Được giá vàng và lãi suất “đệm nhạc”, năm 2010, tỷ giá tiếp tục trình diễn những “điệu nhảy” khiến không chỉ các nhà quản lý mà cả ngân hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhiều phen chóng mặt…



Chính sách: Nơi tạo nên những “nốt nhạc” đầu tiên


Vấn đề tỷ giá vốn đã làm đau đầu các nhà quản lý nhiều năm nay. Tăng khá mạnh trong 2 năm 2008 và 2009, sang đến tháng 1/2010 tỷ giá VND/USD giảm nhẹ, đứng ở mức 18.479 đồng/USD. Sự giảm giá này của đồng USD là do sự tạm thời “dư thừa” ngoại tệ, xuất phát từ các nguyên nhân như: nguồn vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp, vốn hỗ trợ phát triển chính thức), kiều hối... tăng. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng. Sự “dưa thừa” này là kết quả của hàng loạt chính sách được NHNN ồ ạt ban hành.

Ngày 11/2/2010, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 17.941 đồng/USD lên mức 18.544 đồng/USD nhằm khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng, cải thiện trạng thái ngoại tệ vốn đang căng thẳng. Trước đó, ngày 18/1 NHNN có Quyết định số 74/QĐ-NHNN giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 7% xuống 4% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với kỳ hạn trên 12 tháng đã làm tăng nguồn vốn khoảng 500 triệu USD cho các NHTM để cho vay trên thị trường. Để tăng thêm nguồn cung USD, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 03/2010/TT-NHNN, quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng là 1%/năm. Sự dư thừa ngoại tệ khiến lãi suất vay vốn bằng VND và USD có sự chênh lệch rất lớn.

Trong khi lãi suất vay VND ở mức 15% - 17%/năm, thì lãi suất vay USD chỉ khoảng 6% - 9%/năm. Chênh lệch này khiến nhiều doanh nghiệp chọn vay USD rồi bán lại lấy vốn VND. Sở dĩ doanh nghiệp có thể làm như vậy vì từ ngày 15/12/2009, NHNN ban hành Thông tư số 25/2009/TT-NHNN mở rộng đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, đặc biệt là các đối tượng xuất khẩu. Danh sách chính thức các đối tượng doanh nghiệp được vay ngoại tệ không nhiều, nhưng “không ai có thể đảm bảo mọi doanh nghiệp vay ngoại tệ đều đúng đối tượng”, lãnh đạo một NHTM thừa nhận. “Làn sóng” tín dụng ngoại tệ ngày càng mạnh. Tín dụng bằng ngoại tệ đã tăng đột biến tới 14,07% trong quý I/2010, trong khi cùng kỳ năm ngoái giảm 2,24%. So với tháng trước, tín dụng bằng ngoại tệ đã tăng lần lượt: tháng 2/2010 là 6,74%; tháng 3 giảm đà còn 5,95%; tháng 4 là 3%/; tháng 5 ở mức 3,16%.

Đầu ra tăng mạnh nhưng đầu vào rất khiếm tốn: huy động vốn bằng ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm 2010 chỉ tăng 3,09%. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ các NHTM buộc phải tăng lãi suất huy động lên quanh mức 5%/năm.  

Tỷ giá: Điệu nhảy của tổng hòa nhiều “dòng nhạc”

Bất ngờ đầu tiên, đáng chú ý của thị trường ngoại hối năm 2010 là vào ngày 28/4/2010 tỷ giá trên thị trường tự do lần đầu tiên đã thấp hơn mức tỷ giá niêm yết của các NHTM. Và tỷ giá do các NHTM niêm yết trong thời gian này cũng luôn thấp hơn mức trần cho phép của NHNN, đứng ở mức 18.950 - 18.970 đồng/USD. Thế nhưng, chính sách thường có độ trễ từ 6 - 9 tháng. Những chính sách trên của NHNN đã giải quyết được vấn đề dư thừa tạm thời ngoại tệ trong những tháng cuối năm 2009, đầu 2010, nhưng đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy sau này.

Trước sức ép của thị trường, tháng 8/2010, NHNN buộc phải tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 2,1%, lên mức 18.932 đồng/USD. Cuối tháng 11, tỷ giá tăng vọt lên mức 21.380 - 21.450 đồng/USD, trên thị trường tự do tỷ giá vượt qua mức 21.500 đồng/USD. Chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chợ đen so với tỷ giá chính thức đến 10%. Đây là mức chênh lệch cao nhất trong lịch sử tài chính Việt Nam từ năm 1990. Tuy nhiên, công bằng mà nói, tỷ giá tăng không chỉ do độ trễ của chính sách mà còn do tác động không nhỏ của giá vàng và lãi suất VND, và CPI (bắt đầu tăng tốc từ tháng 9/2010). Ngày 9/11, giá vàng (ăn theo giá vàng thế giới và chịu tác động tâm lý mạnh của người dân) cũng đã đạt “đỉnh” 38 triệu đồng/lượng. Lãi suất VND thì rập rình trở lại ngưỡng 20%/năm của năm 2008.

Sự bất thường của tỷ giá còn cho thấy sức mạnh của yếu tố tâm lý người dân. Bất chấp sự mất giá của USD trên thế giới, người dân, doanh nghiệp vẫn găm giữ USD. Việc găm giữ này, xét trên góc độ kinh tế, xã hội là do tình trạng đô la hóa của Việt Nam ngày càng trầm trọng, hiện đã ở khoảng 23%.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của tỷ giá hối đoái không nằm ở sự mất giá của VND với đồng USD mà là cách thức chúng ta xử lý nó thế nào. Nếu phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp, vừa can thiệp vừa điều chỉnh, vừa điều hành lãi suất hợp lý, đặc biệt là chênh lệch lãi suất giữa đồng nội tệ và ngoại tệ thì có thể giải quyết vấn đề này trong quý I/2011. Được biết, thời gian tới Chính phủ sẽ có những biện pháp quyết liệt để làm giảm chênh lệch đó và ổn định tỷ giá hối đoái.

Ngân Hà - Doanh Nhân