đầu tuần. Đồng thời, NHNN cũng hút về 8.000 tỷ đồng, đưa mức bơm ròng trong ngày đạt 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ 3 phiên đầu tuần này, NHNN đã bơm ra 14.000 tỷ đồng trên OMO và hút về 10.000 tỷ đồng, đưa mức bơm ròng vốn lên 4.000 tỷ đồng.
Còn lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng đang tăng lên. Ngày 19/9, kỳ hạn 1 tuần ở mức 14,3%/năm, 2 tuần 14,8%/năm, kỳ hạn 1 tháng từ 15,8-16%/năm.
Trong khi các ngân hàng đang đối mặt với tình trạng mất vốn thì chứng khoán và vàng lại đang ghi nhận sự tăng lên đáng kể của dòng tiền. Nếu như cách đây 2 tuần, chứng khoán mới chỉ đặt hy vọng dòng tiền sẽ quay lại sau khi lãi suất hạ thì đến thời điểm này có vẻ như điều đó đã là hiện thực.
Lãnh đạo Công ty chứng khoán VietinBank (CTS) cho rằng, dù ít hay nhiều thì vốn của thị trường ngân hàng đang chảy sang thị trường chứng khoán. Điều này được thể hiện thông qua việc nộp tiền ròng vào tài khoản giao dịch tại Công ty chứng khoán VietinBank. So với thời điểm tháng 8 vừa qua, giao dịch của công ty CTS đã tăng tới 20-30%. Theo thống kê của CTS, trên toàn bộ hệ thống của các công ty chứng khoán, lượng tiền gửi của các cá nhân cũng như tổ chức đã tăng lên khoảng khoảng từ 4.000-6.000 tỷ đồng.
Nhìn nhận diễn biến đó, nhiều chuyên gia nhận định, số tiền này có thể tăng lên khi thị trường đang ở trong trạng thái giá thấp còn người mua được kích thích bởi những cơn sóng ngắn tăng giá. Chính vì thế, giới chứng khoán tự tin số người chuyển tiền gửi ngân hàng sẽ chuyển dần sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán sẽ tăng lên.
Việc hút vốn trong dân càng thấy rõ hơn trên thị trường vàng. Cuối tuần trước, khi vàng xuống đến mức 46,5 triệu đồng và dù còn cao hơn gần 2 triệu so với giá thế giới, người dân đã đổ tiền mua vào rất mạnh. Các công ty vàng bất ngờ trước tình huống này đã không kịp cung ứng vàng miếng và bày nhiều lý do để hạn chế bán ra.
Nhu cầu vàng cũng đang tăng lên, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp cấp thêm quota nhập khẩu vàng cho các DN với số lượng gần đây lên đến 4 tấn. Trong khi đó, các DN đã kêu ca gần như hết vàng để bán và phải xin nhập thêm vì hầu hết vàng về đến nơi đã bán hết.
Mới đây, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) riêng ngày 16/9, SJC đã bán ra 11.000 lượng, trong khi đó mua vào chỉ khoảng 3.000 lượng. Còn Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán ra 3.000 lượng, mua vào 1.000 lượng. SJC cho biết trong ngày 19/9 bán ra khoảng 7.000 lượng, mua vào 2.000 lượng, còn PNJ bán ra 2.500 lượng, mua vào 800 lượng.
Áp lực quay lại lãi suất
Không thể đứng nhìn dòng tiền ra đi, các ngân hàng đã tìm mọi cách để hấp dẫn tiền gửi, nhưng xem ra tất cả đều đang lúng túng vì người dân vốn đã quen với lãi suất 19-20% nay thất vọng với mức 14%. Vẫn những cách cũ, đầu tiên, các ngân hàng nâng lãi suất kịch trần trên tất cả các kỳ hạn. Nhìn trên bảng tập hợp lãi suất của các ngân hàng hiện nay, mức phổ biến cho các kỳ hạn trên 1 thang đều bằng nhau 13,99-14%.
Như mọi lần khó khăn huy động vốn, đường cong lãi suất (thấp ở kỳ hạn ngắn và cao ở kỳ hạn dài) đã bị phá vỡ. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang chịu sức ép lớn trong lãi suất và huy động vốn. Và cũng từ đây, những cảnh báo về thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ được đưa ra.
Trong khó khăn, các ngân hàng cũng có những sáng tạo nhưng không có gì mới khi vân tập trung tăng lãi suất tối đa và tập trung huy động bốn kỳ hạn ngắn.
Sau khi thị trường "sốt" với sản phẩm huy động vốn một ngày của ABBank với lãi suất cao thì một ngân hàng khác là Ngân hàng Phương Tây đưa ra sản phẩm tương tự, huy động kỳ hạn 1-6 ngày, lãi suất áp dụng là 14% một năm, áp dụng cho mọi khoản tiền gửi và lãi sẽ nhập gốc để khách hàng nhận được mức lãi suất cao và hấp dẫn mà còn giúp khách hàng linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn của mình.
Có mặt trong xu hướng này còn xuất hiện những ngân hàng lớn như ACB với sản phẩm huy động VND kỳ hạn tuần lên kịch trần 14%/năm. Tại một số ngân hàng quốc doanh, kỳ hạn tuần cũng ở mức kịch trần.
Không chỉ vốn ngắn hạn mà vốn không kỳ hạn cũng có lãi suất cao gần như tối đa khi SCB nâng lãi suất tiền gửi không kì hạn lên 12%/năm so với mức thông thường hiện dao động từ 3-4,8%/năm. Theo đó, với khách hàng có tài khoản thanh toán không kỳ hạn VND tại SCB, vào cuối mỗi ngày, ngân hàng sẽ chốt số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng.
Tuy nhiên, những cách này dường như không thể níu kéo được nguồn vốn tìm đến những khu vực sinh lời cao hơn. Trong khi đó, sự mời gọi của các kênh đầu tư khác có giá được cho là xuống đến mức thấp đề gom vào như chứng khoán và vàng, kể cả BĐS thì lãi suất lại không thể tăng tính hấp dẫn bằng cách nâng lãi suất được nữa.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng, một bộ phận dân cư cũng rút tiền để mua vàng, USD... mà biểu hiện là giá vàng và tỉ giá ngoại tệ tự do trong những ngày gần đây đều tăng.
Có vẻ không còn cách nào khác, trong thời điểm này, nhất là gần cuối năm, tất cả các doanh nghiệp đều cần tiền thì những "chiêu" như trên cũng không thể tránh khỏi.
Thông lệ, những khoản tiền gửi ngắn dưới 1 tuần và theo ngày là không được xem là có lỳ hạn, lãi suất thấp và thậm chí là tiền gửi thanh toán không có lãi suất. Trước đây, các ngân hàng đã từng sử dụng kỳ hạn tuần để cạnh tranh huy động vốn, nhưng sau thấy bất ổn đã đồng thuận bỏ. Nay các đã quay trở lại kỳ hạn tuần.
Trong khi đó, với đường cong lãi suất bị duỗi thẳng lãi suất kỳ hạn ngắn dài đều như nhau, tiền gửi một ngày và tiền gửi trên một năm hay lâu hơn đều thẳng băng cùng mức 14%/năm. Thậm chí, gửi 1 ngày, lãi suất 14% và nhập gốc gửi tiếp có khi có lợi hơn gửi cả năm. Điều này đã làm cho nguồn vốn của ngân hàng tỏ ra bất ổn, và xa hơn là vấn đề thanh khoản cần được cảnh báo.
Lê Khắc