Nhanh hơn mọi dự đoàn, vàng thế giới đã trượt mạnh sau khi các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo vàng để bù lỗ, đồng thời tìm đến USD và trái phiếu kho bạc làm tài sản tích trữ thay thế. Vàng kỳ hạn giảm tới 100 USD/oz, mức giảm lớn nhất kể từ 30 năm qua.


Vàng tụt dốc không phanh

Vàng thế giới đã trượt dốc không phanh trong phiên giao dịch ngày 23/9. Kết thúc phiên giao dịch tại sàn New York, giá vàng đã giảm tới 79 USD/oz, tương đương 4,5% giá trị, xuống mức 1657,20 USD/oz.

Nhanh hơn mọi dự đoàn, vàng thế giới đã trượt mạnh sau khi các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo vàng để bù lỗ, đồng thời tìm đến USD và trái phiếu kho bạc làm tài sản tích trữ thay thế. Có thời điểm, giá vàng đã mất tới 6% giá trị, mức suy giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hiện giá vàng đã ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8.

So với mức kỷ lục 1923,70 USD/oz mà vàng thiết lập vào ngày 6/9, giá vàng đã giảm tới 15% giá trị chỉ trong có hơn 2 tuần. Kể từ khi vàng lập kỷ lục trên 1.900 USD/ounce tới nay, nhiều nhà đầu tư đã mất niềm tin vào vàng do loại tài sản này tăng quá nhanh và mạnh. Nhiều người đã bắt đầu nghĩ đến việc tìm một nơi trú ẩn an toàn mới để chống lại khủng hoảng nợ châu Âu và nguy cơ suy thoái toàn cầu.


“Thị trường vàng cũng đang đi xuống không phanh. Trong thời gian tới, các nhà đầu tư có lẽ sẽ không còn mặn mà với vàng kể cả trong trường hợp nền kinh tế tiếp tục diễn biến xấu”, Adam Klopfenstein, chuyên gia tại MF Global, Chicago nhận định.

Tại sàn giao dịch Comex, giá vàng kỳ hạn giao trong tháng 12 cũng đã giảm tới 101,90 USD, tương đương gần 6% giá trị, xuống mức 1639,80 USD/oz. Động thái nâng 21% tỷ lệ ký quỹ đối với vàng kỳ hạn trên sàn Comex của CME Group là đòn giáng mạnh vào thị trường phiên qua. Như vậy chỉ trong vòng có 2 ngày, kim loại quý này đã giảm tới 9,3%, mức cao nhất kể 30 năm qua. Mức sụt giảm gần 10% trong vòng 1 tuần cũng là mức cao nhất kể từ năm 1983.

“Hiện thất khó để đoán được giá vàng sẽ còn giảm tới mức nào. Tăng trưởng chậm của nền kinh tế đã tạo áp lực cho vàng cũng như các loại hàng hóa khác, và đẩy giá trị của chúng xuống”. Frank Lesh, nhà đầu cơ của FuturePath Trading, Chicago nói.

“Giá vàng hiện tại đang đi theo một kịch bản tương tự như kịch bản của cuộc khủng hoảng năm 2008”, Suki Cooper, nhà phân tích tại Barclays Capital, New York nhận định.

Trong tháng 10/2008, giá vàng đã giảm tới 18% giá trị. Nhưng 2 tháng sau, nó lại tăng thêm 23%.Cùng với vàng, các kim loại quý khác như bạc và bach kim cũng đã suy giảm mạnh.

Các nhà phân tích e ngại, sau khi vàng xuyên thủng mức hỗ trợ quan trọng là 1.700 USD/oz, thì tương tự các cuộc khủng hoảng trước đó, giá vàng sẽ mất tổng cộng 30% kể từ mức 1.900 USD/oz, tức là cũng sẽ về vùng 1.500 USD/oz.

Chứng khoán ổn định

Sau một tuần đen tối và có lúc đứng trên bờ vực của khủng hoảng, thị trường chứng khoán Mỹ ngày hôm qua đã bắt đầu ổn định trở lại. Các chỉ số lớn của Mỹ đều đã tăng điểm nhẹ. Chỉ số S&P 500 đã tăng thêm 0,61% giá trị, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,35%, chỉ số Nasdaq tăng thêm 1,12%.

Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones hiện tại vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Thị trường chứng khoán Mỹ đã bị tuột dốc chóng mặt sau khi các nhà đầu tư tìm cách bán tháo cổ phiểu do nỗi lo về cuộc khủng hoảng nợ đang leo thang tại châu Âu và cảnh báo của Cục dự trữ liên bang Mỹ FED.


Đến phiên giao dịch cuối tuần, đà rơi của thị trường đã được hãm lại và bấp bênh giữa được và mất. Thị trường phục hồi sau thông tin các nhà hoạch định chính sách sẽ bổ sung thêm những hỗ trợ cho ECB và hệ thống ngân hàng châu Âu. Kết thúc phiên, chỉ số S&P 500 vẫn giữ được ở trên mức 1119 điểm. Đây là một mức quan trọng có thể thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu trong tuần tới.

Tuy nhiên, những bất ổn dồn dập tại trên thị trường toàn cầu đã khiến nhiều nhà đầu tư cắt giảm mục tiêu của mình từ nay cho đến cuối năm. Thị trường ảm đạm khiến nhiều người phải thận trọng dù họ có lạc quan đến đâu.

“Trong thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trong việc đưa ra những quyết định lớn”, Doreen Mogavero, giám đốc tại Mogavero, New York nhận định.

“Thị trường tài chính hiện đang quá mệt mỏi bởi các nhà quản lý Mỹ và châu Âu khi họ chẳng giải quyết được vấn đề gì đối với cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại. Khả năng cho một cuộc suy thoái kép đang gia tăng nhanh chóng”, Barton Biggs, chuyên gia tại Traxix Parters, New York nói.

Theo ông, nguy cơ cho một cuộc suy thoái mới ở Hoa Kỳ là rất cao vì các quan chức châu Âu và Hoa Kỳ đã không hành động đủ mạnh để đối phó với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế yếu kém của mình.

Cùng với khủng hoảng của thị trường, giá dầu thô ngày hôm qua cũng đã giảm xuống dưới 80 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5 sau khi nhóm các nước G20 đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề hiện tại của kinh tế thế giới và không làm giảm đi lo ngại của một cuộc suy thoái mới.

Giá dầu giao trong tháng 10 đã giảm xuống còn 79,85 USD/thùng. Giá dầu kỳ hạn đã giảm 9,2% trong tuần này, cho thấy nhu cầu thế giới vẫn giảm mạnh do nền kinh tế yếu kém. Các chuyên gia dự báo, giá dầu sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới.

Quốc Dũng (Theo Reuters, Bloomberg)