Hàng trăm hộ gia đình, bao gồm rất nhiều người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai...đang sinh sống tại chung cư cao cấp Keangnam, Hà Nội đã phải trải qua khoảng 8 giờ sống vật vờ - khắc khoải- phẫn nộ, sau khi ban quản lý toà nhà cắt thang máy, phương tiện đi lại gần như duy nhất lên các ngôi nhà bạc tỷ của toà nhà cao nhất Việt Nam.

TIN BÀI KHÁC


Như đã đưa tin, khoảng 1 giờ chiều qua 3/12, ban quản lý toà nhà 48 tầng Kengnam Hanoi Landmark Tower là công ty Keangnam Vina đã đột ngột hạn chế quyền đi lại của cư dân ở đây bằng cách ngắt quyền sử dụng thang máy, với lý do cư dân không nộp phí quản lý.

Theo bảng chi phí do Keangnam Vina đưa ra, liên tục từ tháng 3 đến tháng 10/2011, công ty này đã bỏ ra chi phí hơn 16 tỷ đồng cho công tác quản lý toà nhà, trong đó thu về 6 tỷ đồng, lỗ hơn 10 tỷ đồng. Để ép cư dân đóng phí, Keangnam Vina quyết định dùng hạ sách là vô hiệu hoá thẻ từ đi thang máy của những hộ gia đình chưa đóng phí, chiếm phần lớn trong tổng số gần 400 hộ dân sinh sống tại đây.


Ông Ha Jong Suk (trái) liên tục từ chối đề nghị mở thang máy của cư dân và lãnh đạo xã Mễ Trì.

Mặc dù có đề cập bằng văn bản trước đó nhưng việc Keangnam Vina bất ngờ cắt thang máy vào đầu giờ chiều qua đã gây bức xúc, phẫn nộ cho toàn bộ cư dân. Anh Hoàng Chu sống tại tầng 42 của toà nhà phẫn nộ: "Chúng tôi phải bỏ tiền tỷ ra để mua những căn hộ này, nhà thấp nhất là hơn 5 tỷ, nhà cao là hơn 13 tỷ, những mong để được hưởng dịch vụ cao cấp tương xứng nhưng không ngờ Keangnam Vina lại có hành vi ứng xử trái pháp luật, trái thoả thuận đã được ghi trong hợp đồng và trái với văn hoá ứng xử của người Việt Nam".

Một cư dân khác sống tại toà nhà là chị Minh Thảo bức xúc: "Việc rất nhiều hộ dân ở đây chưa đóng tiền phí theo mức của Keangnam Vina đưa ra là 17.130 đồng/m2/tháng không phải bởi mức phí đó cao hay thấp mà đó là sự áp đặt một chiều từ phía Keangnam Vina, không phân tích, không thoả thuận, trong khi theo quy định của UBND TP.Hà Nội chỉ là 4.000 đồng/m2/tháng. Chúng tôi đề nghị nộp trước khoản phí theo quy định của thành phố, đồng thời đàm phán với họ để có mức phí hợp lý nhất nhưng họ đã khăng khăng giữ quan điểm của mình và tới giờ là cắt thang máy của người dân. Đây là hành động không thể chấp nhận được tại cái nơi được gọi là khu chung cư cao cấp này".



Hàng trăm người già, trẻ nhỏ, phụ nữ...vất vưởng tại văn phòng Keangnam Vina

Được biết, trước ý định cắt thang máy của Keangnam Vina, ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam đã có văn bản khẳng định ban đại diện đã nhiều lần yêu cầu Kengnam Vina làm rõ về mức phí 17.130 đồng/m2/tháng mà công ty áp đặt thu mà chưa có sự đồng thuận của cư dân nhưng phía công ty đã từ chối đề nghị này với lý do "đó là bí mật kinh doanh". Cư dân cũng đề nghị trong khi chờ đợi để hai bên thống nhất một mức giá dịch vụ mới, cư dân đã nhiều lần đề nghị ban quản lý toà nhà tạm thu với mức giá trần do UBND TP Hà Nội quy định là 4.000 đồng/m2/tháng nhưng không được chấp nhận.

Văn bản của cư dân cũng khẳng định việc cản trở sự đi lại của cư dân, cắt quyền sử dụng thang máy tại thời điểm này không hợp lý, hợp tình, vừa vi phạm quy định của pháp luật, vừa đe doạ cuộc sống thường ngày và chiếm đoạt tài sản chung của cư dân đã được ghi trong phụ lục hợp đồng mua bán căn hộ.


Lực lượng công an cũng có mặt để duy trì trật tự, ngăn cản những hành động quá khích của người dân do quá bức xúc.

Bất chấp những đề nghị này, chiều 3/12, Keangnam Vina đã cắt thang máy, khiến sinh hoạt của hàng trăm hộ dân bị hỗn loạn. Không thể có sức leo cầu thang bộ tới hàng chục tầng, hàng trăm người, trong đó có cả người già, phụ nữ, trẻ em...đã chọn văn phòng của Keangnam Vina ở tầng 1 vừa làm nơi sinh hoạt, vừa là nơi yêu cầu lãnh đạo công ty này phải mở thang máy. Chứng kiến cảnh những cư dân và người thân của họ phải sống vật vờ, phẫn nộ vì không được về ngôi nhà bạc tỷ của chính mình mới phần nào hiểu được không phải bao giờ" tiền nào" cũng đi với "của ấy".

Suốt khoảng 6 giờ từ 1 giờ chiều tới 7 giờ tối, đề nghị duy nhất của cư dân và cả lãnh đạo UBND xã Mễ Trì là mở toàn bộ thang máy để người dân sinh hoạt bình thường và hai bên sẽ thoả thuận mức phí đã bị phía Keangnam thẳng thừng từ chối. Hơn 7 giờ, lãnh đạo Keangnam Vina là ông Ha Jong Suk người Hàn Quốc xuất hiện và cũng chỉ nhượng bộ bằng cách mở 2 thang máy chở hàng chứ không mở những thang máy chở người như bình thường.

Chỉ đến khi Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm Lê Văn Phương xuất hiện, phía Keangnam Vina mới nhượng bộ, đến khoảng 9 giờ tối đã mở toàn bộ các thang máy vô điều kiện. Ông Phương cho biết, đầu tuần tới UBND huyện sẽ có văn bản mời các bên liên quan tới làm việc để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Một số hình ảnh vụ việc:


Hàng trăm hộ dân lấy tầng 1 làm nơi sinh hoạt, bởi họ không thể về nhà

Sự việc thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí

Người dân bức xúc khi bảo vệ toà nhà cản trở hoạt động của báo chí


Những khẩu hiệu phản đối quyết định của lãnh đạo Keangnam Vina

Chị Trịnh Thùy Mai, đại diện lâm thời cư dân Keangnam, đọc biên bản làm việc để lấy ý kiến của cư dân trước khi ký.

Tới 9 giờ tối, toàn bộ thang máy đã được mở. Thậm chí không cần thẻ, người sử dụng vẫn có thể đi lại bình thường.

(Theo VnMedia)