Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa
chỉ đạo xử lý nghiêm, kiểm điểm trách nhiệm rõ ràng các doanh nghiệp để thua lỗ
kéo dài.
Đây là ý kiến được Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công
Thương năm 2012 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng thời chỉ
đạo, thực hiện chức năng về chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Công
Thương cần thực hiện kế hoạch tái cơ cấu Tập đoàn, công ty để nâng cao hiệu quả
hoạt động.
Tăng trưởng nhưng thiếu bền vững
Theo Bộ Công Thương, năm 2011, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều
khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn đạt kết quả cao, vượt trội
cả về quy mô xuất khẩu và tốc độ tăng so với năm trước.
So với năm 2010 có thêm mặt hàng là túi xách, va li, mũ, ô dù và sản phẩm từ sắt
thép có kim ngạch trên 1 tỷ USD, đưa các mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD lên
con số 23 mặt hàng.
Doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực và chiếm tỷ
trọng cao trong nhiều mặt hàng, đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp chế biến. 3
mặt hàng có sự tham gia của khối FDI chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng
xuất khẩu của Việt Nam là hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, giày
dép.
Đặc biệt, mặt hàng mới là điện thoại các loại và linh kiện lần đầu tiên đạt 6,86
tỷ USD, tăng trưởng 297% và vươn lên vị trí thứ hai về xuất khẩu, chỉ sau dệt
may.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, với những kết quả đã đạt được
như trên cho thấy rằng, doanh nghiệp FDI vẫn là khối có đóng góp quan trọng
trong gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, mặc dù năm 2011 đã đạt được nhiều thành quả
tích cực, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế.
Cụ thể, quy mô và tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng xuất khẩu
lại chậm cải thiện. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch chậm, tỷ trọng nhóm hàng
nông sản thuỷ sản giảm từ 21,2% xuống 20,5% tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế
biến, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao vẫn chưa có sự chuyển
biến đáng kể.
Điều này cho thấy, tăng trưởng của chúng ta vẫn chủ yếu theo chiều rộng mà chưa
đi vào chiều sâu, chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh sẵn có, mà chưa khai thác được
lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp
hỗ trợ, để hình thành chuỗi giá trị giá tăng xuất khẩu lớn, Bộ trưởng Vũ Huy
Hoàng nói.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận những thành quả
xuất nhập khẩu mà ngành Công Thương đạt được trong năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh
thành quả đó theo Thủ tướng còn những vấn đề còn lo lắng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích, việc mặt hàng thép xuất khẩu hơn tỷ USD
“tôi hơi lo”. Bởi vì, thép chủ yếu là nhập phôi và lợi dụng giá điện rẻ cán rồi
đi xuất khẩu. Cả việc sản xuất xi măng gây ô nhiễm, rất tốn điện. “Nên khuyến
khích như thế không, chiến lực chúng ta có như thế không ?”, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng đưa ra câu hỏi.
Cần xử lý doanh nghiệp thua lỗ
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước
năm 2012 đạt khoảng 6 - 6,5%, trong kế hoạch sản xuất công nghiệp của mình năm
2012, ngành Công Thương khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong phấn đấu đạt mục tiêu
giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) tăng 13% so với năm 2011; giá
trị toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 7,5% so với thực hiện năm 2011.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để thực hiện được những mục tiêu trên, nhiệm
vụ cụ thể được đề ra trong năm 2012 là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để
thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển ngành
công nghiệp và xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh
tranh...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương
phải duy trì sản xuất, tháo gỡ khó khăn.
Để làm được việc này, ngành Công Thương cần rà soát cơ chế, chính sách cái gì
cần tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất
hàng giá trị gia tăng cao, những doanh nghiệp đảm bảo điện năng cho đất nước,
doanh nghiệp đảm bảo tình hình vĩ mô… chúng ta phải đi sâu vào tháo gỡ để vượt
qua khó khăn này, tiếp tục duy trì được sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ
đạo.
Cùng với đó phải cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, theo hướng
phải hiệu quả, cạnh tranh. Rà soát lại quy hoạch chiến lược phát triển của từng
ngành. Đồng thời, chú trọng đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu;
thực hiện tốt công tác quản lý thị trường giá cả, cân đối hàng hóa, chống đầu cơ
tăng giá, sốt giá nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 sắp tới.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương, cần đẩy mạnh
xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm mạnh nhập siêu, phấn đấu tỷ trọng nhập siêu
khoảng 10% như năm 2011. Đây sẽ là một đóng góp lớn vào việc ổn định kinh tế vĩ
mô, ổn định tỷ giá và vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Thực hiện chức năng của Bộ Công Thương về chủ sở hữu đối với Doanh nghiệp nhà
nước. Bộ Công Thương cần thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn, doanh nghiệp để
nâng cao hiệu quả hoạt động. Phải thực hiện cổ phần hoá, khắc phục tình trạng
thua lỗ kéo dài của doanh nghiệp, Tập đoàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Cùng với đó là xử lý đi liền với kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, các nào là khách
quan, cái nào là chủ quan… cái nào là quản lý yếu kém, cái nào là quản lý thiếu
trách nhiệm. Đồng thời rà soát, sắp xếp lại hoạt động đầu tư ngoài ngành, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
(Theo VnMedia)