Ngân hàng vẫn đóng cửa cho vay bất động sản (BĐS), thị trường chưa có tín hiệu phục hồi. Một màu xám xịt vẫn bao trùm thị trường BĐS năm 2012, khiến nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp và cả những đại gia BĐS nghĩ cách chuyển hướng kinh doanh.

TIN BÀI KHÁC

Loay hoay


Sau nghỉ Tết gần một tuần nhưng nhiều sàn giao dịch bất động sản vẫn đóng cửa im lìm và không có ý định mở cửa trở lại. Chị Lan Anh - Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản HT trên phố Trung Kính tâm sự: “Cả tháng trước Tết không có giao dịch nào, nên tôi cho đóng cửa sàn sớm nửa tháng, chắc sang tháng 2 âm lịch mới có thể mở cửa trở lại”.

Chị Lan Anh cho hay, sàn có 5 nhân viên, nay chỉ còn 3. Vì không có giao dịch nên không có tiền trả lương. Tết vừa rồi cũng không có thưởng vì cả năm bán được vài căn hộ chung cư mà tiền chênh không đáng kể. “Năm nay chưa có dấu hiệu gì cho thấy thị trường phục hồi, nếu không thể duy trì đến giữa năm, tôi tính đóng cửa sàn dài hạn”, chị Lan Anh nói.

Dự báo năm 2012, nhiều sàn giao dịch BĐS sẽ đóng cửa, chuyển nghề .

Phố Lê Văn Lương kéo dài vốn được coi là chợ giao dịch bất động sản nhưng nay nhiều sàn giao dịch đã đóng cửa. Sàn giao dịch BĐS Thịnh Vượng số 22 Lê Văn Lương kéo dài vừa mới đóng cửa cho thuê lại sàn giao dịch rộng 25m2 thành cửa hàng thời trang công sở.

Cũng trên phố Lê Văn Lương kéo dài, sàn giao dịch BĐS Tín Phát cho thuê lại 2 tầng trên tổng số 5 tầng của tòa nhà làm cửa hàng bán rèm mành. Anh Nguyễn Tài - nhân viên sàn giao dịch BĐS Tín Phát cho biết, nếu năm 2012 mà không làm ăn được thì chắc sếp cho thuê lại toàn bộ tòa nhà.

Chủ sàn giao dịch bất động sản nhỏ, lẻ có thể đóng cửa chờ thị trường phục hồi, còn chủ đầu tư với sản phẩm không bán được, hằng tháng trả trăm triệu lãi suất ngân hàng thì tìm cách đổi nghề khác mà nuôi dự án. Một đại gia có tiếng trên thị trường bất động sản với hàng loạt dự án chung cư, biệt thự từ miền Trung tới Hà Nội, cho biết: “May mà tôi chuyển hướng kịp thời từ năm 2011, đầu tư chuỗi nhà hàng ăn uống tại Hà Nội và Đà Nẵng, cùng hệ thống khách sạn 4 sao tại Huế, Đà Nẵng từ trước đó nên kiếm được lợi nhuận nuôi BĐS, nếu không khó mà vượt qua khó khăn về tài chính để tiếp tục hoàn thành các dự án”.

Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Cty Phát Đạt chọn cách trồng rừng: “Kinh nghiệm từ một số doanh nghiệp đi trước cho thấy, đầu tư vào nông nghiệp có những ưu thế nhất định và tôi cho rằng đây là hướng đi thích hợp. Nông nghiệp là lĩnh vực mà nhu cầu không bao giờ thiếu, luôn ổn định, được Nhà nước khuyến khích. Có thể là trồng rừng, trồng cao su, lúa gạo, chăn nuôi”.

Năm 2012, ông Đạt sẽ đầu tư trồng rừng nguyên liệu và cao su ở Campuchia, Lào, Myanmar vì đây là những đất nước có quỹ đất lớn và rất khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư.

Khách hàng bây giờ mới thành thượng đế


Một tiếng ngồi trò chuyện với phóng viên mà điện thoại của Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất Xanh miền Bắc- ông Vũ Cương Quyết đổ chuông liên tục. “Khách hàng gọi đấy, tổng giám đốc phải trực tiếp trả lời họ mới tin”, ông Quyết giải thích rồi kể: “Khách hàng bây giờ khó tính lắm. Hợp đồng cũ với chủ đầu tư ghi xây xong tầng 7 đóng tiền đợt 2 nhưng qua bên phân phối hợp đồng ghi xây xong tầng 5 thì thu tiền mà họ cứ thắc mắc mãi. Cách đây hơn một năm chỉ có mối quen mới mua được nhà dự án chứ không có chuyện chúng tôi phải đi mời chào từng khách hàng như bây giờ”.

Ông Quyết cho biết thêm, nhằm thu hút khách hàng cũng là kích cầu đầu năm, với chung cư Tân Tây Đô, công ty chiết khấu 2% hoặc voucher mua hàng trị giá 20 triệu đồng. Còn dự Dream Town cũng hỗ trợ voucher mua quà tết trị giá 30 triệu đồng tại các siêu thị.

Nếu như trước đây, mọi thắc mắc của khách hàng thì đều qua bên nhân viên tư vấn nhưng nay thì phải ông chủ “ra tay”, nhẹ nhàng thì khách hàng mới chịu vừa lòng khi bỏ tiền ra mua sản phẩm. Thậm chí, một tổng giám đốc một công ty địa ốc có dự án tại Hà Đông phải tổ chức gặp mặt toàn bộ khách hàng vào đầu năm để giải đáp mọi thắc mắc liên quan giá cả, tiến độ để khách hàng có thể chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Vị này thẳng thắn: “Trước đây chúng tôi bán với giá 25 triệu/m2 nay giảm xuống còn 22 triệu/m2, nhiều khách hàng mua trước thấy bất công nhưng biết làm sao được, chúng tôi phải giảm giá để đẩy hàng đi còn với khách hàng cũ nếu chúng tôi giảm thì chúng tôi chỉ có lỗ”.

(Theo Tiền Phong)